Web thực quản là bệnh gì?

Web thực quản là những vết lõm của thành thực quản có thể làm hẹp lòng thực quản một phần. Ban đầu, web thực quản thường không có triệu chứng nhưng đôi khi người bệnh có thể gặp chứng khó nuốt ngắt quãng với thức ăn rắn.

1. Web thực quản là bệnh gì?

Web thực quản hay màng ngăn thực quản là một cấu trúc mỏng làm hẹp lòng thực quản một phần. Bệnh nhân có màng ngăn thực quản thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số khác lại có triệu chứng khó nuốt từng đợt với thức ăn đặc hơn là thức ăn lỏng.

Màng ngăn thực quản có bản chất là một màng mỏng (<2 mm) lệch tâm nhô vào lòng thực quản. Về mô học, màng ngăn thực quản được bao phủ bởi biểu mô vảy và thường xảy ra nhất ở phía trước của thực quản, gây ra hẹp lòng thực quản khu trú ở khu vực sau.

Tỷ lệ mắc phải thực sự của màng ngăn thực quản trong thực tế khó xác định rõ ràng, vì hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, một quan sát cho thấy màng ngăn thực quản đã được báo cáo ở 5 đến 15% bệnh nhân được chụp thực quản bằng bari vì chứng khó nuốt.

2. Nguyên nhân gây ra màng ngăn thực quản là gì?

Cơ chế bệnh sinh của màng ngăn thực quản cho tới nay là chưa được biết rõ. Có giả thuyết cho rằng màng ngăn thực quản có nguồn gốc thứ phát sau tổn thương mãn tính do trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, cũng có nguồn gốc bẩm sinh hoặc nguyên phát của màng ngăn thực quản tiến triển cũng đã được đề xuất.

Bằng chứng về việc tiếp xúc với axit thực quản gây ra các màng ngăn thực quản cũng như vòng thực quản được hỗ trợ bởi các nghiên cứu cho thấy giảm nguy cơ tái phát tình trạng này nếu người bệnh được điều trị bằng cách ức chế axit. Đồng thời, một nghiên cứu chụp X quang đã chứng minh sự tiến triển của màng ngăn thực quản gây hẹp lòng thực quản tiến triển là do trào ngược thực quản.

Web thực quản
Web thực quản là một cấu trúc mỏng làm hẹp lòng thực quản một phần

3. Các dấu hiệu và triệu chứng của màng ngăn thực quản như thế nào?

Hầu hết các bệnh nhân màng ngăn thực quản không có triệu chứng.Ngược lại, những bệnh nhân có triệu chứng thường có biểu hiện khó nuốt đối với thức ăn rắn, đặc biệt rõ ràng với các món cứng. Chứng khó nuốt thường không biểu hiện liên tục và bệnh nhân thỉnh thoảng sẽ phải cần thay đổi cách ăn (ví dụ: nhai thức ăn kỹ hơn).

Bên cạnh đó, các biểu hiện và mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng khi mắc phải màng ngăn thực quản còn phụ thuộc vào đường kính trong của lòng thực quản. Bệnh nhân bị hẹp lòng thực quản nhỏ hơn 13 mm thường sẽ bị khó nuốt thức ăn rắn.

Đôi khi, bệnh nhân có biểu hiện chứng khó nuốt khởi phát cấp tính hoặc hoàn toàn không thể nuốt nước bọt do thức ăn bị dính vào. Trong một số trường hợp hiếm, bệnh nhân có màng ngăn thực quản đi kèm hội chứng Plummer-Vinson với các đặc điểm lâm sàng liên quan của bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

4. Cách thức chẩn đoán màng ngăn thực quản

Màng ngăn thực quản gây hẹp lòng thực quản được hướng tới khi người bệnh có bệnh sử kéo dài của chứng khó nuốt với thức ăn rắn. Tuy nhiên, để xác định rõ ràng, bệnh nhân cần được chỉ định thực hiện chẩn đoán bằng nuốt bari và/ hoặc nội soi đường tiêu hóa trên để đánh giá chứng khó nuốt hoặc loại trừ các triệu chứng đường tiêu hóa trên khác.

  • Chụp thực quản bằng bari

Trên phim chụp thực quản bằng bari, lớp Web thực quản xuất hiện dưới dạng một đường viền mỏng (<3,0 mm) theo chu vi ngang vài cm trên phần gián đoạn của cơ hoành. Các vòng cơ là những khe hẹp đối xứng, nhẵn có độ dài từ 3 đến 5 mm theo chiều dọc trục với khẩu độ sáng thay đổi trong quá trình kiểm tra bằng phương pháp soi huỳnh quang.

Tuy nhiên, nếu thực quản không được làm căng đầy đủ, các màng ngăn thực quản hay vòng thực quản nếu có sẽ gây hẹp lòng thực quản một cách kín đáo nên có thể dễ dàng bị bỏ sót.

  • Nội soi tiêu hóa trên

Với phương tiện nội soi, màng ngăn thực quản xuất hiện dưới dạng một màng mỏng, mịn, thường không gây ngăn cản ống soi.

Nội soi tiêu hóa trên ít nhạy hơn so với chụp ảnh thực quản bari để phát hiện các vòng và màng ngăn thực quản. Trong đó, màng ngăn thực quản thường bị bỏ sót khi nội soi tiêu hóa trên vì chúng nằm gần cơ thắt thực quản trên.

Web thực quản
Web thực quản thường không có triệu chứng nhưng đôi khi có thể xuất hiện với chứng khó nuốt

5. Các cách điều trị màng ngăn thực quản

Màng ngăn thực quản thường dễ dàng bị làm vỡ rách trong quá trình nội soi chẩn đoán khi ống nội soi can thiệp đi ngang qua màng. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân đã bị hẹp lòng thực quản, người bệnh cần phải được nong thực quản mới có thể khôi phục chức năng đường tiêu hóa như bình thường.

Sau khi nong thực quản, bệnh nhân cần được điều trị duy trì với liều tiêu chuẩn một lần mỗi ngày của thuốc ức chế bơm proton trong 6 tuần. Đối với bệnh nhân có màng ngăn thực quản và có bằng chứng trào ngược dạ dày thực quản (ví dụ bệnh nhân thường xuyên bị ợ chua, hoặc viêm thực quản ăn mòn khi nội soi), liệu pháp này cần duy trì vô thời hạn, giúp làm giảm chứng khó nuốt một cách hiệu quả và ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.

Bên cạnh đó, nếu không đáp ứng với thủ thuật nong thực quản thông thường, tình trạng nuốt nghẹn hay khó nuốt tái phát, người bệnh có thể cần được chỉ định cắt bỏ màng ngăn thực quản bằng cách cách chuyên sâu hơn, như liệu pháp rạch nội soi sử dụng đốt điện, cắt bằng tia laser qua nội soi hay dùng kẹp sinh thiết.

Tóm lại, web thực quản thường không có triệu chứng nhưng đôi khi có thể xuất hiện với chứng khó nuốt ngắt quãng với thức ăn rắn nếu gây hẹp lòng thực quản một cách đáng kể. Lúc này, chụp phim với bari sẽ đặc biệt hữu ích trong việc xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn lòng thực quản. Bên cạnh đó, nội soi thực quản cũng cần thiết để chẩn đoán cũng như quyết định can thiệp tại chỗ, cắt màng ngăn thực quản và mở rộng lòng thực quản một cách hiệu quả cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cedars-sinai.org, sciencedirect.com, msdmanuals.com, emedicine.medscape.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

430 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan