Điều gì xảy ra khi truyền nhầm nhóm máu?

Ở cơ thể người, mỗi nhóm máu mang những đặc trưng riêng biệt khác hẳn nhau, nếu truyền nhầm nhóm máu sẽ gây ra các tai biến trầm trọng, thậm chí khiến người bệnh tử vong.

1. Tìm hiểu về kháng nguyên, kháng thể

Dựa theo các kháng nguyên riêng biệt trên hồng cầu thì máu của con người được chia làm nhiều nhóm. Theo thống kê của các nhà khoa học thì tính đến thời điểm hiện tại đã phát hiện khoảng trên 30 hệ nhóm máu khác nhau, trong đó, hệ nhóm máu ABO và Rh(D) đóng vai trò rất quan trọng do có tính sinh miễn dịch cực mạnh.

Cơ thể người nhận khi bị truyền máu khác nhóm thì có thể bị phá hủy máu và gây hại cho cơ thể, chính vì vậy trước khi tiến hành truyền máu cần phải phân loại nhóm máu và truyền máu phù hợp theo nguyên tắc an toàn miễn dịch truyền máu, tuyệt đối không truyền máu có kháng nguyên tương ứng với kháng thể có ở người nhận máu.

Kháng nguyên hiểu một cách tổng quát thì đó là bất kỳ chất nào mà hệ thống miễn dịch trong cơ thể người có thể đáp ứng, một phân tử kháng nguyên sẽ thường gồm 2 phần: Một phần có bản chất protein, có trọng lượng phân tử tương đối lớn và rất cần thiết để có được khả năng sinh kháng thể. Phần còn lại có trọng lượng phân tử nhỏ hơn và bản chất có thể là gluxit hoặc lipit, được gọi là hapten, mang tính đặc hiệu với kháng thể và có thể kết hợp được với kháng thể nhưng không có khả năng sinh kháng.

Còn kháng thể là các phân tử quan trọng được hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra với tác dụng giúp cho cơ thể bảo vệ và chống lại những tác nhân xâm nhập bên ngoài như virus, vi khuẩn. Các kháng thể kháng hồng cầu thì bản chất cũng là các globulin miễn dịch hiện diện trong huyết tương, thuộc các nhóm IgG, IgM hoặc ít hơn nữa là IgA.

2. Cơ thể sẽ bị tác động như thế nào nếu bị truyền nhầm nhóm máu?

Theo đánh giá của giới chuyên môn thì sẽ rất tồi tệ nếu cơ thể người nhận bị truyền nhầm nhóm máu, lúc này, phản ứng truyền máu tán huyết cấp có thể xảy ra với người nhận trong khoảng 24 giờ sau khi nhận máu hoặc có thể xảy ra luôn trong quá trình truyền máu.

Bệnh nhân là người sẽ cảm nhận rõ nhất những sự thay đổi này, cơ thể có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Nóng tại chỗ truyền máu, sốt, ớn lạnh, đau ở lưng và 2 bên sườn... Truyền nhầm nhóm máu sẽ gây ra những phản ứng liên quan đến hầu hết các tán huyết nội mạc, các hồng cầu của máu truyền vào cơ thể sẽ bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận ngay trong lòng mạch máu và đồng thời có thể xảy ra các phản ứng đồng loạt, gây ra sốc và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Tai biến do truyền máu khác nhóm (dù truyền toàn phần hay một phần) thì đều có thể gây ra phản ứng nhanh hoặc chậm, thậm chí gây nguy hiểm chết người cho người bệnh. Chính vì thế, trước khi tiến hành truyền máu cần phải đảm bảo các nguyên tắc và tuân thủ đúng chỉ định truyền máu khi cần thiết. Bệnh nhân bị tai biến do truyền máu khác nhóm cần được cấp cứu nhanh chóng để duy trì lại huyết động và loại nhanh tình trạng nhiễm toan, kích thích sự bài niệu và dùng các thuốc để chữa triệu chứng ở người bệnh.

Những nhóm máu quan trọng trong truyền máu
Truyền nhầm nhóm máu có thể gây ra sốc và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng

3. Những nhóm máu quan trọng trong truyền máu

Máu ở cơ thể người được chia thành 4 nhóm chính là: A, B, AB, O dựa vào những kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu. Cụ thể: Những người thuộc nhóm máu A sẽ có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và kháng thể B trong huyết tương, những người thuộc nhóm máu B sẽ có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và kháng thể A trong huyết tương, người thuộc nhóm máu AB sẽ có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu và không có kháng thể A và B trong huyết tương. Người thuộc nhóm máu O sẽ không có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu, nhưng có cả kháng thể A và B trong huyết tương. A và B là những kháng thể tự nhiên có trong huyết thanh.

Hệ thống nhóm máu Rh có 3 loại kháng nguyên chính gồm: Kháng nguyên C (Rh'), kháng nguyên D (Rh0), kháng nguyên E (Rh''). Tuy nhiên, chỉ có kháng nguyên D có tính kháng nguyên mạnh và có tính sinh miễn dịch cao. Chính vì vậy mà chỉ khi có kháng nguyên D thì mới gọi là Rh+.

Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh có tính di truyền cao, còn kháng thể chống Rh thì chỉ có ở cơ thể những người có nhóm máu Rh- khi được miễn dịch bằng hồng cầu có kháng nguyên D (Rh+). Chính vì vậy mà nếu một người bệnh có nhóm máu Rh- và chưa bao giờ được truyền máu thuộc nhóm Rh+ thì khi truyền máu Rh+ lần đầu sẽ không bị xảy ra phản ứng phản vệ. Tuy nhiên, nếu tiếp tục truyền máu khác nhóm Rh+ cho bệnh nhân có nhóm Rh- trong vòng 2 - 4 tháng thì nồng độ kháng thể chống Rh+ có trong máu người nhận Rh- sẽ đạt tối đa và có thể gây ra sốc nặng.

Những nhóm máu được phép truyền được cho nhau, bao gồm:

  • Nhóm máu A

Người mang nhóm máu A có thể truyền máu cho những người cùng nhóm máu A hoặc nhóm máu AB và những người thuộc nhóm máu A cũng có thể nhận máu từ những người có nhóm A, nhóm O.

  • Nhóm máu B

Người mang nhóm máu B có thể truyền máu cho những người thuộc nhóm máu B hoặc nhóm AB và ngược lại, những người có nhóm máu B có thể nhận máu từ người cho thuộc nhóm máu B hoặc nhóm O.

  • Nhóm máu AB

Nhóm máu AB được xem là nhóm máu hiếm, những người mang nhóm máu này có thể nhận được truyền máu từ những nhóm máu khác nhưng chỉ được phép cho những người cùng nhóm máu AB.

  • Nhóm máu O

Nhóm máu O khá phổ biến và hoàn toàn không có kháng nguyên nên có thể truyền máu được cho tất cả các nhóm máu khác. Tuy nhiên, những người nhóm máu O chỉ có thể nhận máu từ người cho mang cùng nhóm máu O do các kháng thể A, B trong huyết tương của nhóm máu này sẽ tấn công các loại khác, gây biến chứng.

Sơ đồ truyền máu
Sơ đồ truyền máu

4. Truyền máu như thế nào mới an toàn?

Để tránh những biến chứng khi truyền máu khác nhóm thì phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc truyền máu, nghĩa là phải truyền máu cùng nhóm với các kháng nguyên và kháng thể tương thích, không phải chỉ đơn giản là những người mang nhóm máu A đều được truyền cho nhóm máu A mà phải cần bác sĩ xét nghiệm xem có yếu tố Rh (+) hay Rh (-) hay không.

Ngoài ra, sau khi xác định nhóm máu của người bệnh thì bác sĩ sẽ cần phải làm các phản ứng chéo bằng cách trộn hồng cầu của người cho máu với huyết thanh của người nhận máu và ngược lại, khi không xảy ra hiện tượng ngưng kết hồng cầu thì máu đó mới có thể được truyền cho người nhận.

Trong trường hợp cần truyền máu khác nhóm thì phải tuân thủ theo quy tắc tối thiểu là không để xảy ra hiện tượng ngưng kết hồng cầu của người cho trong máu của người nhận vì đây là tai biến có thể khiến người nhận tử vong nhanh chóng. Truyền máu khác nhóm bắt buộc phải đảm bảo nguyên tắc sau: Nhóm O sẽ truyền được cho 3 nhóm: A, B, AB. Nhóm máu A và nhóm B sẽ truyền được cho nhóm AB và nhóm máu AB không truyền được cho nhóm O, A, B. Chỉ được truyền khoảng 250ml máu, với tốc độ rất chậm. Nếu bệnh nhân cần truyền máu là người có yếu tố Rh+ thì truyền máu Rh+ hoặc Rh- đều được. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cần truyền máu là người thuộc Rh- thì nhất thiết phải được truyền máu là Rh-.


Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang sử dụng máy định nhóm máu tự động hoàn toàn Wadiana rất hiện đại từ Tây Ban Nha, cho phép thực hiện kỹ thuật định nhóm máu hệ ABO/Rh (D) trên máy tự động.

Việc định nhóm máu bằng máy tự động này cho phép hạn chế tối đa các sai sót có thể có so với phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, với đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao cùng kỹ thuật viên thực hiện quy trình xét nghiệm chặt chẽ, nghiêm ngặt, kỷ luật, tuân thủ quy định, giúp bảo đảm độ chính xác một cách tuyệt đối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

53.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan