Bao lâu sau khi tiếp xúc với HIV có thể xét nghiệm HIV?

Sau khi tiếp xúc với HIV, nhiều người thường có tâm lý muốn xét nghiệm HIV ngay lập tức vì muốn sớm biết mình có bị nhiễm HIV không. Tuy nhiên điều này có thực sự đúng không? Và chính xác kể từ lúc tiếp xúc với HIV sau bao lâu thì xét nghiệm ra HIV?

1. Khi nào nên xét nghiệm HIV?

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13 đến 64 đều nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần như là một phần của việc chăm sóc sức khỏe định kỳ, bởi có khoảng 1 trong 7 người Hoa Kỳ bị nhiễm HIV mà họ không biết rằng họ đã mắc phải căn bệnh này.

Với những người có nguy cơ cao hơn nên kiểm tra thường xuyên hơn. Nếu bạn có kết quả xét nghiệm HIV âm tính trong lần cuối cùng hoặc xét nghiệm đã được thực hiện hơn một năm trước, và thuộc một trong số những người có đặc điểm dưới đây thì bạn nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt:

  • Người có quan hệ đồng tính nam.
  • Đã có quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo với một người dương tính với HIV.
  • Đã quan hệ với nhiều người kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.
  • Sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc vật dụng khác như nước hoặc bông y tế với người khác.
  • Đã từng bán dâm.
  • Đã từng được chẩn đoán/điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Đã được chẩn đoán/điều trị lao hoặc viêm gan.
  • Đã có quan hệ tình dục với một ai đó có ít nhất một trong các đặc điểm kể trên.

Ngoài ra phụ nữ có thai cũng cần xét nghiệm HIV để có thể bảo vệ cả mẹ và con khỏi bị nhiễm HIV.

2. Tiếp xúc với HIV sau bao lâu thì xét nghiệm ra HIV?

Không có xét nghiệm HIV nào có thể phát hiện được HIV ngay sau khi bị phơi nhiễm. Chính vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ qua, hãy trao đổi với các bác sĩ để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay lập tức.

Khoảng thời gian kể từ khi một người có thể bị phơi nhiễm HIV cho đến khi xét nghiệm có thể phát hiện chắc chắn có bị nhiễm HIV hay không được gọi là giai đoạn “cửa sổ”. Thời gian của giai đoạn này thay đổi tùy theo từng người và tùy thuộc vào loại xét nghiệm được sử dụng để phát hiện HIV.

Một số loại xét nghiệm thường dùng để phát hiện HIV:

  • Xét nghiệm axit nucleic (NAT): thường có thể phát hiện nhiễm HIV trong vòng từ 10 - 33 ngày kể từ khi tiếp xúc với HIV.
  • Xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể thực hiện bằng máu tĩnh mạch có thể phát hiện nhiễm HIV từ 18 - 45 ngày sau khi tiếp xúc với HIV.
  • Xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể được thực hiện bằng máu từ ngón tay có thể phải mất nhiều thời gian hơn để phát hiện HIV, thường từ 18 - 90 ngày sau khi tiếp xúc với HIV.

Trong trường hợp cần làm xét nghiệm để khẳng định chắc chắn không bị nhiễm HIV thì xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể bằng máu tĩnh mạch sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Xét nghiệm kháng thể thường mất từ 23 - 90 ngày để phát hiện nhiễm HIV một cách đáng tin cậy. Hầu hết các loại xét nghiệm nhanh và các loại xét nghiệm làm tại nhà đều là xét nghiệm kháng thể. Nói chung, các loại xét nghiệm kháng thể sử dụng máu tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn kể từ khi bị nhiễm bệnh so với các xét nghiệm bằng máu từ ngón tay hoặc bằng dung dịch uống.

HIV
Cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi tiến hành làm xét nghiệm

Bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe của bạn và khoảng thời gian cửa sổ cho việc kiểm tra. Nếu bạn làm xét nghiệm HIV sau khi phơi nhiễm HIV tiềm ẩn và kết quả là âm tính, bạn cần kiểm tra lại sau khoảng thời gian cho phép thử, để biết chắc chắn bạn có bị nhiễm HIV hay không theo lịch sau:

  • Nếu bạn sử dụng xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể bằng máu tĩnh mạch, bạn nên làm xét nghiệm lại 45 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất.
  • Nếu bạn làm các xét nghiệm khác, bạn nên kiểm tra lại ít nhất là 90 ngày sau lần phơi nhiễm gần nhất.

Như vậy, không nên làm xét nghiệm HIV ngay sau khi tiếp xúc với HIV. Thời gian nên thực hiện xét nghiệm HIV sau bao lâu kể từ khi tiếp xúc với HIV tùy thuộc vào từng bệnh nhân và loại xét nghiệm được sử dụng. Chính vì vậy bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi tiến hành làm xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

272.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: