Chăm sóc da dầu mụn tuổi dậy thì

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể có nhiệm vụ là bảo vệ các cơ quan nội tạng, nơi phản ánh sớm nhất sức khỏe con người hay gây ấn tượng đầu tiên của bản thân đối với người khác. Theo đó, đối với tuổi dậy thì, đây có thể là một ấn tượng khó chịu khi bị da dầu mụn. Để cải thiện tình trạng này, cần phải biết chăm sóc da tuổi dậy thì đúng cách, đem lại vẻ đẹp và sự tự tin trên làn da.

1. Da dầu mụn tuổi dậy thì là gì?

Ở tuổi dậy thì hoặc thanh thiếu niên, cơ thể tăng sản xuất một loại hormone gọi là androgen. Hormone này kích thích sản xuất chất nhờn gọi là bã nhờn, dẫn tới da dầu là luôn trông bóng nhờn như phủ dầu. Chất này trộn lẫn với các tế bào da chết và lông ở các lỗ da được gọi là nang lông. Sự tích tụ của các tế bào da, dầu và lông tụ lại với nhau gây ra khối tắc nghẽn nang lông, tạo thành những mụn nhỏ, xếp liên tục nhau nên gọi là mụn trứng cá.

Khi các cấu trúc mụn trứng cá lớn dần thì có thể vỡ ra và gây viêm da. Trong điều kiện này, một loại vi khuẩn được gọi là propionibacterium acnes hoặc P. acnes, cũng tham gia và tạo ra phản ứng viêm mạnh mẽ hơn, gây ra tình trạng nhiễm trùng da. Nếu chăm sóc da dầu mụn tuổi dậy thì không đúng cách, ổ nhiễm trùng làm phá hủy cấu trúc da, khi lành sẽ gây hình thành sẹo, làm mất thẩm mỹ.

Các vị trí thường gặp mụn trứng cá do da dầu ở trẻ dậy thì là mặt, vai, lưng hay trên ngực, bụng. Trong đó, mặt thường là nơi gây ra nhiều phiền toái và khó chịu nhất cho trẻ.

Các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra mụn trứng cá ở trẻ dậy thì như:

  • Dùng các thuốc nội tiết tố
  • Di truyền học
  • Sử dụng các sản phẩm trang điểm giàu gốc dầu
  • Vệ sinh kém
Mụn trứng cá
Các vị trí thường gặp mụn trứng cá do da dầu ở trẻ dậy thì là mặt, vai, lưng hay trên ngực, bụng

2. Tổng quan về cách chăm sóc da dầu mụn tuổi dậy thì

Điểm khởi đầu để chăm sóc da tốt là luôn cố gắng giữ cho tất cả các vùng da dễ bị mụn thật sạch sẽ song song với việc làm sạch da kỹ lưỡng nhưng nhẹ nhàng ít nhất hai lần mỗi ngày với xà phòng chuyên dụng và nhiều nước tác động bằng cách vỗ trên từng khu vực trên da mà không chà xát da. Việc chà xát mạnh trên da, nhất là vùng da dễ nhạy cảm như da mặt, sẽ dễ gây kích ứng da, khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Tránh rửa vùng dễ bị mụn bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nước ấm là tốt nhất để không làm trầm trọng thêm tình trạng da.

Bên cạnh đó, các sản phẩm được lựa chọn chăm sóc da cũng cần thận trọng. Các sản phẩm có chứa cồn hoặc các chất làm se da khác hoặc chất tẩy rửa mạnh có thể gây tăng kích ứng da và làm co lỗ chân lông, thường khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, khi cần bôi kem chống nắng với các hoạt động ngoài trời, nên chọn các loại kem không chứa dầu hoặc không gây dị ứng.

Nếu các tổn thương mụn bị bội nhiễm, tức có sự tham gia của các vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh dùng tại chỗ. Thuốc kháng sinh uống hoặc các loại thuốc trị mụn khác như isotretinoin đôi khi được yêu cầu kèm theo, vừa cải thiện cấu trúc da dầu, hạn chế hình thành mụn, vừa tăng sức khỏe cho cấu trúc của làn da.

Mặt khác, không tùy tiện lấy hoặc gây kích ứng mụn bằng cách nặn mụn hay mọi biện pháp cố ý làm cho mụn trứng cá bị vỡ ra. Một số trẻ có thói quen đưa tay lên mặt để sờ nắn hay gãi mụn cho bớt đau, ngứa ngáy khó chịu. Điều này có thể gây viêm nhiều hơn, nhiễm trùng nặng nề hơn và dễ lan rộng ra. Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp trên da trong giai đoạn điều trị da dầu mụn tuổi dậy thì cũng không được khuyến khích, như tránh tẩy lông, tẩy tế bào chết...

Cuối cùng, trẻ dậy thì cũng cần tạo thói quen vệ sinh kính mắt thường xuyên; để da thông thoáng, không đeo băng đô, mũ lưỡi trai trừ khi chúng thường xuyên được làm sạch; giữ tóc sạch, gọn gàng và tránh xa mặt; đối với nam, khi cạo râu, hãy cẩn thận và dùng nước ấm để làm mềm râu trước, dùng dao cạo sạch, sắc; đối với nữ, tránh trang điểm bằng dầu và các sản phẩm làm tóc bóng nhờn; cố gắng tránh căng thẳng và hạn chế khí hậu nóng ẩm có thể gây ra hoặc làm cho tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.

Thoa kem chống nắng
Khi cần bôi kem chống nắng với các hoạt động ngoài trời, nên chọn các loại kem không chứa dầu hoặc không gây dị ứng

3. Cách chăm sóc da dầu mụn tuổi dậy thì theo từng loại

Xác định loại tổn thương mụn trứng cá mà một thiếu niên khi bước vào tuổi dậy thì mắc phải là bước đầu tiên để xác định cách chăm sóc da phù hợp. Có bốn loại mụn trên da dầu phổ biến ở các đối tượng này:

3.1. Mụn đầu đen (hoặc mụn trứng cá mở)

Cơ chế hình thành mụn đầu đen là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi các mảnh vụn trên bề mặt da, thường xuất hiện trên mặt, mũi, trán, cổ, ngực và lưng. Mụn đầu đen có nhân ở vị trí trung tâm màu đen, nguyên nhân không phải do bụi bẩn mà là do tế bào và dầu trong nang lông bị oxy trong không khí oxy hóa.

Tình trạng mụn đầu đen có thể khắc phục bằng cách mở lỗ chân lông bị tắc nghẽn nhờ gel benzoyl peroxide bôi ít từ 4 đến 7 lần một tuần. Nếu điều này không cải thiện sau vài tháng, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc khác. Đồng thời, trẻ tuổi dậy thì cũng cần được hướng dẫn cách làm sạch da nhẹ nhàng hai lần một ngày. Đối với những thiếu nữ muốn trang điểm, nên sử dụng các sản phẩm dành cho da mặt giúp kiềm chế mụn đầu đen hình thành. Những sản phẩm này cũng phải đảm bảo không gây dị ứng cho da.

3.2. Mụn đầu trắng (hoặc mụn bọc kín)

Khi một nang mụn vẫn còn giữ được vỏ bọc nguyên vẹn dưới da, tổn thương này sẽ tạo ra một vết sưng nhỏ hoặc mụn đầu trắng.

Tình trạng này có thể được điều trị bằng kem bôi benzoyl peroxide không kê đơn hoặc bằng thuốc theo toa.

3.3. Mụn nhọt và mụn mủ

Mụn nhọt và mụn mủ là những tổn thương có dạng một ổ mủ nhỏ hình thành trên vùng da bị viêm. Bên trong mụn thường chứa đầy mủ, tế bào chết của da và vi trùng.

Các loại thuốc bôi ngoài da như benzoyl peroxide hoặc retinoid (là thuốc bôi ngoài da được kê đơn) thường có thể hữu ích. Nếu đang sử dụng sản phẩm có chứa retinoid, sản phẩm này có thể gây kích ứng da và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, retinoids lại có công dụng rất tốt làm giảm viêm và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới.

Thuốc bôi
Các loại thuốc bôi ngoài da như benzoyl peroxide hoặc retinoid thường có thể hữu ích đối với mụn nhọt và mụn mủ

Đồng thời, nếu viêm mủ da nặng và có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng thì có thể cần dùng thuốc kháng sinh uống và kem bôi chứa kháng sinh được kê đơn khác.

3.4. U nang hoặc nốt sần

Đây là những tổn thương sâu hơn, gây đau đớn xảy ra khi nhiễm trùng bên trong tuyến bã nhờn làm cho tuyến và vùng xung quanh bị biến dạng do nhiễm trùng lan xuống dưới bề mặt da.

Thuốc kháng sinh uống hoặc thuốc trị mụn khác như isotretinoin thường cần thiết để điều trị các loại tổn thương này để giúp ngăn ngừa sẹo.

Tóm lại, chăm sóc da dầu mụn tuổi dậy thì đòi hỏi cần có kế hoạch điều trị từ từ, cần thời gian và sự kiên nhẫn. Đồng thời, việc này còn là quá trình riêng của mỗi trẻ dậy thì, đôi khi cần có sự trợ giúp từ cha mẹ và bác sĩ chuyên khoa da liễu. Quan trọng là cần giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ da dầu mụn là một đặc điểm của tuổi dậy thì, thường sẽ biến mất khi đến đầu tuổi 20. Tuy nhiên, đối với một số người, mụn trứng cá có thể tiếp tục tốt đến tuổi trưởng thành hay gây tổn thương da nặng nề thêm nếu không chăm sóc da tuổi dậy thì đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: stanfordchildrens.org, webmd.com, everydayhealth.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan