Phòng ngừa đục thuỷ tinh thể thế nào?

Đục thủy tinh thể còn gọi là cườm khô, cườm đá, cườm hạt, đục nhân mắt... Bệnh hay gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên đục thuỷ tinh thể ở người trẻ vẫn có thể xảy ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến mù lòa, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy đục thủy tinh thể có nguy hiểm không và phòng ngừa như thế nào?

1. Đục thuỷ tinh thể là bệnh gì?

Thủy tinh thể là một cấu trúc trong mắt có chức năng giống như một thấu kính lồi giúp hội tụ ánh sáng lên trên võng mạc, từ đó võng mạc sẽ nhận cảm ánh sáng và gửi tín hiệu lên não bộ. Đối với mắt bình thường, ánh sáng xuyên qua thủy tinh thể hội tụ trên võng mạc, vì vậy thủy tinh thể cần phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét nhất. Có thể nhận thấy công suất hội tụ của thủy tinh thể đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ thống khúc xạ của mắt, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng vị trí trên võng mạc khi chúng ta nhìn xa. Cùng với đó độ dày của thuỷ tinh thể sẽ hỗ trợ điều tiết để mắt nhìn rõ những vật ở gần.

Thành phần thủy tinh thể chủ yếu bao gồm nước và protein, trong đó các protein được sắp xếp theo một trật tự nhất định để ánh sáng có thể xuyên qua và hội tụ lại trên võng mạc. Trường hợp protein sắp xếp không đúng trật tự mà tập trung thành đám, dẫn đến ánh sáng đi qua bị tán xạ và tạo nên những vùng mờ đục trong thủy tinh thể. Hệ quả là gây cản trở ánh sáng đến võng mạc và gây giảm thị lực. Tình trạng bất thường này được gọi là bệnh đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể giai đoạn sớm có thể không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào vì lúc này chỉ một phần nhỏ thủy tinh thể bị mờ đục. Tuy nhiên, theo thời gian thì mức độ mờ đục của thủy tinh thể tăng dần và thị lực người bệnh sẽ giảm theo vì lượng ánh sáng hội tụ trên võng mạc không còn như lúc bình thường. Đây là loại bệnh lý không lây mặc dù thực tế ghi nhận rất nhiều trường hợp đục thủy tinh thể 1 bên mắt và dần dần tiến triển sang bên mắt còn lại.

Về mặt nguyên nhân gây bệnh, hiện nay các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm vì vẫn còn nhiều cơ chế chưa rõ. Các nhà khoa học cho rằng các yếu tố nguy cơ thuận lợi gây bệnh đục thủy tinh thể có thể bao gồm thói quen hút thuốc lá, môi trường sống quá nhiều ánh nắng mặt trời hoặc liên quan đến bệnh lý đái tháo đường...

Tình trạng mờ đục có thể xảy ra ở các lớp khác nhau của thể thủy tinh, bao gồm: phần nhân trung tâm, phần dưới bao sau hoặc phần vỏ...

đục thuỷ tinh thể
Đục thủy tinh thể còn gọi là cườm khô, cườm đá, cườm hạt, đục nhân mắt...

2. Dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể bao gồm những triệu chứng như sau:

  • Nhìn mờ hay suy giảm thị lực;
  • Khi nhìn vào ánh sáng có cảm giác chói mắt: Thấy đèn xe quá sáng vào ban đêm, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh hoặc thấy quầng sáng quanh đèn...;
  • Nhìn màu sắc có vẻ nhạt hơn bình thường;
  • Thị lực ban đêm kém hơn ban ngày;
  • Song thị, khi nhìn một hình lại thành ra 2 hoặc nhiều hình;
  • Thay đổi độ kính đang đeo một cách thường xuyên.

Tuy nhiên, những triệu chứng liên quan đến khả năng nhìn có thể không đặc hiệu với bệnh đục thủy tinh thể mà còn có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác của mắt. Do đó, nếu người bệnh nhận thấy các dấu hiệu bất thường nêu trên thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và chẩn đoán chính xác.

Một điều cần đặc biệt lưu ý là giai đoạn mờ đục thủy tinh thể còn ít thì người bệnh có thể không nhận ra những sự thay đổi của thị lực. Tuy nhiên, khi mức độ mờ đục tiến triển thêm mà không được can thiệp thì thị lực sẽ suy giảm nhanh chóng. Một số người bị đục thủy tinh thể còn cho biết thị lực nhìn gần hoặc khi đọc sách có vẻ tốt hơn nhưng chỉ mang tính tạm thời và thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể phát triển đến giai đoạn muộn hơn.

3. Phân loại đục thủy tinh thể

3.1. Theo hình thái và vị trí

  • Đục nhân: Tình trạng đục thủy tinh thể ở phần nhân xảy ra khi vùng trung tâm nhân thể thủy tinh xơ cứng và chuyển sang màu vàng vượt quá mức bình thường. Ở giai đoạn sớm, 2 yếu tố trên gây ra một số thay đổi khúc xạ ánh sáng và khiến thị lực nhìn xa suy giảm. Tình trạng này có thể chỉ xảy ra ở một bên mắt;
  • Đục vỏ: Phần vỏ thủy tinh thể mờ đục, có thể to dần hoặc nhiều đám mờ kết hợp với nhau và khiến tình trạng đục thủy tinh thể nhiều hơn. Đặc biệt khi toàn bộ phần vỏ và nhân mờ đục (đục thủy tinh thể hoàn toàn) được gọi là đục chín. Đục vỏ thủy tinh thể có thể xảy ra ở cả 2 mắt và thường không đối xứng;
  • Đục bao: Là một vết mờ đục kích thước nhỏ ở biểu mô và bao trước thể thủy tinh nhưng không gây ảnh hưởng đến lớp vỏ.

3.2. Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Nguyên nhân nguyên phát:

  • Đục thủy tinh thể do lão hóa: Đa số các bệnh nhân đục thủy tinh thể là người cao tuổi. Theo thống kê có đến 80% người trên 65 tuổi bị đục nhân mắt;
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể ở người trẻ, liên quan đến các rối loạn di truyền hay biến chứng của các bệnh lý toàn thân hoặc rối loạn chuyển hóa.

Nguyên nhân thứ phát:

  • Công việc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên (hơn 3 giờ/ngày) với ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử, tia X...;
  • Một số bệnh lý khác ở mắt như viêm kết mạc, bệnh giác mạc... không được điều trị đúng cách hoặc tái phát nhiều lần;
  • Thường xuyên để mắt tiếp xúc với ánh sáng mặt trời;
  • Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị như corticoid, thuốc chống trầm cảm,..;
  • Cận thị thoái hóa;
  • Tai biến mạch máu não, chấn thương mắt hoặc di chứng sau phẫu thuật mắt;
  • Mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp hay béo phì...
đục thuỷ tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể có thể bao gồm những triệu chứng như nhìn mờ hay suy giảm thị lực

4. Chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể

Để phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể, người bệnh cần phải được thăm khám mắt toàn diện, bao gồm các bước sau:

  • Đo thị lực bằng bảng thị lực;
  • Khám mắt khi đồng tử giãn bằng cách sử dụng các loại thuốc nhỏ. Điều này cho phép bác sĩ thăm khám cả tình trạng thủy tinh thể và võng mạc để kiểm tra tất cả các bệnh lý mắt;
  • Kiểm tra mắt bằng kính hiển vi để phóng đại các cấu trúc phía trước của mắt, hỗ trợ bác sĩ phát hiện ra những bất thường bên trong mắt;
  • Đo nhãn áp: Chỉ định thường quy với mục đích kiểm tra áp lực trong mắt, nếu nhãn áp tăng có thể là một dấu hiệu gợi ý bệnh lý bất thường.

5. Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

  • Khám mắt định kỳ thường xuyên hoặc khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường (như đau mắt, mỏi mắt, giảm thị lực, nhòe, khô hay rát mắt...) để phát hiện và can thiệp sớm các bệnh lý bất thường, trong đó bao gồm cả đục thủy tinh thể;
  • Có biện pháp điều trị và kiểm soát các bệnh lý toàn thân, các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp... đồng thời duy trì cân nặng lý tưởng, tránh thừa cân, béo phì;
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E, Lutein, kẽm Zeaxanthin như rau xanh, trái cây, các loại cá, ngũ cốc... Đồng thời hạn chế các món ăn gây hại cho mắt như đồ chiên xào, chứa nhiều dầu mỡ, bánh kẹo đồ ngọt...;
  • Tăng cường ánh sáng trong nhà hay môi trường kín, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, đeo kính hoặc thiết bị bảo vệ mắt khi ra ngoài trời;
  • Trang bị các thiết bị bảo hộ cho đôi mắt chuyên dụng theo đặc thù công việc;
  • Tránh xa các yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khỏe thủy tinh thể như rượu bia, khói thuốc lá.

Bệnh đục thủy tinh thể làm suy giảm thị lực và làm tăng nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt. Bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách thăm khám thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống và lối sống khoa học.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

405 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan