Thận trọng khi dùng thuốc chống táo bón

Khi bị táo bón thường xuyên việc sử dụng các loại thuốc chống táo bón là lựa chọn của rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc sai cách có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Do đó khi ý định dùng những loại thuốc này bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng để phòng tránh được tác hại của thuốc đối với cơ thể.

1. Thuốc chống táo bón được sử dụng phổ biến hiện nay

Để chữa táo bón hay phòng ngừa táo bón, thuốc nhuận tràng là sản phẩm được sử dụng phổ biến hơn cả. Công dụng chính của thuốc là kích thích nhu động ruột, cắt ngắn thời gian di chuyển của chất thải trong đường ruột, hỗ trợ làm mềm phân để giúp bệnh nhân đại tiện dễ dàng hơn.

Hiện nay, có 4 loại thuốc chữa táo bón phổ biến dựa trên các triệu chứng và mức độ bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng sao cho phù hợp.

  • Thuốc nhuận tràng tạo khối: Chữa táo bón bằng thuốc sẽ cung cấp chất xơ cho cơ thể để làm mềm phân và tăng nhu động ruột giúp bệnh nhân đi đại tiện dễ dàng hơn. Khi bị táo bón, nếu bệnh nhân dùng thuốc nhuận tràng tạo khối sẽ có tác dụng sau khoảng từ 6 - 12 giờ;
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Cơ chế hoạt động của thuốc là tăng độ ẩm cho chất thải để chúng dễ dàng di chuyển hơn trong đường ruột, nhờ đó cơ thể sẽ tống xuất ra ngoài. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đợi từ 2 - 3 ngày sau khi dùng thuốc mới nhận được hiệu quả như ý.
  • Thuốc xổ làm mềm phân: Cơ chế hoạt động của thuốc là giảm sức căng bề mặt chất thải, giúp phân dễ hấp thu nước hơn để đào thải ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần đến 12 - 72 giờ để thuốc có tác dụng.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Thuốc sẽ kích thích niêm mạc ruột để từ đây giúp rút ngắn thời gian đi đại tiện của bệnh nhân. Bạn sẽ cần chờ đợi 6 - 12 tiếng để thuốc phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc nhuận trạng khác mặc dù ít phổ biến hơn nhưng cũng giúp cải thiện tình trạng táo bón:

  • Thuốc nhuận tràng muối: Công dụng chính là làm rỗng ruột và thường được chỉ định sử dụng trong những trường hợp chuẩn bị thực hiện phẫu thuật.
  • Thuốc nhuận tràng bôi trơn: Công dụng chính làm giảm lượng nước hấp thu tại đường ruột.
  • Thuốc nhuận tràng prokinetic: Thường được sử dụng ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, táo bón vô căn mạn tính.

2. Một số nguy cơ khi dùng thuốc chống táo bón sai cách

Thực tế không phải lúc nào thuốc chống táo bón, chữa táo bón cũng phát huy hiệu quả tốt cho người sử dụng. Nếu dùng thuốc sai cách, người bệnh sẽ có nguy cơ đối diện với những vấn đề sau:

  • Mất nước nghiêm trọng với dấu hiệu điển hình như hoa mắt, chân tay run, cơ thể mất sức, tổn thương thận, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.
  • Mất cân bằng khoáng chất và điện giải, trong đó quan trọng nhất là kali. Theo các chuyên gia, khoáng chất và điện giải đều là những yếu tố quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan trong cơ thể nên việc rối loạn sẽ gây ảnh hưởng đến cơ bắp, hệ thần kinh, tim và ruột kết.
  • Tổn thương nội tạng khiến đại tràng bị căng giãn, từ đó trở nên mỏng, trơ cứng gây gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đại tràng, ung thư ruột kết và tổn thương gan.
  • Dùng thuốc chống táo bón quá nhiều sẽ khiến đại tràng trở nên “trơ lì”. Khi bị táo bón, người bệnh thường sẽ phải dùng thuốc ở liều cao hơn, thậm chí có trường hợp phải dùng thuốc liên tục mới đi đại tiện được.

3. Một số lưu ý giúp dùng thuốc phòng ngừa và trị táo bón hiệu quả

Để đảm bảo hiệu quả cũng như tính an toàn khi sử dụng thuốc chữa táo bón, người bệnh cần lưu ý:

  • Mỗi loại thuốc nhuận tràng sẽ phù hợp với từng nguyên nhân gây táo bón nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Trước khi dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không dùng thuốc khi bị loét dạ dày tá tràng, người mắc bệnh Crohn, phụ nữ có thai,...
  • Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được uống quá liều hoặc lạm dụng do thuốc có thể sinh ra phản ứng phụ nguy hiểm.
  • Trong trường hợp đã dùng thuốc nhưng tình trạng táo bón không thuyên giảm, bạn cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
  • Khi nhận thấy những triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc nhuận tràng, người bệnh cũng cần thăm khám càng sớm càng tốt.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, nếu tình trạng táo bón không quá nghiêm trọng, bạn chưa cần thiết phải nhờ tới sự trợ giúp của các loại thuốc nhuận tràng. Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể giải quyết chứng táo bón bằng việc áp dụng một chế độ sinh hoạt và thực đơn ăn uống lành mạnh hơn gồm:

  • Nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống từ 1,5 đến 2l nước/ngày để bôi trơn đường ruột, kích thích hệ tiêu hóa và làm mềm phân hơn;
  • Nếu phải ngồi lâu khi làm việc ví dụ như làm nhân viên văn phòng, hãy cố gắng dành một chút thời gian để tranh thủ đi lại, vận động nhẹ nhàng do việc ngồi quá lâu ở một vị trí cũng có thể gây táo bón.
  • Nên duy trì thói quen vận động thể lực, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày với bài tập phù hợp
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái vui vẻ, tránh căng thẳng kéo dài vì đây có thể là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột.

Nhìn chung các loại thuốc chống táo bón hay chữa táo bón đều có những công dụng nhất định nhưng nếu lạm dụng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường. Vì vậy bạn cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn sử dụng cũng như chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cũng như nên thay đổi lối sống lành mạnh hơn để ngăn ngừa táo bón.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

110 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan