Nạo VA diễn ra như thế nào? Cần chú ý những gì trước - trong - sau phẫu thuật?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nạo VA cho trẻ được thực hiện khi tình trạng viêm VA ở trẻ diễn ra nhiều lần tái đi tái lại gây các biến chứng nguy hiểm. VA là tổ chức hạch bạch huyết có lợi cho cơ thể tại vùng hầu họng, có tác dụng chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus cho trẻ. Tuy nhiên chính vì phản ứng với tác nhân gây bệnh nên trẻ thường bị viêm VA.

1. Khi nào cần nạo VA?

VA là một tổ chức tốt cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh nhưng nếu tình trạng viêm cứ tái lại nhiều lần gây các ra các biến chứng gần và xa cho trẻ như:

  • Gây phì đại VA khiến trẻ phải thở bằng miệng, ngủ ngáy, nghẹt mũi, ngừng thở khi ngủ...
  • Ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy cho cơ thể, đặc biệt là cho não làm ảnh hưởng không tốt tới việc phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. VA phì đại tác động tới khả năng khứu giác của trẻ.
  • VA phì đại có thể gây bít tắc vòi tai gây nhiễm trùng tai giữa, giảm thính lực và ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ của trẻ
  • VA phì đại khiến bít tắc, tích tụ các dịch nhầy trong xoang gây viêm xoang.
  • VA bị viêm thường xuyên cũng là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó chúng có thể tấn công gây ra viêm đường hô hấp, viêm tai giữa....

Phẫu thuật nạo VA cho trẻ khi:

  • Viêm VA tái lại nhiều lần (> 5 lần/ năm).
  • Viêm VA điều trị nội khoa không hiệu quả gây các biến chứng.
  • VA quá phát gây bít tắc cửa sau, khiến trẻ ngạt mũi kéo dài, cản trở đường thở.

Các trường hợp chống chỉ định: khi trẻ có các bệnh về máu, bệnh tim nặng, lao tiến triển.

nạo va
Nạo VA cho trẻ được thực hiện khi tình trạng viêm VA ở trẻ diễn ra nhiều lần

2. Cần chú ý những gì trong quá trình trước- trong- sau phẫu thuật

2.1 Trước phẫu thuật

Để thực hiện ca phẫu thuật thành công, an toàn cho trẻ các bậc cha mẹ cần thực hiện các nguyên tắc sau:

  • Trong vòng 7 -10 ngày trước khi tiến hành phẫu thuật, không tự ý cho trẻ uống các thuốc chống viêm như: ibuprofen, Indomethacin và naproxen.
  • Trước 10 ngày phẫu thuật thông báo cho bác sĩ các loại thuốc trẻ đang uống.
  • Chuẩn bị sẵn nhiệt kế và thuốc hạ sốt ở nhà cho giai đoạn sau mổ.
  • Trấn an để trẻ không lo lắng trước phẫu thuật.
  • Tuân thủ chế độ ăn cho trẻ trước phẫu thuật:

-Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi: Trẻ có thể dùng sữa công thức trước giờ mổ 6 tiếng. Trẻ có thể bú mẹ trước giờ mổ 4 tiếng.

-Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi: Trẻ không được ăn gì kể từ 0 giờ ngày hẹn mổ, đặc biệt là các loại thức ăn đặc, kẹo, dịch trong suốt như sữa, nước hoa quả...

-Đối với trẻ ở mọi lứa tuổi: Có thể uống nước lọc khoảng 2 tiếng trước khi phẫu thuật. Nếu trẻ phải uống thuốc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ thì cho trẻ uống thuốc cùng một chút nước lọc vào buổi sáng hôm phẫu thuật.

2.2 Trong phẫu thuật

  • Ca phẫu thuật diễn ra từ 30 - 60 phút.
  • Trẻ được gây mê qua mặt nạ rồi đặt nội khí quản và được theo dõi cẩn thận suốt quá trình phẫu thuật. Amidan và VA được cắt bỏ qua đường miệng nên sẽ không có vết rạch ở mặt hay ở cổ.
  • Ngay sau khi hết tình trạng hôn mê trẻ có thể có các phản ứng khác nhau như: khóc, cuống quýt hay bối rối, khó chịu ở dạ dày hoặc nôn, có thể nôn ra chất dịch đặc có màu nâu nếu trẻ đã nuốt một ít máu trong và sau phẫu thuật. Những phản ứng này là hoàn toàn bình thường và sẽ hết khi thuốc mê hết tác dụng hoàn toàn.
  • Khi trẻ tỉnh hoàn toàn có thể đỡ trẻ đi vệ sinh.
  • Thường trẻ sẽ được xuất viện sau 1-2 giờ.

2.3 Sau phẫu thuật

Nạo VA hiếm khi khiến trẻ đau đớn nhiều hoặc khó nuốt, trẻ có thể đi học trở lại sau khi nạo VA từ 1 đến 3 ngày.

Một số triệu chứng có thể xuất hiện sau phẫu thuật nạo VA và cách khắc phục:

  • Trẻ cảm thấy nôn và buồn nôn: do ảnh hưởng của thuốc gây mê nên cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng hoặc các loại nước ngay khi có thể, nếu không còn bị nôn có thể cho trẻ ăn thức ăn đặc. Cho trẻ uống nhiều nước tránh tình trạng mất nước sau mổ.
  • Liền vết thương: quá trình này diễn ra trong khoảng 10 ngày, chú ý không để bị nhiễm khuẩn trong quá trình này.
  • Đau: Trẻ nạo VA cảm thấy đau hoặc cứng ở cổ có do tư thế nằm khi phẫu thuật, có thể chườm ấm cho trẻ hoặc dùng thuốc giảm đau ( Paracetamol). Chú ý không cho trẻ uống thuốc khi bụng đói vì có thể làm tăng nguy cơ buồn nôn hay nôn sau phẫu thuật.
  • Ngủ ngáy: có một số trẻ ngủ ngáy sau phẫu thuật, tình trạng này do phù nề vùng mổ và sẽ hết sau vài ngày.
  • Thay đổi giọng: Có thể bị biến giọng do thay đổi tạm thời kích thước và hình dáng khoang miệng sau phẫu thuật. Tình trạng này có thể tồn tại vài tuần tới vài tháng rồi trở về bình thường.
  • Sốt: Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc vừa, nếu sốt dưới 38,5 độ C không đáng lo ngại và không cần dùng thuốc, sốt sẽ tự hết. Nếu sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng với paracetamol cha mẹ cần liên hệ tới bác sĩ.
  • Hơi thở có mùi: do quá trình liền vết thương tại vùng phẫu thuật, hiện tượng này không có gì đáng lo ngại sẽ tự mất đi sau vài tuần. Giữ vệ sinh vùng răng miệng đúng cách, súc miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, uống nhiều nước.
  • Chảy máu: hiện tượng này khá hiếm gặp nhưng có thể xuất hiện trong vòng 14 ngày sau mổ, tình trạng chảy máu ít và có thể tự cầm thì không đáng lo ngại, nhưng nếu tình trạng chảy máu xảy ra nhiều và không cầm được cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị và theo dõi.

Ngoài ra một số lưu ý khác:

  • Trẻ không được súc họng, có thể đánh răng và súc miệng.
nạo va
Trẻ không được súc họng, có thể đánh răng và súc miệng
  • Dặn trẻ không bịt miệng khi hắt hơi, không xì mũi trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật.
  • Tránh các hoạt động mạnh trong 2 tuần sau mổ.
  • Trong vòng 2 tuần sau mổ trẻ dễ bị cảm lạnh hay nhiễm trùng hơn bình thường. Chủ động cách ly trẻ, không để bị lây bệnh từ những người xung quanh.

Cha mẹ cần chú ý liên hệ ngay với các bác sĩ để được tư vấn khi:

  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Buồn nôn hoặc tình trạng nôn ngày một nặng hơn.
  • Đau tăng lên nhiều.
  • Chảy máu trầm trọng không cầm.
  • Trẻ mất giọng trong suốt 24 giờ.

Hiện nay để tránh những biến chứng không đáng có ở trẻ xảy ra khi tình trạng viêm VA xuất hiện tái lại nhiều lần, nạo VA cũng được chỉ định rộng rãi hơn. Khi thấy trẻ có những đợt viêm VA diễn ra liên tiếp nhau, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn về việc nạo VA cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

99.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan