Xử lý và theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ Tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Rối loạn nhịp tim cấp cứu xuất hiện đột ngột có thể gây các biến chứng nguy hiểm như ngừng tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, việc theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu là một trong những quy trình rất quan trọng.

1. Loạn nhịp tim cấp cứu là gì?

Loạn nhịp tim là tình trạng rất thường gặp trong các bệnh lý tim mạch. Loạn nhịp tim có nhiều dạng như loạn nhịp tim chậm, loạn nhịp nhanh, nhịp tim nhanh trên thất, ngoại tâm thu, nhịp nhanh xoang, nhịp chậm xoang,... Cơ chế của loạn nhịp tim là rối loạn dẫn truyền thần kinh tự động tại cấu trúc tim.

Rối loạn dẫn truyền làm đảo lộn thời kì trơ, tạo các cơn nhịp nhanh do vòng vào hoặc ngược lại gây tắc nghẽn, tạo cơn nhịp chậm. Một cơ chế khác của loạn nhịp là rối loạn hình thành xung động do thay đổi tính tự động sẵn có của hệ thống thần kinh tự động tim.

Loạn nhịp tim đôi khi không gây triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhịp tim quá chậm, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, khó thở, ngất xỉu, phù mắt cá chân,... Khi nhịp tim quá nhanh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như trên do các buồng tâm thất không đủ thời gian giãn ra để đổ đầy máu. Một số triệu chứng thường gặp khác của loạn nhịp tim là đánh trống ngực, đau ngực, tim đập nhanh,...

Rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài có thể gây suy tim. Rối loạn nhịp tim cấp cứu xuất hiện đột ngột có thể gây ngừng tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... nếu không được xử lý kịp thời. Trong thực tế lâm sàng, rối loạn nhịp tim cấp cứu là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đột tử. Do đó, loạn nhịp tim cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh suy tuần hoàn.

Xử lý và theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu
Theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu là một quy trình quan trọng

2. Quy trình xử lý và theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu

Ê-kíp xử lý và theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Các trang thiết bị cần có gồm:

  • Máy monitor theo dõi điện tim và các dấu hiệu chức năng sống
  • Máy sốc điện
  • Thuốc (adrenalin, amiodaron, propranolol, atropin, an thần, giảm đau...)
  • Các phương tiện hồi sức hô hấp, tuần hoàn khác.

2.1. Đánh giá tình trạng người bệnh

Bác sĩ đánh giá tình trạng đường thở, các yếu tố của tuần hoàn (như tần số tim, mạch, huyết áp, thời gian đổ đầy mao mạch, nhiệt độ da) và thần kinh của người bệnh.

2.2. Tiến hành hồi sức

Các bước hồi sức bệnh nhân loạn nhịp tim cấp cứu gồm:

  • Làm thông thoáng đường thở: Cho bệnh nhân thở mask oxy, bóp bóng qua mask hoặc đặt nội khí quản nếu cần. Lắp máy monitor để theo dõi SpO2, nhịp tim của bệnh nhân.
  • Lấy máu người bệnh làm các xét nghiệm gồm: công thức máu, chức năng thận, đường máu. Đánh giá loạn nhịp tim trên điện tâm đồ 12 chuyển đạo: nhịp tim nhanh hay chậm, đều hay không đều, QRS rộng hay hẹp.
  • Truyền nhanh 20ml/kg dịch tinh thể nếu người bệnh có tình trạng nhịp chậm và có sốc.
Rối loạn nhịp tim nặng có thể gây suy tim
Rối loạn nhịp tim nặng có thể dẫn tới suy tim, vì vậy cần theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu một cách nghiêm ngặt

2.2.1. Xử lý khi bệnh nhân sốc

Nếu bệnh nhân loạn nhịp tim cấp cứu bị sốc, xử trí sốc theo các bước sau đây:

  • Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh sốc và nhịp tim < 60 lần/phút.
  • Sốc điện đồng thì 1-2 J/kg nếu người bệnh sốc và có nhịp nhanh thất. Nếu chưa có máy sốc điện thì đặt đường truyền tĩnh mạch hoặc trong xương, sau đó tiêm tĩnh mạch adenosin 0.1-0.5mg/kg.

2.2.2. Xử trí cấp cứu loạn nhịp chậm

  • Điều trị thiếu oxy và sốc nếu có, đảm bảo đủ thông khí cho người bệnh.
  • Tiêm tĩnh mạch atropine liều lượng 20 mcg/kg (100 – 600 mcg). Có thể nhắc lại Atropin sau 5 phút (tổng liều 1mg ở trẻ nhỏ, 2 mg ở trẻ lớn). Có thể nhỏ atropin qua nội khí quản 0,04 mg/kg.
  • Hội chẩn chuyên gia chống độc nếu người bệnh có tình trạng ngộ độc.

2.2.3. Xử trí cấp cứu nhịp nhanh trên thất

  • Thực hiện thủ thuật kích thích phó giao cảm đồng thời theo dõi điện tim trên monitor, không áp dụng ấn nhãn cầu ở trẻ em.
  • Nếu không có hiệu quả, tiêm cho người bệnh thuốc adenosine hoặc sử dụng một trong các thuốc gồm amiodarone, flecainide, digoxin, verapamil, propranolol.

2.2.4. Xử trí cấp cứu nhịp nhanh thất

  • Xử trí theo phác đồ rung thất nếu bệnh nhân loạn nhịp tim dạng nhịp nhanh thất vô mạch.
  • Nếu bệnh nhân huyết động ổn định, cần hội chẩn ngay với chuyên khoa tim mạch. Có thể dùng thuốc amiodarone (tiêm tĩnh mạch 5 mcg/kg trong 20 phút, trẻ sơ sinh tiêm trong 30 phút) hoặc procainamide (tiêm tĩnh mạch 15 mg/kg trong 30-60 phút).
  • Nếu bệnh nhân có sốc, thực hiện sốc điện đồng thì 1 J/kg. Nếu không hiệu quả tăng lên 2 J/kg và chuyển sang sốc điện không đồng thì. Có thể tiêm amiodarone 5mg/kg nếu bệnh nhân sốc nặng.
  • Cần theo dõi liên tục điện tim và các dấu hiệu sống trên monitor cho tới khi ổn định.

Tóm lại, rối loạn nhịp tim cấp cứu xuất hiện đột ngột có thể gây các biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, việc theo dõi loạn nhịp tim cấp cứu là một trong những quy trình rất quan trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan