Bị dị ứng thực phẩm khi mang thai: Khi nào nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Thời kỳ mang thai mẹ bầu phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi về sức khỏe, trong đó có bệnh dị ứng thực phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi.

1. Nguyên nhân bị dị ứng thức ăn khi mang thai

Không chỉ khi mang thai mà ngay cả người bình thường cũng có khả năng mắc dị ứng thực phẩm khi cơ thể xuất hiện phản ứng với một số chất trong thực phẩm. Hệ thống miễn dịch có thể nhầm lẫn các chất trong thực phẩm là tác nhân gây hại và hình thành kháng thể chống lại thực phẩm đó, gọi là protein miễn dịch IgE. Nếu loại thức ăn đó tiếp tục đi vào cơ thể thì sẽ tạo ra phản ứng sinh ra các histamin.

Các histamine này được sản sinh ở bộ phận nào sẽ trực tiếp gây ra bệnh lý ở bộ phận đó. Cụ thể, nếu histamin sinh ra ở mũi và miệng sẽ gây khó khăn cho việc nuốt thức ăn và việc thở. Nếu histamin sinh ra ở ruột sẽ gây ra triệu chứng tiêu chảy, nếu sinh ra ở da thì sinh ra các vết ngứa, mẩn đỏ và nổi mụn.

Tùy vào cơ địa của mỗi người mà việc dị ứng có thể xảy ra ở một số thực phẩm nào đó, chẳng hạn như một số loại cá, thực phẩm lên men, rượu vang đỏ, chocolate,... dẫn đến việc bà bầu bị dị ứng thức ăn.

Cũng có trường hợp người mẹ đã từng có tiền sử dị ứng trước khi mang thai, đến khi có thai thì khả năng mắc bệnh lại càng gia tăng.

Mẹ bầu bị dị ứng thực phẩm phải làm sao?
Mẹ bầu bị dị ứng thực phẩm phải làm sao?

Có rất nhiều thực phẩm khiến các mẹ bị dị ứng như: Hải sản, sữa, trứng, đậu phộng... Một người có thể dị ứng với một hoặc nhiều loại thực phẩm. Điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người mà các nhà khoa học vẫn chưa có được kết luận chính xác.

2. Triệu chứng dị ứng thực phẩm khi mang thai

Hiện tượng dị ứng thực phẩm có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay khi dung nạp tác nhân gây dị ứng hoặc sau đó vài giờ. Thông thường các mẹ hay có những biểu hiện sau:

  • Xuất hiện phát ban, nổi mề đay ở nhiều vị trí trên cơ thể.
  • Một số người có biểu hiện mụn nước ở xung quanh khu vực có phát ban đỏ... Sau đó mụn nước lan dần sang các vùng da khác.
  • Ngứa da ở nhiều vị trí trên cơ thể, những cơn ngứa thường tập trung nhiều vào ban đêm.
  • Các biểu hiện khác như: Ho, nghẹt mũi, ngứa tai, ngứa họng...

Tùy theo cơ địa của từng người, tình trạng bệnh mà có các biểu hiện nhất định. Người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác chưa được kể tên ở trên.

3. Dị ứng thực phẩm khi mang thai nguy hiểm khi nào?

Dị ứng thức ăn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bà bầu. Theo đó, các mẹ có thể bị sảy thai, sinh non hoặc gây dị dạng thai nhi nếu như bị dị ứng trong suốt 9 tháng của thai kỳ. Không những thế, bà bầu bị dị ứng khi mang thai còn làm tăng khả năng mắc bệnh của trẻ sau khi được sinh ra.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 50% thực phẩm có thể gây ra tình trạng dị ứng cho cơ thể người. Tuy nhiên, chỉ có một số loại dị ứng biểu hiện rõ ra bên ngoài, số còn lại thì không. Bên cạnh đó, sự nhạy cảm của bà bầu trong thai kỳ cũng sẽ khiến tình trạng dị ứng dễ dàng xảy ra hơn.

Dị ứng khi mang thai
Dị ứng thực phẩm khi mang thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bà bầu

Những triệu chứng của bệnh dị ứng thực phẩm này không chỉ tác động tới cơ thể của mẹ mà còn có nguy cơ lây truyền sang cho thai nhi thông qua nhau thai. Không những vậy, cơ chế dị ứng còn có thể gây trở ngại đến sự tăng trưởng, phát dục hoặc trực tiếp tổn hại đến phổi và phế quản của thai nhi, vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, bà bầu bị dị ứng khi mang thai sẽ có khả năng gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

4. Phòng tránh dị ứng thực phẩm khi mang thai cho bà bầu

Bệnh dị ứng thức ăn có thể ghé thăm bà bầu bất kỳ lúc nào, chính vì vậy các bà mẹ cần phải áp dụng các biện pháp phòng tránh căn bệnh này. Cụ thể như sau:

  • Hạn chế dùng các thực phẩm mà mình đã từng bị dị ứng trước đó.
  • Cũng nên hạn chế dùng những loại thực phẩm mà trước đây chưa hề dùng tới.
  • Tuyệt đối không dùng lại thực phẩm đã ôi thiu hay dùng lại đồ ăn để qua đêm. Chỉ nên nấu một lượng vừa đủ và dùng hết trong ngày.
  • Chú ý nấu chín kỹ thức ăn, không nên dùng thực phẩm sống, tái...
  • Tăng cường uống nhiều nước để hỗ trợ hoạt động trao đổi chất, lọc thải của cơ thể. Ngoài việc dùng nước lọc cũng nên xen kẽ dùng thêm nước trái cây, nước ép... để cung cấp thêm dinh dưỡng.
  • Nếu xảy ra các triệu chứng như nổi mề đay, đau bụng, tiêu chảy hoặc ngứa toàn thân khi đang sử dụng thực phẩm thì nên dừng lại ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
  • Tránh ăn những loại thực phẩm cay, đắng để hạn chế nguy cơ bị dị ứng.
  • Đối với những mẹ bầu thích ăn hải sản thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ăn tôm, cua, nhộng, cá biển, vv... để tránh bị dị ứng.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể... Nhờ đó mẹ có khả năng phòng chống bệnh tốt hơn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan