Bệnh tim mạch trong thai kỳ

Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Khoa Khám bệnh và nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trong quá trình mang thai bình thường, cơ thể phụ nữ có sự thay đổi hormone nên có tăng cả thể tích huyết tương (do giữ nước và giữ muối) và tăng thể tích tế bào máu (do tăng số lượng hồng cầu máu). Sự tăng không tương xứng giữa hai yếu tố này trong máu gây ra tình trạng thiếu máu sinh lý ở phụ nữ mang thai.

Nhịp tim của người mẹ tăng lên trong suốt 40 tuần mang thai, thêm vào là do tăng trưởng lực giao cảm và tăng sản sinh nhiệt bình thường. Kéo theo thể tích nhát bóp của tim tiếp tục tăng đến tam cá nguyệt thứ ba, khi đó sự hồi lưu máu tĩnh mạch chủ có thể bị chèn ép bởi tử cung có thai. Cung lượng tim của người mẹ tăng 30-50% trong thai kỳ bình thường.

1. Những triệu chứng và dấu hiệu tim mạch nào là bình thường trong thai kỳ

  • Tăng thông khí (do tăng số nhịp thở trong 1 phút)
  • Phù (do giữ nước và tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới)
  • Chóng mặt, cảm giác nhẹ đầu (giảm kháng lực mạch máu hệ thống và sự chèn ép các tĩnh mạch chủ)
  • Hồi hộp (nhịp tim tăng từ 10-15 nhịp/phút)

2. Những triệu chứng và dấu hiệu tim mạch nào trong thai kỳ là bệnh lý?

  • Phù toàn thân và khó thở kịch phát về đêm không phải là triệu chứng bình thường trong thai kỳ, cần được đánh giá kỹ lưỡng
  • Ngất, có thể là do tụt huyết áp, bệnh van tim tắc nghẽn (hẹp van động mạch chủ, hẹp van hai lá, hẹp van động mạch phổi), tăng áp phổi, thuyên tắc phổi, rối loạn nhịp tim nhanh hoặc chậm
  • Đau ngực, có thể là biểu hiện của bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc phổi, đau thắt ngực hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim. Đối với phụ nữ có con muộn, khi càng lớn tuổi thì các có tỷ lệ cao hơn các yếu tố nguy cơ tim mạch
  • Ho ra máu, có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh hẹp van hai lá tiềm ẩn mặc dù bệnh van tim hậu thấp ngày các ít phổ biến ở các nước phát triển
Bệnh tim mạch trong thai kỳ
Đối với phụ nữ có con muộn, khi càng lớn tuổi thì các có tỷ lệ cao hơn các yếu tố nguy cơ tim mạch

3. Trường hợp nào cần tiêm phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trong lúc chuyển dạ và sinh?

Cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cho phụ nữ sinh bằng đường âm đạo và có viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước đó, có van nhân tạo, có bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật trong vòng 6 tháng hay sau 6 tháng nhưng còn luồng thông tồn lưu, phẫu thuật tạo luồng thông hoặc dụng cụ nối giữa tuần hoàn chủ phổi, sau ghép van tim. Theo hướng dẫn của hội tim mạch hoa kỳ trong sinh mổ, không có chỉ định phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng mặc dù trên thực tế vẫn thường xuyên thực hiện.

>>> Siêu âm tim trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

4. Các cận lâm sàng nào thai phụ có thể thực hiện được và an toàn?

  • Điện tâm đồ và siêu âm tim là an toàn.
  • X-quang phổi có thể thực hiện với sự che chắn kĩ vùng chậu.
  • Trắc nghiệm gắng sức với mức gắng sức thấp đến 70 % tần số tim tối đa của sản phụ là an toàn, nguy cơ thấp trên chậm tim thai hoặc thai suy sụp.
  • Siêu âm tim qua đường thực quản có thể thực hiện được với phương thức an thần thích hợp và theo dõi sát nếu đã cân nhắc đến lợi ích và nguy cơ.
  • Thông tim, nong van bằng bóng, nong mạch máu, thủ thuật can thiệp qua da là các trắc nghiệm và phương pháp điều trị xâm nhập có thể an toàn đối với sản phụ và thai nhi nếu được che chắn vùng chậu tốt.
  • Chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ đối với phụ nữ có thai.

5. Trong quá trình mang thai, bệnh van tim nào của thai phụ là nguy cơ cao nhất?

Hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi mức độ trung bình đến nặng dung nạp kém trong thai kỳ. Bệnh nhân nên được thảo luận về vấn đề xem xét nong van hay thay van tim trước khi có thai. Nếu bệnh nhân trỡ nặng, các quá trình này có thể thực hiện trong thai kỳ với nguy cơ cao. Tăng áp phổi cũng là một nguy cơ cao với thai kỳ.

6. Sử dụng thuốc kháng đông như thế nào trong thai kỳ?

Thuốc chống đông Warfarin là chống chỉ định trong tam cá nguyệt đầu và cuối thai kỳ. Theo khuyến cáo của hội bác sĩ lồng ngực hoa kỳ phác đồ dùng thuốc kháng đông khuyến cáo như sau:

  • Khởi đầu chỉnh liều heparin không phân đoạn (UFH) mỗi 12 giờ đến khi đạt được aPTT từ 2 đến 3 so với bình thường
  • Khởi đầu chỉnh liều heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) dùng hai lần trong ngày để đạt mức độ kháng yếu tố Xa từ 0.7 đến 1.2 U/ml
  • Heparin không phân đoạn (UFH) hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp dùng ddeend tuần thứ 13 của thai kỳ, sau đó chuyển sang dùng Warfarin đến giữa tam cá nguyệt thứ 3, tiếp đến quay lại dùng UFH hoặc LMWH. Thuốc kháng đông uống cần điều trị lâu dài sau khi sinh đúng với chế độ điều trị, nên dùng cùng một thời điểm vào buổi chiều. Liều thấp aspirin được dùng kèm không bắt buộc cho các thai phụ có nguy cơ cao với van cơ học. Người mẹ đang dùng warfarin có thể cho con bú.

7. Các bệnh tim bẩm sinh dung nạp thế nào trong thai kỳ?

Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông phải trái (bệnh tim bẩm sinh có tím) thường dung nạp kém trong thai kỳ. Phụ nữ bị tứ chứng fallot nên được chữa trị trước khi dự định có thai. Vì sự giảm kháng lực mạch máu hệ thống nên luồng thông phải trái trở nên xấu hơn trong thai kỳ. Những phụ nữ có hội chứng Eisenmenger có nguy cơ tử vong mẹ từ 30-50% trong thai kỳ. Vì vậy những phụ nữ có nguy cơ cao này cần được thảo luận các biện pháp tránh thai hoặc chấm dứt thai kỳ.

Có nhiều dữ liệu về các phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh đã sửa chữa hoàn toàn có thể sống đến tuổi trưởng thành và sinh ẻ được, họ được khuyến cáo siêu âm tim thai. Siêu âm tim thai có khả năng xác định các bất thường của tim thai nhi trước sinh dẫn đến chấm dứt thai kỳ chọn lọc, do đó tỷ lệ bệnh tim bẩm sinh giảm.

Bệnh tim mạch trong thai kỳ
Siêu âm tim giúp xác định các bất thường của tim thai nhi trước sinh

8. Thuốc tim mạch thường dùng nào nên tránh trong thai kỳ?

  • Phụ nữ cần được khuyến cáo về warfarin và statin là các thuốc hiện chưa được sử dụng trong thai kỳ.
  • Ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, atenolol và amiodarone được xếp nhóm D.
  • Heparin không phân đoạn và heparin trọng lượng phân tử thấp nên được thay thế warfarin trong một vài giai đoạn của thai kỳ như trên.
  • Hydralazin và nitrat dùng thay thế ức chế men chuyển/ ức chế thụ thể ở bệnh nhân suy tim.
  • Ức chế men chuyển có thể sử dụng ở phụ nữ cho con bú.
  • Metoprolol, propranolol hay labetalol nên sử dụng hay cho atenolol.

Đối với những bệnh nhân bị tim mạch khi mang thai, việc khám thai định kỳ là điều vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và quá trình phát triển của thai nhi. Hiện nay, Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City là phòng khám chuyên sâu về tim mạch được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2019 với những thiết bị và công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, người bệnh bị tim mạch khi mang hoàn toàn có thể tin tưởng vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và phác đồ điều trị tại đây. Ngoài ra, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec còn cung cấp Gói thai sản trọn gói chăm sóc thai phụ và bé từ khi mang thai đến khi chuyển dạ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

355 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan