Chăm sóc tại nhà cho người bệnh có ống dẫn lưu dịch

Ống dẫn lưu là một dụng cụ phổ biến được sử dụng trong y tế. Ống dẫn lưu có thể chỉ là một ống đơn thuần hoặc một hệ thống các ống nối thông với một khoang hoặc một vùng nào đó bên trong cơ thể, để đưa dịch ra ngoài cơ thể hoặc từ bộ phận này qua bộ phận khác của cơ thể. Dịch ống dẫn lưu thay đổi tùy thuộc vào chức năng và vị trí của từng loại riêng biệt, bao gồm máu, dịch viêm, khí, dịch mật, nước tiểu...

1. Tổng quan về ống dẫn lưu trong y tế

Có nhiều loại ống dẫn lưu khác nhau, dựa vào vai trò của nó có thể chia thành:

  • Ống dẫn lưu trong hệ tiêu hóa: Dẫn lưu dịch từ hệ thống đường mật, túi mật, hố lách, vùng dưới gan, túi cùng Douglas, hố chậu phải sau phẫu thuật ruột thừa, rãnh đại tràng.
  • Ống dẫn lưu trong lồng ngực: Dẫn lưu khí và/ hoặc dịch từ khoang màng phổi, dẫn lưu dịch từ khoang màng ngoài tim, trung thất.
  • Ống dẫn lưu trong hệ tiết niệu: Dẫn lưu từ đài bể thận, hố thận, niệu quản, bàng quang.
  • Ống dẫn lưu ở những vết thương: Dẫn lưu máu, dịch viêm từ các ổ áp xe và phần mềm sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
  • Ống dẫn lưu ở vùng đầu: Dẫn lưu máu và dịch từ vết mổ dưới da, bể não thất, nhu mô não,...

Loại ống dẫn lưu được ưu tiên lựa chọn có các đặc điểm sau:

  • Làm từ các chất liệu ít gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, có thể là cao su, chất dẻo.
  • Có khả năng cản quang để theo dõi bằng việc chụp phim X-quang.
  • Ống dẫn lưu phải mềm mại và ít bám dính vào các tổ chức của cơ thể.

2. Tại sao người bệnh cần phải mang ống dẫn lưu?

Trong y khoa tồn tại nhiều bệnh lý mà trong đó sản sinh nhiều dịch viêm, máu, mủ, khí. Những bệnh nhân này nếu không được giải quyết các chất tiết bất thường thì tình hình bệnh sẽ diễn tiến ngày một nghiêm trọng hơn. Vì thế ống dẫn lưu ra đời nhằm hỗ trợ lấy hết các chất dịch bất thường này ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, đặt ống dẫn lưu còn giúp phòng ngừa một số biến chứng trong quá trình điều trị, bao gồm:

  • Phòng ngừa nhiễm trùng vết thương và các cơ quan khác xung quanh.
  • Tránh tụ dịch sau phẫu thuật.
  • Theo dõi và phòng tránh biến chứng xuất huyết sau phẫu thuật.
  • Theo dõi diễn biến sau mổ thông qua các đặc điểm của dịch ống dẫn lưu như số lượng, màu sắc, và tính chất dịch hằng ngày.
choáng nhiễm khuẩn
Đặt ống dẫn lưu có tác dụng chống nhiễm trùng

3. Nguyên tắc chung khi chăm sóc vết thương có ống dẫn lưu dịch

Chăm sóc ống dẫn lưu đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả điều trị sau khi phẫu thuật hoặc hoàn thành các thủ thuật. Các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi chăm sóc ống dẫn lưu và vết thương có ống dẫn lưu bao gồm:

  • Tuyệt đối đảm bảo vô trùng cho toàn bộ hệ thống dẫn lưu.
  • Túi hoặc bình đựng dịch ống dẫn lưu luôn đặt ở vị trí thấp hơn vùng được dẫn lưu khoảng 50 - 60 cm.
  • Không gập hay làm tắc nghẽn các ống dẫn lưu.
  • Bệnh nhân nên được đặt ở tư thế thoải mái giúp dẫn lưu dịch tốt, không nằm đè lên hoặc làm căng ống dẫn lưu, nhất là trong khi ngủ.
  • Luôn giữ đầu ống dẫn lưu tại vị trí thấp nhất của cơ thể như túi cùng Douglas hoặc các ổ tụ dịch, không tự ý thay đổi vị trí.
  • Thường xuyên theo dõi tính chất và số lượng dịch ống dẫn lưu.
  • Theo dõi lượng dịch vào và dịch ra, phát hiện sớm các tình trạng mất nước nếu có. Các dấu hiệu gợi ý tình trạng mất nước như khô môi, khô niêm mạc miệng, tăng cảm giác khát nước, mắt trũng sâu, ...
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh trong quá trình theo dõi, khuyến khích họ uống nhiều nước để bù lại lượng dịch đã mất. Dựa vào số lượng dịch ống dẫn lưu có thể ước lượng được số lượng dịch mất để lên kế hoạch bù dịch hợp lý.
  • Rút ống dẫn lưu ngay khi đạt được mục đích điều trị hoặc kết thúc thời gian yêu cầu, không lưu ống quá lâu.
  • Khi rút ống dẫn lưu đặt lâu trên 3 ngày cần tiến hành từ từ, rút từng đoạn ngắn và xoay vặn ống trước khi rút. Ngược lại, cần tiến hành rút dứt khoát một lần duy nhất.
  • Khuyến khích người bệnh thường xuyên vận động, xoay trở và thay đổi tư thế.
  • Vết thương có ống dẫn lưu phải luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, lau rửa và thay băng thường xuyên.
  • Dịch từ túi dẫn lưu cần được tháo và thay mỗi ngày.
  • Phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời điều trị, bao gồm: tắc ống, nhiễm trùng chân ống, nhiễm trùng ngược dòng vào các khoang cơ thể, bục xì miệng nối trở lại sau khi rút ống dẫn lưu, ...
  • Khi tắm rửa hay vệ sinh cá nhân, tránh để các chất tẩy rửa tiếp xúc trực tiếp với ống dẫn lưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan