Rối loạn giới tính ở trẻ: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Rối loạn giới tính trẻ em xảy ra phổ biến ở nam nhiều hơn nữ. Rối loạn định dạng giới không được phát hiện và chữa trị sẽ trở nặng hơn. Người bệnh sẽ chối bỏ giới tính của mình và tìm mọi cách thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

1. Rối loạn định dạng giới là gì?

Rối loạn định dạng giới hay hội chứng rối loạn phát triển giới là chứng rối loạn tâm thần mà một người có xu hướng không công nhận giới tính của mình và biểu hiện hành vi, thái độ ở giới tính hoàn toàn ngược lại.

Một cá nhân mắc chứng rối loạn này thường cảm thấy không thoải mái về cấu tạo của cơ thể mình. Họ thường hành động và biểu hiện bản thân như những thành viên của nhóm giới tính ngược lại và mong muốn thay đổi ngoại hình cơ thể. Chứng rối loạn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân và tác động đến tính cách, hành vi cũng như cách ăn mặc của người mắc phải. Họ thực hiện thay đổi ngoại hình bằng cách sử dụng mỹ phẩm, tiêm hormone hay phẫu thuật chuyển giới.

2. Nguyên nhân rối loạn định dạng giới

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn định dạng giới vẫn chưa được khám phá, tuy nhiên một vài học thuyết về vấn đề này cho rằng:

  • Rối loạn giới tính là do testosterone đã in dấu ấn lên não thai nhi và có vai trò hướng giới tính sau này;
  • Di truyền (nhiễm sắc thể) bất thường;
  • Mất cân bằng hormone trong quá trình phát triển của thai kỳ hay thời niên thiếu;
  • Trẻ em thiếu sự chăm sóc, nuôi nấng từ cha mẹ hay thiếu kết nối với xã hội;

3. Triệu chứng của rối loạn định dạng giới

Trẻ em bị rối loạn định dạng giới thường biểu hiện các triệu chứng sau:

  • Thể hiện ước muốn trở thành người có giới tính ngược lại, bao gồm cả việc xem mình như người có giới tính khác và gọi chính mình bằng một tên khác;
  • Bé gái lo sợ ngực sẽ phát triển và có kinh nguyệt, bé có khả năng dùng nịt ngực để hạn chế việc nhìn thấy nó;
  • Tin rằng khi lớn lên chúng sẽ trở thành giới tính khác;
  • Bị các bạn cùng giới xa lánh
Rối loạn giới tính ở trẻ: Những điều cần biết
Rối loạn định dạng giới bị các bạn cùng giới xa lánh
  • Mặc trang phục và có hành vi điển hình của người có giới tính ngược lại (bé gái mặc quần lót của nam);
  • Tách mình ra khỏi các tương tác và hoạt động xã hội;
  • Trẻ nói muốn được làm người khác giới.

Nếu thấy một trong các dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra y khoa và khám tâm lý. Các bác sĩ chuyên ngành và chuyên viên tâm lý sẽ khai thác bệnh sử, tìm hiểu nguyên nhân và có những chẩn đoán chính xác cũng như đưa ra hướng điều trị cụ thể cho từng trường hợp.

4. Chữa trị chứng rối loạn định dạng giới

Nhiều người đều cho rằng, những bệnh nhân bị rối loạn định dạng giới thì cách chữa trị tốt nhất là phẫu thuật chuyển đổi giới tính để họ sống với giới tính mà mình mong muốn.

Tuy nhiên, những người khác cho rằng việc chuyển đổi giới tính là một rối loạn tâm thần cần điều trị. Và chuyển đổi giới, thực ra là “Sự bất lực về mặt sinh học”. Những người cổ vũ hợp pháp hóa việc phẫu thuật chuyển giới lại đang ủng hộ việc bệnh nhân có chứng rối loạn tâm thần tự thay đổi cơ thể họ, trong khi bạn nên giúp họ tìm cách chữa trị về tâm thần.

Theo đó, việc điều trị rối loạn định dạng giới nên được tập trung vào việc phát hiện sớm những hành vi lệch lạc giới tính ngay từ nhỏ, sau đó việc điều trị tâm lý cần được tiến hành để bệnh nhân tự chấp nhận giới tính của cơ thể và không còn mong muốn sống như người có giới tính khác.

5. Lời khuyên dành cho cha mẹ

Theo các chuyên gia tâm lý, từ 18 - 30 tháng tuổi, đa số bé trai biết mình sẽ trở thành con trai và bé gái trở thành con gái và bé muốn bắt chước bố hoặc mẹ, người đồng giới với mình.

Ở độ tuổi mầm non, trẻ bắt đầu có những câu hỏi về giới tính. Khi đó, nhiều bố mẹ chọn cách làm ngơ, trì hoãn nói chuyện giới tính với con. Trong khi hiện nay, trẻ có xu hướng dậy thì sớm, nguy cơ xâm hại tình dục ngày càng lớn nên việc giáo dục giới tính sớm cho trẻ là rất cần thiết.

Việc trì hoãn hoặc chờ đợi trẻ lớn mới nói chuyện giới tính có mặt tốt là trẻ được phát triển tự nhiên theo sở thích. Nhưng có thể trong những sở thích đó có những ý thích lệch lạc với giới tính, do trẻ không được chỉ dẫn.

Do vậy, với trẻ nhỏ, cha mẹ cần trang bị những kiến thức để trả lời câu hỏi của con bất cứ lúc nào. Trẻ ý thức được sự khác biệt giới tính nam nữ từ rất sớm nên nảy sinh sự tò mò, muốn tìm hiểu. Nếu trẻ không nhận được lời giải thích chính xác sẽ tự có những suy đoán lung tung hoặc dựa vào trí tưởng tượng qua các kênh thông tin sai lệch để tìm hiểu. Đây cũng là thời kỳ tốt nhất để trẻ phát triển về trí khôn lẫn nhân cách.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên giúp con phòng tránh những nguy cơ làm lệch giới tính bằng cách cho trẻ mặc quần áo theo giới tính, chơi các trò chơi hợp giới tính, kết thân với bạn cùng giới tính trước tuổi dậy thì và không hạ thấp giá trị giới tính của trẻ.

Rối loạn giới tính ở trẻ: Những điều cần biết
Giúp con nhận ra giới tính của mình

Khi có những biểu hiện rối loạn giới tính ở trẻ bao gồm cả cách ứng xử, hành động, suy nghĩ được thể hiện ở trẻ, cha mẹ cần dành thời gian để chăm sóc, lắng nghe con và giáo dục con thay đổi nhận thức một cách dần dần. Bên cạnh đó trẻ nên được điều trị tâm lý theo 1 phác đồ khoa học giúp định hình tư duy, suy nghĩ của bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan