Khi nào nên dùng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột?

Nhắc đến vi khuẩn thì chúng ta thường nghĩ ngay đến những tác động xấu của chúng. Tuy nhiên, lợi khuẩn đường ruột lại có vai trò vô cùng quan trọng với chức năng tiêu hóa, miễn dịch và nhiều vai trò khác với sức khỏe con người.

1. Vi khuẩn đường ruột là gì?

Tại sao con người phải bổ sung lợi khuẩn đường ruột? Vi khuẩn đường ruột được đánh giá là một hệ sinh thái riêng với hàng nghìn tỷ vi khuẩn (hay quần thể vi khuẩn). Hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện có hơn 1.000 loại vi khuẩn khác nhau với tổng cộng khoảng 3 triệu gen, nhiều gấp 150 lần nếu so sánh với gen người.

Một đứa trẻ ngay từ khi mới chào đời đã lập tức bị các vi sinh vật xâm nhập, nguồn gốc chủ yếu từ người mẹ (trên da, vú, âm đạo, phân...), sau đó là từ không khí hay môi trường xung quanh trong quá trình sinh nở... Hệ vi sinh vật này liên tục phát triển cho đến khi trẻ được 2 tuổi và chịu ảnh hưởng lớn từ cách nuôi dưỡng của cha mẹ. Sau 2 tuổi, hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng hóa tương tự người lớn và liên tục phát triển trong suốt cuộc đời dưới sự ảnh hưởng của lối sống, chế độ ăn uống... Thống kê cho thấy khi con người ở trạng thái tốt thì hệ khuẩn đường ruột có đến 85% lợi khuẩn và chỉ 15% là các chủng vi khuẩn gây hại.

2. Vai trò của vi khuẩn đường ruột

Hệ khuẩn đường ruột được chia làm 2 loại là các chủng có lợi và các chủng có hại. Ở trạng thái bình thường, hệ lợi khuẩn và hại khuẩn luôn ở trạng thái cân bằng và tự kìm hãm sự phát triển của nhau. Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm phá vỡ sự cân bằng của hệ khuẩn đường ruột sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

2.1. Vai trò của lợi khuẩn đường ruột

Một số chủng vi khuẩn phát triển trong đường ruột con người đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể, có thể kể đến như Lactobacillus, Bacillus clausii, Bifidobacteria... Do đó việc sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột được đánh giá là rất cần thiết.

Những tác động tích cực của lợi khuẩn đường ruột có thể kể đến như sau:

  • Lợi khuẩn Bifidobacterium đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Chủng vi khuẩn này hỗ trợ tiêu hóa các loại đường lành mạnh có trong sữa mẹ;
  • Một số chủng lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa chất xơ thành các acid béo chuỗi ngắn. Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng, dự phòng bệnh tim mạch, đái tháo đường và hạn chế nguy cơ ung thư;
  • Một số lợi khuẩn khác hỗ trợ tiêu hóa thức ăn mà ruột non hay dạ dày không thể tiêu hóa được;
  • Một số chủng lợi khuẩn khác giúp tổng hợp Vitamin, ví dụ như vitamin B và K:
  • Tác động tích cực đến chức năng của hệ miễn dịch, như tạo ra các phản ứng nhận biết khi có triệu chứng nhiễm trùng hoặc tăng khả năng đề kháng cho cơ thể. Các lợi khuẩn này có vai trò tương tự “lính canh”, khi trực tiếp chống lại sự xâm nhập của các chủng hại khuẩn và bảo vệ an toàn cho niêm mạc đường ruột;
  • Một số nghiên cứu còn chỉ ra tác động tích cực của lợi khuẩn đường ruột đến hệ thần kinh, cụ thể là não bộ. Các chủng lợi khuẩn có mối liên quan mật thiết đến việc kiểm soát một số bệnh lý như tự kỷ hay trầm cảm;
  • Giảm các bệnh lý về dị ứng, ví dụ như lợi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacteria.

2.2. Các chủng hại khuẩn

Bên cạnh vai trò tích của của lợi khuẩn, trong đường ruột còn tại tại nhiều chủng vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt một số chủng hại khuẩn không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa mà còn có nguy cơ gây bệnh ở bất kỳ cơ quan nào khác.

Một số bệnh lý tiêu hóa xuất phát từ những tác động của hại khuẩn đường ruột có thể kể đến như viêm ruột, tiêu chảy, viêm đại tràng... Trong khi những bệnh lý ở bộ phận khác liên quan đến hại khuẩn đường ruột có thể kể đến như viêm phổi, viêm tiết niệu, viêm màng não và đặc biệt là nhiễm trùng huyết.

Một số chủng hại khuẩn đường ruột gây bệnh cho người tiêu biểu như sau:

  • Trực khuẩn Shigella gây lỵ và viêm ruột tiêu chảy;
  • Vi khuẩn Salmonella Typhi là tác nhân dẫn đến bệnh thương hàn ở người lớn;
  • Vi khuẩn E. Coli sống kí sinh hòa bình trong đường ruột của con người và động vật, thống kê chiếm đến 80%. Chủng vi khuẩn này nhiều phân thành nhiều loại, ở điều kiện bình thường không gây hại cho cơ thể mà thậm chí còn đóng một số vai trò quan trọng khác. Tuy nhiên một số trường hợp khi cơ thể bị bệnh hay sức đề kháng giảm sút do nguyên nhân nào đó, một số nhóm vi khuẩn E. Coli sẽ tấn công và phát triển trong cơ thể, sau đó gây bệnh. Chủng E. Coli gây bệnh phổ biến nhất là O157:H7 với những tổn thương niêm mạc đường ruột nghiêm trọng, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy cấp tính. Một số trường hợp nặng hại khuẩn đường ruột có thể gây tiểu máu, mất nước, xuất huyết dưới da...

3. Duy trì sự cân bằng của các vi sinh vật đường ruột như nào?

Một hệ khuẩn đường ruột cân bằng, khỏe mạnh sẽ có những tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Vấn đề đặt ra là làm sao bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối:

3.1. Ăn uống đầy đủ

Để bổ sung lợi khuẩn đường ruột và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra, bệnh nhân hãy tự xây dựng cho bản thân những bữa ăn cung cấp đầy đủ dưỡng chất, trong đó đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc và các loại rau củ quả. Chất xơ không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn là nguồn thực phẩm cung cấp cho một số chủng lợi khuẩn đường ruột với mục đích sinh sôi và phát triển mạnh hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân muốn bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột hãy đa dạng hóa bữa ăn, từ đó kéo theo các chủng sinh vật đường ruột cũng đa dạng theo. Chúng ta có thể bổ sung lợi khuẩn đường ruột bằng cách tiêu thụ một số thực phẩm lên men như sữa chua, phô mai, kim chi..., qua đó hệ vi sinh vật đường ruột được củng cố và thêm khỏe mạnh.

Ngược lại những thứ nên ăn tốt cho hệ lợi khuẩn thì bệnh nhân cũng nên chú ý những thực phẩm hạn chế sử dụng, bao gồm đồ ngọt, đặc biệt là chất tạo ngọt nhân tạo hay đường hóa học. Nhóm chất này có nguy cơ ảnh hưởng đến các chủng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến mất cân bằng và gây rối loạn tiêu hóa.

3.2. Sinh hoạt điều độ

Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn. Nếu hay thức đêm, mất ngủ, ngủ không đều hay giấc ngủ có chất lượng kém sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng. Chính vì vậy, muốn bổ sung lợi khuẩn đường ruột thì bệnh nhân cần đảm bảo ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và điều chỉnh để có giấc ngủ chất lượng tốt hơn.

4. Khi nào sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột?

Cách cuối cùng để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm bổ sung lợi khuẩn đường ruột, tuy nhiên khi sử dụng người bệnh cần đảm bảo đúng hướng dẫn sử dụng đi kèm hoặc lời khuyên của bác sĩ. Thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột cần đảm bảo chủng vi khuẩn đó phải phát triển được trong hệ tiêu hóa, bền với dịch mật, dịch acid dạ dày, dịch tiêu hóa và quan trọng nhất là có thể đến được nơi cần đến để cư trú và phát triển.

Không ít nghiên cứu cho thấy lợi khuẩn đường tiêu hóa góp phần kiểm soát nhiều vấn đề liên quan đến hệ cơ quan này, bao gồm hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh viêm ruột (IBD). Bên cạnh đó, lợi khuẩn đường ruột còn tác động tích cực đến một số bệnh lý như:

  • Chàm da;
  • Béo phì;
  • Kháng insulin;
  • Đái tháo đường tuýp 2;
  • Gan nhiễm mỡ không do rượu;
  • Giải quyết tiêu chảy hoặc táo bón.

Sử dụng các thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột là một biện pháp nâng cao sức khỏe tổng thể, do đó mức độ an toàn tương đối cao. Tuy nhiên, một số bệnh nhân lại gặp một số tác dụng phụ của thuốc. Lúc này, bệnh nhân nên giảm liều hoặc ngừng liệu pháp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột. Sau đó nhanh chóng đến bệnh viện nếu các triệu chứng bất thường có xu hướng kéo dài hoặc trở nặng.

5. Thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột có thể hại không?

Ngoài những lợi ích đã được đề cập phần trên, đôi khi việc bổ sung lợi khuẩn đường ruột lại dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ như:

5.1. Triệu chứng tiêu hóa

Một số người sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột bị đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy, đặc biệt khi mới dùng lần đầu. Nguyên nhân xuất phát từ việc hệ vi sinh vật bị thay đổi đột ngột, dẫn đến sinh ra nhiều khí hơn bình thường và từ đó gây đầy hơi.

Tuy nhiên, bệnh nhân không cần quá lo lắng vì những triệu chứng tiêu hóa trên sẽ mau chóng chấm dứt sau vài ngày. Trường hợp chúng vẫn tiếp diễn trong nhiều tuần tiếp theo thì bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cũng như can thiệp phù hợp.

5.2. Các vấn đề về da

Một số trường hợp hy hữu khi bổ sung lợi khuẩn đường ruột xuất hiện tình trạng phát ban hoặc ngứa. Nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng này vẫn đang được các chuyên gia nghiên cứu.

Nếu bị phát ban hoặc ngứa, người bệnh cần liên hệ với ai đó đi:

  • Ngưng sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột;
  • Kiểm tra thông tin trên nhãn dán để xem có bất kỳ hoạt chất nào gây dị ứng cho hay không;
  • Đến ngay bệnh viện nếu tình trạng phát ban kéo dài hoặc đi kèm với một số dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cho rằng bệnh nhân nên đổi chế phẩm thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột sau khi trị dứt điểm tình trạng ngứa hoặc phát ban.

5.3. Nguy cơ dị ứng cao

Người có cơ địa dị ứng hoặc chứng bất dung nạp gluten, đậu nành, trứng, sữa hoặc đường cần phải cẩn thận khi lựa chọn chế phẩm thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột. Nếu sơ sót, các phản ứng dị ứng có thể phát sinh và gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng.

Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên xây dựng thói quen kiểm tra danh sách thành phần trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào, bao gồm cả thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, nếu có bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu dị ứng, bác sĩ cần lưu ý bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu triệu chứng có xu hướng trở nặng.

5.4. Nguy cơ nhiễm trùng

Đa số trường hợp sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột đều an toàn. Tuy nhiên, kết quả từ một nghiên cứu năm 2017 trên những bệnh nhân đang mắc bệnh nghiêm trọng hoặc có hệ miễn dịch yếu nên tránh sử dụng thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột do nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc nấm từ chế phẩm.

5.5. Lợi khuẩn phát triển ngoài tầm kiểm soát

Hệ vi khuẩn cư trú ở ruột non và ruột già không giống nhau. Tình trạng vi khuẩn đường ruột phát triển ngoài tầm kiểm soát xảy ra khi khuẩn từ ruột già bắt đầu phát triển ở ruột non.

Ruột già chủ yếu chứa các chủng vi khuẩn kỵ khí, không cần oxy để sinh sống và sinh trưởng nhanh bằng cách lên men carbohydrate khó tiêu từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật khi chúng đi qua ruột.

Do đó, những hại khuẩn này dần “di cư” sang ruột non, từ đó kéo theo các triệu chứng tương tự hội chứng ruột kích thích, ví dụ như chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Điều này cũng lý giải vì sao tình trạng SIBO phổ biến hơn ở bệnh nhân IBS.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân khiến vi khuẩn đường ruột phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tuy vậy, một số giả thiết cho rằng đây là hệ quả từ hiện tượng giảm nhu động ruột.

5.6. Vi khuẩn nhận gen kháng kháng sinh

Tuy hiếm gặp nhưng vẫn có trường hợp lợi khuẩn đường ruột chứa gen kháng kháng sinh. Hệ quả là chúng sẽ truyền cho nhiều chủng vi khuẩn khác, bao gồm cả nhóm gây bệnh.

Vì vậy, khi chọn mua chế phẩm thuốc bổ sung lợi khuẩn đường ruột, bệnh nhân nên chọn những sản phẩm đến từ các thương hiệu đáng tin cậy và uy tín khi có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này ngay từ đầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan