Dung dịch rửa tay sát khuẩn: Sau mấy phút thì an toàn?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do coronavirus, công tác đề phòng lây lan đang được chú trọng. Bên cạnh việc đeo khẩu trang, thì cách tốt nhất để ngăn ngừa COVID-19 là thường xuyên rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng với nước trong ít nhất 30 giây.

1. Kỹ thuật rửa tay thường quy

Rửa tay thường quy được chỉ định với mục đích loại bỏ chất dơ và vi sinh vật vãng lai trên bàn tay. Thời gian rửa tay sát khuẩn được khuyến nghị thường là 30 giây đến 1 phút với xà phòng (dạng nước hoặc bánh) và nước sạch. Các bước tiến hành cụ thể như sau:

  • Bước 1: Tháo nữ trang, đồng hồ,... đang đeo trên tay và cho vào túi cá nhân. Làm ướt tay với nước sạch. Lấy khoảng 3 - 5 ml dung dịch xà phòng nước rửa tay vào lòng bàn tay, hoặc chà xát bánh xà phòng bao phủ khắp lòng và mu bàn tay.
  • Bước 2: Chà mạnh tay trong khoảng 1 phút (chà hai lòng bàn tay vào nhau, sau đó chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại).
  • Bước 3: Tiếp tục miết mạnh các ngón tay phải vào giữa kẽ ngón trái, rồi đổi bên. Nắm bàn tay lại để chà mu các ngón tay này vào lòng bàn tay kia, và ngược lại.
  • Bước 4: Chà ngón tay cái bên trái vào lòng bàn tay bên phải (sao cho lòng bàn tay ôm lấy ngón cái), và ngược lại. Tiếp tục chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và đổi bên.
  • Bước 5: Rửa tay dưới vòi nước chảy, để bàn tay nằm thấp hơn khủy tay cho tất cả vi sinh vật trôi hết xuống bồn.
  • Bước 6: Lau khô tay bằng khăn sạch.

Lưu ý, từ bước 2 - 4 cần thực hiện ít nhất 5 lần, nhưng thời gian thực hiện mỗi bước không quá 15 giây. Ngoài ra, cần điều chỉnh vòi nước chảy với tốc độ vừa phải, và không để quần áo chạm vào bồn rửa trong suốt thời gian rửa tay.

Nếu trong móng tay cũng dính bẩn trông thấy thì dùng móng để đẩy ra. Tận dụng chiếc khăn vừa dùng lau khô tay để đóng vòi nước, không dùng bàn tay đã rửa sạch trực tiếp đóng vòi.

2. Rửa tay khô bằng dung dịch chứa cồn

Rửa tay khô dùng nước bằng dung dịch chứa cồn chỉ nên được áp dụng khi không có điều kiện rửa tay bằng nước và xà phòng, hơn nữa bàn tay cũng không thấy rõ vết dơ. Nếu xuất hiện vết dơ hữu cơ, cần tìm nơi có thể rửa tay thường quy như mục 1.

Kỹ thuật rửa tay không dùng nước bằng dung dịch chứa cồn cũng theo các bước tương tự như rửa tay truyền thống, cụ thể là:

  • Bước 1: Cho 3 - 5 ml dung dịch rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay.
  • Bước 2: Chà mạnh tay trong 1 phút, chà hai lòng bàn tay vào nhau, sau đó chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và đổi bên.
  • Bước 3: Miết mạnh các ngón tay này vào các kẽ ngón kia. Chà mu tay này để khum khớp với lòng bàn tay kia và ngược lại.
  • Bước 4: Lòng bàn tay này ôm lấy ngón cái bên kia và chà mạnh, sau đó đổi bên. Cuối cùng chà các đầu ngón tay trái vào lòng bàn tay phải và ngược lại.

Chú ý: Khi đã hoàn thành xong bước 4 trên mà tay vẫn chưa khô thì lặp lại từ bước 2 - 4 cho đến khi tay khô hoàn toàn. Virus cúm nói chung sẽ bị bất hoạt sau khoảng 3 - 4 phút dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn 60 độ cồn trở lên. Do đó, cần chú ý nếu sau khi rửa tay nhanh, virus chưa kịp bị tiêu diệt thì vẫn có nguy cơ lây sang người khác.

Nếu tự pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nhà theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì phải để sau 72 giờ mới sử dụng. Thời gian này đủ đảm bảo các mầm vi khuẩn (nếu có) trong dung dịch được tiêu diệt hết.

3. Những phương tiện cần có khi rửa tay

Nước máy sạch, xà phòng và khăn lau tay là những phương tiện cần có sẵn và đặt ở những vị trí thích hợp.

3.1. Xà phòng và dung dịch rửa tay

Trên thị trường hiện tại, xà phòng rửa tay khá đa dạng, từ dung dịch nước đến bánh truyền thống. Có thể phân biệt các loại như sau:

  • Xà phòng thường (trung tính, dạng bánh hoặc dung dịch)
Dung dịch rửa tay sát khuẩn: Sau mấy phút thì an toàn?
Xà phòng rửa tay thông thường dạng soap

Xà phòng chứa acid béo đã ester hóa và sodium / potassium hydroxide. Loại này sẽ lấy đi được những chủng vi khuẩn vãng lai, bám lỏng lẻo trên da và có thể dùng trong rửa tay thường quy. Dung dịch rửa tay hiện đang được sử dụng nhiều nhất trong các bệnh viện là Pose liquid soap.

  • Xà phòng khử khuẩn (dạng bánh hoặc dung dịch)

Chứa chất sát khuẩn với hoạt chất chính thường là Para –chloro –meta xytenol. Xà phòng rửa tay sát khuẩn có thể dùng trong rửa tay thường quy.

  • Dung dịch rửa tay sát khuẩn

Thành phần bao gồm 2 - 4% chlorhexidine; hoặc 5 - 7% providone iodine; hoặc 1% triclosan. Dùng trong rửa tay phẫu thuật trước khi mang găng và tiến hành xâm nhập, tiếp xúc với niêm mạc, hoặc mô nằm dưới da. Các loại dung dịch rửa tay sát khuẩn đang sử dụng tại bệnh viện là Microshield 2% và 4% ( trong phòng mổ).

Có thể chứa một trong những hóa chất như: Alcohol, Chlorhexidine, Chlorine, Hexachlorophene, Iodine, Para chloro meta xylenol, hợp chất ammonium bậc 4 và Triclosan và còn kèm theo tinh chất dưỡng da hoặc mùi hương thơm.

Các chuyên gia cho rằng tốt nhất là nên sử dụng bình xà phòng rửa tay sát khuẩn dạng dung dịch có vòi. Bình đựng dung dịch cần:

  • Có nhãn ghi rõ loại dung dịch rửa tay đang chứa;
  • Gắn được trên tường hay xe tiêm, hoặc đặt ở những vị trí thuận lợi cho người sử dụng;
  • Phải rửa sạch bình đựng trước khi bỏ dung dịch mới vào nếu dùng lại.

Lưu ý, không bỏ dung dịch mới vào bình đang sử dụng còn một phần vì sẽ khiến xà phòng bị nhiễm khuẩn. Nếu không có nước rửa tay, bánh xà phòng phải được đặt trong hộp đựng xà phòng có lỗ cho nước đọng lại chảy xuống sau khi sử dụng. Nên cắt xà phòng bánh thành từng miếng nhỏ để thay mới thường xuyên hơn, từ đó ngăn ngừa vi sinh vật phát triển.

3.2. Nước rửa tay

Nước rửa tay phải là nước dưới vòi chảy, nước máy hoặc nước sạch chứa trong thùng có nắp đậy kín và vòi / van khóa. Ngoài ra, vòi nước cần có cần gạt, bồn rửa tay phải luôn giữ sạch, và đặt ở vị trí tiện lợi. Nước tù đọng chứa trong hồ/lu có thể là môi trường nuôi dưỡng vi khuẩn gây bệnh, do đó không nên sử dụng.

3.3. Làm khô tay

Không được dùng khăn đã tái sử dụng nhiều lần. Nếu dùng khăn sợi bông thì phải giặt hàng ngày, hoặc khăn giấy cất trong hộp đựng sạch.

Dung dịch rửa tay sát khuẩn: Sau mấy phút thì an toàn?
Làm khô tay bằng khăn và giặt sạch hàng ngày

Các bệnh viện nên đặt khăn tại bất cứ vị trí nào có tiếp xúc với bệnh nhân, ví dụ như phòng thay đồ, phòng khám, phòng xét nghiệm và phòng chăm sóc người bệnh.

Nếu không có khăn thì có thể để cho tay khô tự nhiên, không chùi vào áo quần hay đồng phục. Chú ý: Không nên dùng máy thổi khí để sấu tay vì vi sinh vật cũng sẽ dễ bị thổi vào các bề mặt khác, cũng như trở lại vào tay, cơ thể và không khí.

Đối với các bệnh lây qua đường hô hấp, bao gồm viêm phổi do coronavirus, WHO khuyên dùng khẩu trang và nhấn mạnh việc rửa tay đúng cách. Bàn tay thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể và bề mặt chứa mầm bệnh. Do đó hãy rửa tay trước khi ăn, đặc biệt là khi ho, hắt hơi, trước khi tháo/lắp kính áp tròng, chăm sóc vết thương hoặc bệnh nhân, nấu thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, chơi và cho động vật ăn, hoặc dọn dẹp rác...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan