Những cách chống say rượu hiệu quả

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Khi tham dự các bữa tiệc liên hoan, tụ họp bạn bè, bạn khó tránh uống bia rượu. Vậy làm thế nào hạn chế say, ảnh hưởng đến sức khỏe và không khí bữa tiệc? Hãy “bỏ túi” những cách chống say rượu hiệu quả dưới đây nhé.

Để hạn chế tình trạng say rượu, ảnh hưởng của cồn với cơ thể, trước khi tham gia bữa tiệc bạn nên áp dụng ngay những mẹo chống say rượu dưới đây:

1. Chống say rượu trước khi uống bằng thức ăn

Rượu được hấp thu ngay tại dạ dày 20% và 80% tại ruột non. Việc có thức ăn trong dạ dày sẽ làm chậm hơn quá trình hấp thu của rượu. Ngoài ra, việc có thức ăn trong dạ dày sẽ làm giảm kích ứng của niêm mạc dạ dày khi uống rượu sẽ tránh được tình trạng nôn nao, khó chịu.

Một trong những bí quyết chống say rượu là trước khi uống nên ăn lót dạ một số thực phẩm như:

  • Thực phẩm giàu chất béo: Ăn những thực phẩm giàu chất béo trước khi uống rượu bia sẽ giúp thẩm thấu chất cồn mà bạn sẽ dung nạp vào cơ thể. Lượng chất béo sẽ bao bọc xung quanh thành của dạ dày (bao tử), giúp cơ quan tiêu hóa hấp thu chất cồn chậm lại.
  • Bánh mì nướng: Ăn một vài lát bánh mì nướng trước khi uống rượu bia sẽ giúp bạn ngăn chặn cơn say. Carbon trong bánh mì lúc này sẽ giống như một bộ lọc trong cơ thể, giúp hấp thu chất cồn.
  • Ăn các thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa trước khi uống rượu bia cũng là một trong những cách chống say rượu hiệu quả.

Tóm lại, một số thực phẩm nên ăn trước khi uống để giảm triệu chứng say là: Thịt gà, phô mai, trứng, ngũ cốc, hạt hạnh nhân, bông cải xanh; các loại hoa quả như cam, chanh, quả bơ, dưa hấu, bưởi, lê,...

2. Mẹo chống say trước khi uống rượu bằng sữa

Uống một cốc sữa nóng trước khi bắt đầu bữa nhậu sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu chất cồn của cơ thể. Bởi sữa sẽ giúp tạo một lớp bảo vệ cho niêm mạc dạ dày và ruột, từ đó làm giảm khả năng hấp thụ cồn và điều này giúp cho hệ tiêu hóa “đối phó” được với chất cồn hiệu quả hơn.

3. Cách chống say rượu trong lúc uống

  • Uống chậm: Nhâm nhi
    • Cơ thể thường mất 1h để xử lý một lượng đồ uống nhất định theo tiêu chuẩn. Nếu uống rượu nhanh hoặc uống quá nhiều, cơ thể bạn không có thời gian cần thiết để làm việc này, dẫn đến tích tụ cồn trong máu và bạn sẽ nhanh chóng bị say.
    • Nhấm nháp đồ uống của bạn một cách chậm rãi để bạn không uống quá một ly mỗi giờ là 1 cách chống say rượu hiệu quả. Mẹo nhỏ là đừng gọi đồ uống khác hoặc để ai đó rót đầy ly cho bạn cho đến khi cạn ly. Có đá trong ly của bạn cũng sẽ làm bạn chậm lại (và uống nước sẽ giảm đi một chút).
  • Thay thế giữa đồ uống có cồn và không cồn: Nếu bạn định uống rượu, xen kẽ giữa đồ uống có cồn và không có cồn là một cách tuyệt vời để hạn chế lượng rượu của bạn và giúp bạn không bị say.
  • Uống thêm nước lọc: Cách chống say rượu đơn giản nhất đó chính là uống bia rượu cùng với nước lọc. Uống một cốc nước lọc xen giữa các lần uống rượu, bia sẽ giúp làm loãng nồng độ cồn trong máu và giảm độc tố từ rượu bia ngấm vào cơ thể.
  • Chọn đồ uống có nồng độ cồn nhẹ: Nếu đồ uống có nồng độ cồn cao, cơn say sẽ đến nhanh hơn. Vì thế, để hạn chế say xỉn thì bạn nên lựa chọn những loại đồ uống có nồng độ cồn nhẹ.
  • Tránh những ly cocktail hỗn hợp có chứa caffeine: Những món đồ uống ngọt ngào này sẽ khiến cho cơ thể dễ mất nước nhiều hơn và đồng thời còn làm tăng cảm giác buồn nôn, váng đầu, khiến cho bạn dễ bị say nhanh hơn.
  • Không pha trộn rượu, bia với nước ngọt hay đồ uống có gas: Nước ngọt và nước uống có ga chứa những bọt khí nên sẽ thúc đẩy quá trình hấp thu chất cồn vào máu nhanh hơn. Điều này sẽ khiến cho bạn dễ bị say và say nhanh hơn.
  • Thay đổi hình dạng ly uống rượu của bạn
    • Một số ghi nhận cho thấy hình dạng ly bạn sử dụng trong bữa tiệc rượu có thể ảnh hưởng đến số lượng rượu bạn uống. Đồ uống có cồn từ ly thẳng làm chậm say hơn 60% so với ly cong. Từ nghiên cứu khác, những người (trong đó có cả những người pha chế chuyên nghiệp) vô tình rót nhiều rượu hơn từ 20 đến 30% vào những chiếc ly ngắn, rộng hơn những ly cao, mảnh mai.
    • Do đó, nếu cố gắng không bị say, bạn có thể nên yêu cầu đồ uống của mình trong một chiếc ly cao và hẹp nếu có thể.
  • Nói chuyện trong lúc uống: Cách chống say rượu đơn giản mà nhiều bạn hay bỏ qua đó chính là chỉ tập trung uống mà không giao tiếp, nói chuyện với nhau. Vì thế, để lâu say hơn, bạn nên nói chuyện giao tiếp nhiều hơn với các bạn tiệc của mình.

4. Cách chống say rượu sau khi uống bằng Natri succinat

Việc sử dụng rượu không được khuyến khích. Trong một số trường hợp, bạn đã uống rượu với lượng nhiều, có thể sử dụng viên giải rượu. Nhưng cũng không nên lạm dụng viên giải rượu vì không thể giải hoàn toàn lượng rượu bạn đã uống và ngăn chặn các tác hại của rượu cho cơ thể. Khi uống nhiều rượu, bạn vẫn có thể say dù uống viên giải rượu.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại được gọi chung là “viên giải rượu”, nhưng bạn nên lựa chọn loại trong thành phần có Natri succinat. Đây là thành phần có tác dụng giảm thiểu chứng nôn nao nhờ đẩy nhanh sự phân hủy acetaldehyde thành acid acetic. Sau đó, acid acetic đi vào chu trình Krebs, sản sinh năng lượng, cung cấp cho tế bào hoạt động. Ngoài ra, Natri succinate còn có tác dụng kích hoạt các tế bào tại gan và tham gia vào quá trình chuyển hóa. Vì vậy Natri succinat không chỉ giúp tăng tửu lượng mà còn giảm nhanh được các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, là cách giảm mệt mỏi sau khi uống rượu hiệu quả. Trong viên giải rượu còn bao gồm các thành phần của vitamin nhóm B, C và các loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ gan như cà gai leo, hạ diệp châu đắng. Tuy nhiên, thông tin ghi nhận hiệu quả tối ưu của viên giải rượu vẫn còn hạn chế. Tốt nhất là bạn nên hạn chế lượng rượu tiêu thụ đến mức thấp nhất.

Việc sử dụng cồn ảnh hưởng đến sức khỏe cho chính bản thân và trong một số tình huống còn gây ảnh hưởng đến người khác do bạn không thể kiểm soát được hành vi của mình khi bị say. Vì vậy nên tự biết cách kiểm soát bản thân, tránh những cuộc nhậu vô bổ không cần thiết.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan