Có cần điều trị u xơ tử cung khi mang thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu và Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương- Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa lành tính, hay gặp ở phụ nữ. Cứ khoảng 5 phụ nữ thì lại có 1 người có u xơ tử cung. U xơ tử cung thường tăng kích thước trong thời kỳ mang thai do nội tiết thai kỳ và thường teo nhỏ lại sau sinh.

1. Mắc bệnh u xơ tử cung có mang thai được không?

Khi bị u xơ tử cung, bệnh nhân cần siêu âm kiểm tra vị trí và kích thước u xơ. Đối với u xơ tử cung có kích thước < 3cm, không phải dạng u xơ dưới niêm mạc hoặc khối u xơ không xâm lấn vào buồng tử cung thì bệnh nhân vẫn có thể mang thai bình thường.

Khối u xơ tử cung kích thước nhỏ, vị trí trong cơ tử cung thường ít gây triệu chứng rong kinh cũng như ít ảnh hưởng đến việc mang thai. Đối với u xơ tử cung dưới niêm mạc thường gây rong kinh, ra nhiều huyết cục và thường có chỉ định phẫu thuật. Mặt khác u xơ tử cung dưới niêm mạc thường chiếm lấy buồng tử cung, dẫn đến khó mang thai hoặc dễ gây sẩy thai. Tùy theo phân loại type và kích thước u xơ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể phương pháp điều trị và tư vấn mang thai cho người bệnh.

2. Sau bóc tách u xơ tử cung bao lâu thì được mang thai?

Trường hợp cần mổ bóc tách u xơ tử cung trước khi mang thai, người bệnh có thể mang thai bình thường sau 1 năm kể từ ngày thực hiện mổ bóc tách. Không nên mang thai quá sớm để tránh sau mổ tử cung chưa hồi phục sẽ gây ra nhiều nguy cơ sảy thai, vỡ vết mổ bóc u xơ trong thai kỳ.

Phụ nữ
Không nên mang thai quá sớm để tránh sau mổ tử cung chưa hồi phục hoàn toàn

3. U xơ tử cung hình thành khi mang thai

U xơ tử cung thường phát triển trong thai kỳ do nội tiết tố thai kỳ làm u xơ tử cung tăng nhanh kích thước. U xơ tử cung hình thành khi mang thai, không có chỉ định bóc tách trong thai kỳ hoặc trong lúc sinh sẽ được theo dõi trong thời kỳ hậu sản, tính từ ngày sinh đến hết 6 tuần sau sinh, bệnh nhân nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được đánh giá và theo dõi cụ thể từng trường hợp.

Chỉ một số ít trường hợp u xơ tử cung cần phải phẫu thuật. Sau sinh, u xơ tử cung thường giảm kích thước do nội tiết thai kỳ giảm. U xơ tử cung thường teo nhỏ lại và không phát triển khi vào tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.

4. U xơ tử cung khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Các ảnh hưởng của u xơ tử cung khi mang thai:

  • U xơ tử cung có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai, sinh non, ối vỡ non.
  • U xơ tử cung có thể gây nhau tiền đạo, nhau bám chặt, nhau bong non.
  • Khi vào chuyển dạ, sản phụ bị u xơ tử cung có nguy cơ sinh khó do ngôi thai bất thường, khối u xơ cản trở đường ra của thai hoặc gây rối loạn cơn co tử cung, dễ bị băng huyết sau sanh.
  • Thời kỳ hậu sản, sản phụ bị u xơ tử cung khi mang thai có thể bế sản dịch, nhiễm khuẩn.
  • U xơ tử cung gây nguy cơ cho thai nhi: chậm tăng trưởng trong tử cung do máu nuôi cả thai và nuôi cả khối u xơ.

Tuy nhiên, tùy theo vị trí và kích thước nhân xơ, không phải trường u xơ tử cung khi mang thai nào cũng gây các ảnh hưởng trên. Thai phụ nên khám thai định kì để xem xét các bất thường trong thai kỳ.

Sản phụ từng bị thai lưu: Cần khám, tư vấn và chăm sóc trước khi mang thai lại
Thai phụ nên khám thai định kì để xem xét các bất thường trong thai kỳ

5. Khi nào chỉ định bóc tách u xơ tử cung ngay trong thai kỳ hoặc trong lúc sinh?

Như đã đề cập ở trên, hầu hết u xơ tử cung trong thai kỳ thường không có chỉ định bóc tách cũng như không thực hiện bóc tách trong lúc sinh mà chỉ theo dõi sau sinh. Trường hợp có chỉ định phẫu thuật u xơ tử cung trong thai kỳ hay trong khi sinh:

  • U xơ tử cung có biến chứng hoại tử, nhiễm trùng
  • U xơ tử cung nằm ngay đường rạch cơ tử cung trong ca mổ lấy thai
  • U xơ gây bít đường thoát sản dịch

U xơ nằm dưới niêm mạc (u lấn vào lòng tử cung, nguy cơ rong huyết).

6. Làm chậm sự phát triển của u xơ tử cung khi mang thai

Nguyên nhân của bệnh u xơ tử cung đang được tìm hiểu, một số yếu tố nguy cơ: di truyền, môi trường, thực phẩm, rối loạn nội tiết, béo phì... Một số biện pháp có thể giúp làm chậm sự phát triển nhân xơ như:

  • Nên dùng các thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây tươi) giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp giảm cân và cân bằng nội tiết.
  • Uống trà xanh.
  • Bổ sung thực phẩm giàu kali như: bơ, chuối, cam, quýt, dưa hấu đỏ, đậu lăng, bột cám yến mạch, khoai tây...
  • Thực phẩm giàu vitamin D như sữa ít béo, tiếp xúc ánh nắng giúp làm chậm tăng trưởng u xơ tử cung
  • Luyện tập thể dục cường độ nhẹ, kiểm soát cân nặng.
  • Tránh các thực phẩm có hàm lượng estrogen cao như: thịt đỏ, nội tạng động vật.
  • Tránh thực phẩm có hàm lượng muối cao (thịt muối, đồ đóng hộp...)
  • Tránh thức uống có caffein, chocolate, nước ngọt, thuốc lá (kể cả hít khói thuốc lá thụ động).

U xơ tử cung là khối u lành tính phát triển từ lớp cơ tử cung, đây là bệnh phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 30 đến 50, tỷ lệ từ 20 - 40%. Để được điều trị và tư vấn mang thai cho người bệnh ung thư tử cung, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan