Các phương pháp và phác đồ điều trị suy tim

Phác đồ điều trị suy tim thường được cá nhân hóa dựa trên nguyên nhân cụ thể của suy tim và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Với mỗi bệnh nhân, tùy thuộc dấu hiệu và giai đoạn suy tim sẽ có những phác đồ và phương pháp điều trị tương ứng.

1. Thế nào là bệnh suy tim?

Suy tim là một bệnh lý lâm sàng phức tạp. Đối với bệnh lý này, trái tim không thể bơm máu hiệu quả đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và dẫn đến suy giảm chức năng tim.

Xác định nguyên nhân suy tim là rất cần thiết, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Phần lớn suy tim là do rối loạn chức năng cơ tim hoặc do các bệnh lý liên quan đến tim khác như: nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, bệnh lý van tim...

Thế nào là suy tim và phác đồ điều trị suy tim?
Thế nào là suy tim và phác đồ điều trị suy tim?

3. Phương pháp và phác đồ điều trị suy tim

Điều trị suy tim thường đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp để cải thiện chức năng tim và giảm triệu chứng. Sau đây là một tổng quan về phác đồ điều trị suy tim:

3.1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là phương pháp quan trọng và cơ bản trong quản lý suy tim, nhất là đối với bệnh nhân có suy tim phân suất tống máu giảm và cần phải được tối ưu hóa trước khi cân nhắc bất kì phương pháp can thiệp hay các thiết bị cấy ghép. Thuốc nội khoa được sử dụng gồm nhiều nhóm thuốc sau:

3.1.1. Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I):

  • Ưu điểm: Giảm áp lực máu và giảm khả năng giữ nước, giảm tải công việc của tim, cải thiện chức năng tim.
  • Tác dụng: Điều chỉnh hệ Renin - Angiotensin – Aldosterone (RAA), giãn mạch, giảm tiền tải và hậu tải, giảm gánh nặng cho tim.
  • Chống chỉ định và thận trọng: Huyết áp thấp, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ mang thai.

3.1.2. Thuốc ức chế thụ thể neprilysin và angiotensin (ARNI):

  • Ưu điểm: Giảm áp lực máu, giảm khả năng giữ nước, cải thiện chức năng tim.
  • Tác dụng: Thay thế cho nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin II.
  • Chống chỉ định và thận trọng: Tiền sử phù mạch với thuốc ACEI, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ mang thai...

3.1.3. Thuốc chẹn beta giao cảm:

  • Ưu điểm: Kiểm soát nhịp tim, giảm áp lực trong tim, cải thiện sống còn và giảm tái nhập viện. Thuốc được ưu tiên sử dụng khi tình trạng suy tim đã ổn định.
  • Tác dụng: Hạn chế sự kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm.
  • Chống chỉ định: Suy tim ở giai đoạn III (độ suy tim theo NYHA), nhịp chậm, hen phế quản, ứ dịch, hạ huyết áp, block tim.

3.1.4. Thuốc ức chế đồng vận Natri-glucose 2 (SGLT2i):

  • Ưu điểm: Giảm tỷ lệ tử vong tim mạch và tái nhập viện do suy tim.
  • Tác dụng: Làm tăng đào thải đường và muối nước qua nước tiểu.
  • Chống chỉ định và thận trọng: Chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận nặng.
Những loại thuốc điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị suy tim
Những loại thuốc điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị suy tim

3.1.5. Thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (ARB):

  • Ưu điểm: Giãn mạch, cải thiện chức năng tâm thất.
  • Tác dụng: Ức chế trực tiếp thụ thể AT1 nơi angiotensine II gây ra tác dụng trên các tổ chức đích.
  • Chống chỉ định và thận trọng: Tương tự như thuốc ACE-I.

3.1.6. Thuốc ức chế thụ thể Mineralocorticoid (MRA):

  • Ưu điểm: Giảm co mạch, giảm giữ muối nước, cải thiện chức năng tim.
  • Tác dụng: Hạn chế tác dụng thái quá của tăng aldosterone trong suy tim nặng.
  • Chống chỉ định và thận trọng: Suy thận nặng, tăng kali máu.

3.1.7. Một số nhóm thuốc khác trong điều trị suy tim phân suất tống máu giảm

  • Nhóm thuốc lợi tiểu như Furosemide, Hydrochlorothiazide, Indapamide... giúp giảm ứ huyết do suy tim, thích hợp với bệnh nhân bị suy tim nặng hoặc phù phổi cấp.
  • Thuốc glucosid trợ tim (Digoxin): Cho những trường hợp suy tim với cung lượng tim thấp, bệnh cơ tim giãn có nhịp xoang nhanh và suy tim kèm theo rối loạn nhịp trên thất.
  • Thuốc chẹn kênh f (Ivabradine): Dành cho bệnh nhân suy tim có triệu chứng (NYHA II-IV), EF < 35%, nhịp xoang, tần số tim > 70 chu kỳ/phút dù đã tối ưu hóa liều chẹn beta giao cảm hoặc khi bệnh nhân không dung nạp với chẹn beta giao cảm.
  • Thuốc kết hợp Hydralazine và isosorbide dinitrate: Dành cho bệnh nhân suy tim với EF < 35% hoặc EF < 45% có kèm giãn buồng tim trái, triệu chứng NYHA III-IV dù đã tối ưu hóa điều trị suy tim bằng các thuốc nền tảng.
  • Omega 3 và thuốc giãn tĩnh mạch cũng được sử dụng cho người bệnh suy tim.

3.2. Các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh suy tim

Có một số phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị trong phác đồ điều trị suy tim, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể của suy tim và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

  • Phẫu thuật bắc cầu chủ vành:
  • Mục đích: Áp dụng khi nguyên nhân suy tim là do bệnh lý mạch vành, gây giảm cung cấp máu đến cơ tim.
  • Quy trình: Bác sĩ sẽ thực hiện việc bắc cầu chủ vành để khắc phục hoặc điều trị các tắc nghẽn trong động mạch vành, cung cấp máu đến cơ tim.
  • Nguy cơ: Người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ trước, trong và sau phẫu thuật, cũng như tiên lượng sau cuộc mổ.
  • Thay van tim:
  • Mục đích: Áp dụng khi bệnh nhân suy tim có bệnh van tim, nhằm cải thiện chức năng van.
  • Loại phẫu thuật: Có thể thực hiện thay van tim theo truyền thống, thông qua các phương pháp xâm lấn tối thiểu, nội soi hoặc can thiệp qua da.
  • Cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái:
  • Mục đích: Sử dụng khi người bệnh suy tim không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác và có tình trạng suy chức năng của thất trái nặng.
  • Quy trình: Được thực hiện bằng cách cấy các dụng cụ hỗ trợ để giúp thất trái hoạt động hiệu quả hơn.
  • Chú ý: Đây thường được coi là biện pháp cuối cùng khi mọi cố gắng điều trị khác không thành công.
  • Thay tim hoặc ghép tim:
  • Mục đích: Áp dụng khi người bệnh suy tim giai đoạn cuối và không phản ứng với các biện pháp điều trị khác.
  • Đối tượng: Thường được xem xét cho những người dưới 65 tuổi, có khả năng tuân thủ nguyên tắc điều trị chặt chẽ.
  • Chú ý: Ghép tim là quy trình phức tạp và đòi hỏi sự chẩn đoán và đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện.

3.3. Thay đổi lối sống:

3.3.1. Thay đổi chế độ ăn uống

  • Hạn chế Natri:

Giảm tiêu thụ muối và thực phẩm chứa natri như thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thức ăn đóng gói.

Sử dụng thêm gia vị và hương liệu thay vì muối để tăng hương vị.

  • Lựa chọn nguồn thực phẩm lành mạnh:

Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Chọn thịt nạc, cá, thực phẩm giàu protein thay vì thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Sử dụng sữa ít béo và sản phẩm từ nó.

  • Kiểm soát calo và cân nặng

Giữ cân nặng ổn định thông qua chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục.

Kết hợp hay đổi lối sống để có phác đồ điều trị suy tim hiệu quả
Kết hợp hay đổi lối sống để có phác đồ điều trị suy tim hiệu quả

3.3.2. Thực hiện lối sống lành mạnh:

  • Duy trì tập luyện đều đặn:

Thực hiện các hoạt động như đi bộ nhanh, đạp xe đạp nhẹ, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tránh hoạt động vận động gắng sức.

  • Hạn chế tiêu cực và căng thẳng:

Học kỹ thuật quản lý stress như: thiền, yoga hoặc thực hành thói quen giúp giảm căng thẳng.

Thiết lập lịch trình hợp lý để giảm áp lực hàng ngày.

  • Kiểm soát các nguy cơ khác:

Duy trì kiểm soát tốt với các yếu tố nguy cơ khác như: huyết áp, đường huyết, và mức cholesterol.

Ngừng hút thuốc lá và hạn chế bia rượu

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc

Đảm bảo ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ hằng ngày.

Các phương pháp và phác đồ điều trị suy tim cần được quản lý và điều chỉnh bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh nhân cần phối hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ để có được kết quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

248 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan