Đang cho con bú, có nên dùng thuốc làm mềm phân cho mẹ sau sinh?

Sau khi sinh không ít sản phụ gặp phải tình trạng táo bón. Tình trạng này khiến các mẹ cảm thấy khó chịu, gây đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Do vậy, việc điều trị táo bón sau sinh là việc cần thiết. Tuy nhiên, nhiều mẹ đang cho con bú lo ngại việc sử dụng thuốc làm mềm phân cho bà đẻ có ảnh hưởng đến em bé.

1. Táo bón sau khi sinh ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Táo bón sau sinh là tình trạng thường gặp, người bệnh ít đi ngoài hơn 3 lần mỗi tuần và có kèm theo khó khăn khi đi đại tiện do phân cứng và gây ra cảm giác đau rát vùng hậu môn. Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón sau sinh như:

  • Sự thay đổi nội tiết tố sau sinh và trong thời kỳ đang cho con bú.
  • Sau khi sinh, cơ thể mẹ yếu hơn, đặc biệt trường hợp mổ đẻ thời gian nằm nghỉ sẽ lâu hơn, ít vận động dẫn tới nhu động ruột giảm dẫn tới tình trạng táo bón sau sinh.
  • Sản phụ thường bổ sung thêm sắt quá nhiều, canxi và nhiều chất khoáng khác bằng viên uống hoặc thực phẩm. Những chất này chính là nguyên nhân gián tiếp khiến các mẹ bị táo bón do khó hấp thu.
  • Bên cạnh đó, vết rạch tầng sinh môn khiến cho việc đi đại tiện trở nên đau đớn và khó khăn hơn. Nhiều mẹ có tâm lý ngại đi và hay nhịn lại, lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng táo bón sau sinh.
  • Sản phụ sau đẻ thường kiêng cữ nhiều trong chuyện ăn uống nên không có đầy đủ chất dinh dưỡng, rau xanh và trái cây,... Điều này làm tăng nguy cơ bị táo bón sau sinh.

Táo bón khiến cho các mẹ cũng cảm thấy khó chịu, đặc biệt sau sinh cảm giác càng trở nên nặng nề. Táo bón sau sinh không chỉ gây tình trạng mệt mỏi, đầy bụng cho sản phụ mà còn làm tăng nguy cơ bị bệnh trĩ nếu không được điều trị dứt điểm. Đối với trường hợp phân ứ đọng lâu ngày trong ruột không thoát ra ngoài được sẽ gây nên tình trạng buồn nôn, đầy bụng và nhiễm độc hệ tiêu hóa.

thuốc làm mềm phân cho mẹ sau sinh
Thuốc làm mềm phân cho mẹ sau sinh có thể đi vào trong sữa mẹ và ảnh hưởng cho trẻ nhỏ

2. Đang cho con bú có nên dùng thuốc trị táo bón không?

Táo bón sau sinh thường xuất hiện trong một thời gian sau khi mẹ đẻ em bé và có thể tự khỏi nếu có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài cần phải điều trị bằng thuốc làm mềm phân cho mẹ sau sinh.

Thuốc làm mềm phân trị táo bón có thể đi vào trong sữa mẹ và ảnh hưởng cho trẻ nhỏ. Do đó, cần lựa chọn thuốc làm mềm phân cho bà đẻ loại thuốc ít hấp thu vào trong máu như macrogol. Đây là thuốc có tác dụng làm tăng lượng nước trong ruột, thể tích nước trong ruột không được hấp thu lại nên dung dịch có tính nhuận tràng. Bên cạnh đó, thuốc làm mềm phân dễ đi cầu macrogol có trọng lượng phân tử cao nên không bị hấp thu và cũng không bị chuyển hóa tại ống tiêu hóa, không gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.

Ngoài ra, các bà mẹ cũng cần lưu ý không nên sử dụng phương pháp thụt tháo để điều trị táo bón. Bởi vì, việc thụt tháo sẽ tác động đến hậu môn gây ra những tổn thương đau đớn. Đặc biệt, việc sử dụng thụt thuốc qua đường hậu môn lâu ngày sẽ làm giãn cơ trơn hậu môn dẫn đến mất phản xạ mót rặn. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc làm mềm phân trị táo bón nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

thuốc làm mềm phân cho mẹ sau sinh
Bổ sung các loại thực phẩm nhiều chất xơ để phòng ngừa táo bón sau sinh

3. Phòng ngừa táo bón sau sinh

Bên cạnh việc sử dụng thuốc làm mềm phân trị táo bón, các mẹ cần thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để phòng ngừa táo bón quay trở lại như:

  • Chế độ ăn uống: Trong thực đơn hàng ngày, mẹ hãy bổ sung các loại thực phẩm nhiều chất xơ. Bởi vì chất xơ rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa nhất là những bà mẹ đang gặp tình trạng táo bón sau sinh. Bổ sung nhiều chất xơ sẽ giúp làm mềm phân hơn từ đó có thể đi đại tiện dễ dàng mà không phải gắng sức. Các loại rau củ quả và ngũ cốc nguyên cám có chứa rất nhiều chất xơ. Những loại rau giàu chất xơ ví dụ như: mồng tơi, rau đay, súp lơ, cà rốt,... Các loại quả giàu chất xơ bao gồm bơ, đu đủ, táo, lê,...
  • Chế biến đa dạng với nhiều món ăn dạng lỏng để dễ tiêu hóa. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, từ đó ngăn ngừa được tình trạng đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.
  • Hạn chế ăn đồ chiên rán và nhiều dầu mỡ cũng như các chất kích thích.
  • Uống đủ nước: nước là thành phần quan trọng rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Các mẹ cần một lượng nước nhiều hơn người bình thường để tăng cường tạo sữa cho con bú. Đối với những người bị táo bón sau sinh thì việc bổ sung đầy đủ nước rất quan trọng, bởi vì nếu thiếu nước sẽ làm cho phân trở nên cứng hơn và làm nặng thêm tình trạng táo bón. Các mẹ có thể uống thêm sữa, nước trái cây hoặc nước canh ngoài nước lọc để cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ nước theo nhu cầu.
  • Vận động nhẹ nhàng: hãy cố gắng ngồi dậy, đi lại và vận động nhẹ nhàng sau khi sinh. Điều này không chỉ giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng cho sản phụ mà còn giúp nhu động ruột vận động tốt hơn đồng thời giảm nguy cơ táo bón.
  • Giữ tinh thần tích cực: Sau sinh, nhiều sản phụ có thể bị căng thẳng, stress khi cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tiêu hóa của cơ thể. Vì thế, các mẹ hãy giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, đồng thời dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón sau sinh, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.
  • Rèn luyện thói quen đi đại tiện: khi đi đại tiện cần rèn luyện một thói quen tốt không chỉ giúp cải thiện được tình trạng táo bón sau sinh mà còn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động được tốt hơn. Một vài nguyên tắc rèn luyện thói quen đi đại tiện như sau:
    • Đi vệ sinh đúng giờ: Hãy tự tạo cho mình một thói quen đi đại tiện vào một khoảng thời gian nhất định trong các ngày. Thời gian tốt nhất là từ 5 – 7 giờ sáng vì đây là khoảng thời gian đại tràng thải độc. Duy trì được thói quen đi đại tiện đúng giờ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, đều đặn hơn.
    • Ngồi đúng tư thế: Tư thế đi đại tiện được cho là tốt nhất đó là tư thế ngồi xổm. Tuy nhiên, hiện nay đa số các gia đình sử dụng bồn cầu bệt nên các mẹ có thể cải thiện việc này bằng cách kê một cái ghế nhỏ dưới chân khi đi đại tiện.
    • Không nhịn đại tiện: Ngay khi có cảm giác buồn đi đại tiện thì các mẹ cần phải đi ngay. Nếu thường xuyên nhịn đi đại tiện sẽ khiến phân bị ứ đọng, trở nên khô cứng hơn và làm cho tình trạng táo bón sau sinh càng thêm trầm trọng. Hơn nữa, các chất thải tích tụ lâu ngày trong hệ tiêu hóa có thể sinh độc tố gây hại cho cơ thể.
    • Không ngồi đại tiện quá lâu: Khi đi đại tiện mẹ tránh ngồi quá lâu, cần tập trung cho việc đi đại tiện, không được vừa đi đại tiện vừa xem điện thoại hay đọc báo. Việc ngồi quá lâu khi đi đại tiện sẽ tạo ra áp lực lớn lên các tĩnh mạch ở hậu môn, dẫn đến tình trạng táo bón và nặng hơn là bệnh trĩ.

Tóm lại, sau khi sinh nhiều sản phụ gặp phải tình trạng táo bón, khiến cho các mẹ cảm thấy khó chịu, gây đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, thuốc làm mềm phân trị táo bón có thể bị hấp thu vào trong máu và sữa ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Do vậy, trước khi sử dụng thuốc cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan