Bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp glôcôm): Nguyên nhân, triệu chứng cảnh báo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh thiên đầu thống xếp thứ hai trong số các nguyên nhân gây mù lòa chỉ đứng sau bệnh đục thủy tinh thể. Thiên đầu thống là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh.

1. Bệnh thiên đầu thống là gì ?

Bệnh thiên đầu thống hay còn được gọi là bệnh glocom hoặc cườm nước. Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng trung niên nhưng trẻ em và người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Ở bệnh nhân bị thiên đầu thống, áp lực trong mắt sẽ tăng lên, dẫn tới tổn hại dây thần kinh thị giác. Nếu không được điều trị sớm, dây thần kinh thị giác càng bị tổn hại nặng nề và gây mất thị lực vĩnh viễn.

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh thiên đầu thống

Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến bệnh thiên đầu thống vẫn chưa được xác định, dưới đây liệt kê các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Có người thân mắc bệnh thiên đầu thống (Yếu tố di truyền )
  • Sử dụng thuốc nhỏ có thành phần corticoid kéo dài
  • Biến chứng bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, chấn thương mắt
  • Người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ hoặc những người hay lo âu, dễ xúc cảm
  • Người đo nhãn áp cao trên 25 mmHg
  • Trên 35 tuổi. Tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn. Phụ nữ có nguy cơ bị glocom cao gấp 2 lần đàn ông.

3. Triệu chứng của bệnh thiên đầu thống

Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột vào lúc chiều tối, khi bệnh nhân đọc sách hoặc trong cơn xúc cảm mạnh. Triệu chứng cảnh báo bệnh thiên đầu thống gồm:

  • Đau nhức mắt dữ dội, cơn đau lan ra nửa đầu cùng bên.
  • Mắt căng, tức
  • Nhìn mờ, có thể thấy màn sương trước mắt, tầm nhìn bị thu hẹp
  • Chảy nước mắt, mắt đỏ
  • Sờ vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng
  • Giác mạc phù , mờ đục
  • Đau đầu âm ỉ, nhức nhối.
  • Buồn nôn, nôn, chán ăn.
  • Sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
Đau nửa đầu phải
Đau đầu nhức mắt dữ dội có thể là triệu chứng cảnh báo của bệnh thiên đầu thống

4. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thiên đầu thống

4.1 Điều trị bệnh thiên đầu thống

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh thiên đầu thống. Mục đích điều trị bệnh là làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tổn thương dây thần kinh thị giác. Tùy vào từng giai đoạn của bệnh, có thể phải điều trị bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.

Một số loại thuốc trị tăng nhãn áp đang có trên thị trường gồm: pilocarpin 1%, 2%, Timolol 0,25%, 0,5%, betoptic S, alphagan P, travatan 0,004%, lumigan, azopt, acetazolamide 250mg, glycerol, manitol...Các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, do đó người bệnh không được sử dụng bừa bãi mà phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay có 3 phương pháp phẫu thuật phổ biến để điều trị bệnh thiên đầu thống:

  1. Cắt bè củng giác mạc
  2. Cấy ghép ống thoát thủy dịch
  3. Mổ glocom bằng laser

Mỗi phương pháp có các ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào đặc điểm của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Có trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật nhưng bệnh lại tái phát. Do đó, người bệnh không được chủ quan mà cần khám sức khỏe định kỳ để các bác sĩ tư vấn và theo dõi.

Điều trị đúng và kịp thời giúp làm bình ổn nhãn áp không gây tổn thương thần kinh thị giác. Bác sĩ nhãn khoa sẽ căn cứ vào hình thái của bệnh để điều trị bằng phẫu thuật hoặc nội khoa một cách thích hợp.

4.2 Phòng ngừa bệnh thiên đầu thống

cao huyết áp
Bệnh nhân bị cao huyết áp nên đi khám định kỳ để phát hiện bệnh
  • Nếu tiền sử gia đình có người bị thiên đầu thống, các thành viên khác trong gia đình cần đi khám chuyên khoa định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh. Không đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám
  • Người mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, người ở độ tuổi trung niên nên đi khám định kỳ để phát hiện bệnh.
  • Người đã từng mắc bệnh thiên đầu thống cần đi khám thường xuyên, khoảng 3 tháng 1 lần để kịp thời xử trí nếu bệnh tiến triển nặng.
  • Không tự ý mua thuốc tra mắt hoặc lạm dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ vì sử dụng corticoid kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh thiên đầu thống.

Vì triệu chứng của bệnh thiên đầu thống không rõ ràng nên dễ bị người bệnh bỏ qua. Có đến 50% người mắc thiên đầu thống mãn tính không biết mình bị bệnh, chỉ khi bệnh đã tiến triển rất nặng, thị lực giảm sút rõ rệt bệnh nhân mới phát hiện ra. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh như nhìn mờ, đau tức mắt, nhức đầu,...cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và điều trị

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán glocom

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

184K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan