Các phương pháp chữa sẹo lồi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

Sẹo lồi hình thành mặc dù không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe song lại gây mất thẩm mỹ rất lớn, đặc biệt khi sẹo lồi xuất hiện ở các vùng da mặt, cổ, tay, chân... Hiện nay có nhiều phương pháp chữa sẹo lồi mang lại hiệu quả cao, có thể làm mờ, giảm lồi đáng kể.

1. Sẹo lồi là gì?

Sẹo lồi (keloid) là kết quả của sự phát triển quá mức tổ chức xơ sau tổn thương da, làm vùng tổn thương nổi cao trên mặt da, lan rộng ra ngoài ranh giới sẹo. Sẹo lồi không bao giờ giảm theo thời gian, có màu hồng hoặc tím, bề mặt nhẵn, thường gây cảm giác ngứa, đôi khi đau khi chạm vào.

Sẹo lồi khác với sẹo phì đại, sẹo phì đại phát triển ngay sau khi bị chấn thương nhưng chỉ lớn trong giới hạn của sẹo, thường dừng phát triển và giảm sau 1 – 2 năm.

Nguyên nhân gây ra sẹo lồi hiện nay vẫn chưa xác định rõ. Một số nhà y học đặt giả thuyết do sự thay đổi tín hiệu tế bào kiểm soát phát triển và tăng sinh tổ chức, làm mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa trong quá trình lành vết thương.

Sẹo lồi có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất ở những vùng da căng, thường xuyên cử động như ngực, lưng, bả vai, cũng có thể ở những vùng da ít di động và ít sức căng như dái tai.

2. Các phương pháp chữa sẹo lồi

Hiện nay, điều trị sẹo lồi vẫn là vấn đề nan giải của y học nói chung và ngành da liễu nói riêng bởi tỷ lệ đáp ứng điều trị thấp và khả năng tái phát cao. Không có một phương pháp điều trị đơn độc nào là tốt nhất cho sẹo lồi.

Dù có nhiều phương pháp điều trị được áp dụng nhưng đến nay vẫn chưa có phương pháp nào là hoàn thiện, điều trị sẹo lồi được hoàn toàn. Do vậy, điều trị dự phòng sẹo lồi là vấn đề quan trọng cốt lõi.

Các phương pháp điều trị sẹo lồi hiện nay gồm:

Điều trị dự phòng

Các phương pháp chữa sẹo lồi
Điều trị dự phòng sẹo lồi

Đây là nguyên tắc đầu tiên trong điều trị sẹo lồi, thực hiện: tránh phẫu thuật thẩm mỹ với những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi, đặc biệt là vùng ngực, giảm sức căng tại vết mổ, cố gắng đưa vết mổ theo nếp da và tránh nhiễm trùng.

Tiêm corticosteroid nội thương tổn

Thuốc tiêm được dùng là triamcinolone acetonide. Phương pháp này đơn giản, khá an toàn và hiệu quả, một số tác dụng không mong muốn như: teo da tại vùng tiêm, mọc lông, giãn mạch, rối loạn kinh nguyệt, trứng cá, mất sắc tố không hồi phục...

Phẫu thuật lạnh (Cryotherapy)

Làm lạnh thương tổn bằng Nito lỏng, gây tổn thương các mạch máu và teo biến để phá hủy tổ chức xơ, collagen làm sẹo xẹp xuống.

Biện pháp này hiệu quả, ít biến chứng, hiện đang được áp dụng ở Bệnh viện Da liễu Trung ương. Cần chú ý thời gian đóng băng không quá 25 giây để tránh làm mất sắc tố, không áp lạnh quá giới hạn sẹo vì sẽ làm sẹo rộng ra.

Quy trình phẫu thuật thường phải làm từ 3-10 lần, mỗi lần cách nhau 3-4 tuần.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ thương tổn thường cần kết hợp với các biện pháp khác để tránh tái phát sẹo như tiêm corticosteroid trước hoặc sau phẫu thuật, dán silicon, băng ép, bôi imiquimod...

Có nhiều kỹ thuật cắt bỏ với sẹo lồi như phẫu thuật vạt da xẻ đôi, cắt để lại ranh giới sẹo. Hiệu quả phương pháp này vẫn còn hạn chế, tỷ lệ đáp ứng khoảng từ 50 – 80% và chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định.

Laser điều trị sẹo lồi

Các phương pháp chữa sẹo lồi
Laser điều trị sẹo lồi

Laser màu xung có tác dụng làm giảm kích thước sẹo, giảm màu đỏ của sẹo do khả năng phá hủy các mạch máu. Việc phối hợp với tiêm nội thương tổn corticosteroid cho kết quả khả quan hơn nhưng giá thành đắt.

Laser Nd: YAG cũng có tác dụng trong việc làm mềm sẹo, giảm kích thước nhưng còn ít nghiên cứu đánh giá hiệu quả lâu dài của laser này.

Xạ trị

Xạ trị có thể kết hợp với phẫu thuật nhưng hiệu quả thấp, nguy cơ xuất hiện ung thư tế bào vảy ở da nên hiện nay không được áp dụng nhiều, nhất là ở trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy, chiếu từng đợt liều cao 1200 Gy ngắn trong vòng 24 giờ đầu sau phẫu thuật cho hiệu quả trị sẹo tốt với tỷ lệ tái phát 4,7%.

Ngoài ra có một số phương pháp vật lý khác như: Băng ép, vải băng ép, thắt sẹo...

Một số phương pháp trị liệu mới cho kết quả khả quan nhưng cần nghiên cứu thêm như: Bevacizumab, Liệu pháp ánh sáng, Etanercept, Quercetin, Prostaglandin E2, Chất tẩy màu mạnh, Liệu pháp gene, Chất ức chế tế bào mast...

Các phương pháp chữa sẹo lồi
Điều trị sẹo lồi bằng tiêm tại tổn thương

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

136.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan