Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn mắc phải khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn bị nhiễm trùng. Viêm màng não, nhiễm trùng huyết là những biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn ở người và mất thính giác là một biến chứng thường gặp.

1. Liên cầu khuẩn lợn là gì?

Liên cầu khuẩn lợn (tên tiếng anh: Streptococcus suis) là một loại vi khuẩn Gram dương, hình hạt đậu. Liên cầu khuẩn lợn có khả năng lây truyền từ lợn sang người. Đôi khi nó cũng được tìm thấy ở gia súc, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim.

Con đường lây truyền của liên cầu khuẩn từ ​​lợn sang người là qua da bị rách khi chăm sóc lợn mắc bệnh hoặc xử lý thịt lợn mắc bệnh. Không chỉ người chăn nuôi lợn gặp rủi ro mà công nhân trong lò mổ, người bán thịt, đầu bếp, người nội trợ và người giúp việc cũng có nguy cơ mắc phải.

Không có bằng chứng lây truyền liên cầu khuẩn lợn từ người sang người. Các đường lây truyền khác từ lợn sang người bao gồm qua giọt bắn đường hô hấp và xâm nhập qua đường tiêu hóa sau khi ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín.

Thời gian ủ bệnh của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn ở người dao động từ 3 giờ đến 14 ngày. Thời gian ủ bệnh rất ngắn, liên cầu khuẩn lợn ở người xâm nhập trực tiếp vào máu qua vết thương trên da.

2. Triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người

Liên cầu khuẩn lợn ở người gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ quan. Viêm màng não là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất. Các đặc điểm biểu hiện của viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bao gồm:

  • Đau đầu
  • Sốt
  • Nôn mửa
  • Các dấu hiệu màng não
  • Một đặc điểm nổi bật là mất thính lực chủ quan
  • Biểu hiện trên da bao gồm chấm xuất huyết, ban xuất huyết và bầm máu, tất cả đều có thể lan rộng; bóng nước xuất huyết và hoại tử da (đặc điểm của ban xuất huyết tối cấp)
  • Hoại tử ngón tay và ngón chân.

Các biểu hiện ít phổ biến hơn của nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người bao gồm viêm nội tâm mạc cấp tính và bán cấp tính, viêm khớp sinh mủ cấp tính, viêm nội nhãn và viêm màng bồ đào, viêm đốt sống dính khớp, liệt vận nhãn ở thân não và áp xe ngoài màng cứng.

3. Chẩn đoán nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:

  • Cấy máu được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ.
  • Xét nghiệm dịch não tủy (CSF) nên được thực hiện khi có dấu hiệu màng não và kết quả điển hình là tăng protein và giảm nồng độ glucose trong CSF cùng với sự xuất hiện của bạch cầu, chủ yếu là bạch cầu trung tính.
  • Nhuộm gram và nuôi cấy dịch CSF sẽ bộc lộ cầu khuẩn Gram dương xếp thành cặp hoặc chuỗi ngắn.
  • Hút khớp hoặc đờm nên được khám và nuôi cấy trong trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc viêm phổi.

Mặc dù liên cầu khuẩn lợn ở người có thể được nuôi cấy từ dịch não tủy hoặc mẫu máu bằng cách sử dụng các kỹ thuật vi sinh tiêu chuẩn, nhưng nó thường bị xác định nhầm hoặc nhiễm trùng không được chẩn đoán. Kết quả nuôi cấy có thể âm tính, ví dụ do sử dụng kháng sinh trước khi lấy mẫu bệnh phẩm.

4. Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người

Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người đó chính là điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức. Liên cầu khuẩn lợn ở người nhạy cảm với Penicillin, Cftriaxone và Vancomycin.

Các nguyên tắc điều trị liên cầu khuẩn lợn cũng giống như nguyên tắc điều trị các nguyên nhân khác của viêm màng não do vi khuẩn. Đối với điều trị theo kinh nghiệm, Ceftriaxone có hoặc không có Vancomycin (tùy thuộc vào dịch tễ học của bệnh viêm màng não do vi khuẩn và kháng thuốc tại địa phương) là một lựa chọn tốt cho đến khi chẩn đoán được xác nhận trong phòng thí nghiệm. Liều lượng và thời gian điều trị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn ở người như sau:

  • Ceftriaxone 2g mỗi 12 giờ trong 14 ngày đối với người lớn
  • Hoặc Penicillin G (24 triệu U trong 24 giờ trong ít nhất 10 ngày) đã được sử dụng thành công để điều trị bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn ở người.

Nếu điều trị không cải thiện hoặc tái phát thì cần nhanh chóng đánh giá lại, bao gồm tìm kiếm áp xe nội sọ, nhiễm trùng di căn, nhiễm trùng bệnh viện hoặc sự phát triển của kháng thuốc. Một số bệnh nhân viêm màng não do S. suis đã bị tái phát sau 2 tuần điều trị bằng penicillin hoặc ceftriaxone nhưng đáp ứng với điều trị kéo dài (4-6 tuần).

Do đó các khuyến nghị điều trị có thể không thành công đối với tất cả bệnh nhân và có thể cần được điều chỉnh. Ví dụ, trong trường hợp nhiễm S. suis liên quan đến các vị trí khác ngoài hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc, viêm nội nhãn hoặc viêm khớp, nên tuân thủ các hướng dẫn được khuyến nghị về thời gian điều trị, theo dõi và can thiệp phẫu thuật.

5. Phòng ngừa nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn ở người ở người có thể được ngăn ngừa bằng cách tuân thủ các quy tắc cơ bản về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, bao gồm:

  • Nâng cao nhận thức về nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người cho những người phải vào tiếp xúc với lợn hoặc xử lý thịt lợn.
  • Rửa kỹ tay, cánh tay và các bộ phận cơ thể sau mỗi lần tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn.
  • Che vết thương hở bằng băng không thấm nước.
  • Đeo găng tay khi thích hợp.
  • Không để thịt lợn chưa nấu chín gần các thực phẩm đã nấu chín khác.
  • Nấu thịt lợn đến nhiệt độ bên trong là 70oC (160o F) hoặc cho đến khi nước thịt lợn trong và không màu hồng.
  • Tuân thủ các quy tắc nhập khẩu thịt tại các cửa khẩu biên giới.
  • Tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ kịp thời trong trường hợp bị sốt sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn.
  • Hiện tại không có vắc-xin chống nhiễm trùng S. suis ở người.

Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn thấp nhưng di chứng để lại nặng nề. Vì vậy, chẩn đoán sớm và sử dụng kháng sinh thích hợp là yếu tố chính giúp điều trị hiệu quả và giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn ở người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan