Chăm sóc sản phụ trong 3 giai đoạn chuyển dạ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Giai đoạn chuyển dạ là quá trình diễn tiến của nhiều hiện tượng, quan trọng nhất là những cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở dần và kết quả là thai và nhau được sổ ra ngoài. Chăm sóc sản phụ chuyển dạ đóng vai trò quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạnh của sản phụ và trẻ sơ sinh.

1. Các giai đoạn chuyển dạ

Giai đoạn 1: Xóa mở cổ tử cung tính từ khi có chuyển dạ thật sự đến khi cổ tử cung mở trọn: thời gian trung bình là 15 giờ.

  • Giai đoạn tiềm thời: 8 giờ.
  • Giai đoạn hoạt động: 7 giờ.

Giai đoạn 2: Sổ thai từ khi cổ tử cung mở trọn cho đến khi thai sổ ra ngoài.

  • Con so: 30 phút – 2 giờ, trung bình 50 phút.
  • Con rạ: 15 phút – 1 giờ, trung bình 20 phút.

Giai đoạn 3: Sổ nhau từ sau khi sổ thai đến khi nhau sổ ra ngoài trung bình 5-30 phút.

Thế nào là chuyển dạ kéo dài?
Chuyển dạ thông qua 3 giai đoạn

2. Chăm sóc sản phụ chuyển dạ

2.1. Giai đoạn 1

  • Khám toàn thân, đo dấu hiệu sinh tồn: đo chiều cao, cân nặng thai phụ, mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, lượng nước tiểu/4 giờ, trong trường hợp sản phụ có bệnh lý cần theo dõi sát mạch, huyết áp, lưu thông tiểu nếu tiền sản giật, sản giật, theo dõi nhiệt độ 30 phút/ lần, 1h/ lần tùy theo tình trạng sản phụ.
  • Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng: huyết đồ, nhóm máu, tổng phân tích nước tiểu, nếu sản phụ chưa làm xét nghiệm HIV trong thai kỳ thì cần làm xét nghiệm nhanh HIV, nếu kết quả xét nghiệm nhanh dương tính cần cho sản phụ thuốc điều trị HIV nhanh để giảm nguy cơ lây nhiễm cho con trong khi chờ xét nghiệm xác định.
  • Khám và theo dõi cơn co tử cung.

Tính chất: gồm có thời gian cơn co tử cung, thời gian nghỉ, cường độ cơn co tử cung, trương lực cơ cơ bản.

Cơn co tử cung:

  • Nếu cơn co cường tính phải tìm nguyên nhân: nguyên nhân cơ học (bất đối đầu chậu, ngôi bất thường) → mổ lấy thai, nếu không phải do nguyên nhân cơ học → cho thuốc giảm co.
  • Nếu cơn co yếu hoặc thưa: cho tăng co bằng oxytocin.

Tim thai:

  • Nên theo dõi tim thai và cơn co bằng monitoring cho những thai kỳ có nguy cơ cao. Nếu theo dõi monitoring nên đo trong 30 phút ở giai đoạn 1 và 15 phút trong giai đoạn 2.
  • Nơi nghe: tùy vị trí ngôi thai. Bình thường tim thai dao động trong khoảng 120-160 lần/phút, đều rõ. Bất thường: dưới 120 lần/phút, nhanh hơn 160 lần/phút, hoặc tim thai không đều, nghe xa xăm.
  • Tim thai < 120 lần/phút khi đầu lọt là do đầu thai nhi bị chèn gây kích thích dây thần kinh X → tim thai chậm → cho mẹ nằm nghiêng trái để tránh tử cung đè tĩnh mạch chủ dưới.
  • Khám âm đạo: số lần khám âm đạo có liên quan đến tỷ lệ nhiễm trùng, đặc biệt trong trường hợp ối vỡ. Không có quy định chuẩn cho số lần khám âm đạo, thông thường khám lúc thai phụ nhập viện, 4 giờ một lần trong thời kỳ tiềm thời và một giờ một lần trong thời kỳ hoạt động, trước khi cho giảm đau, khi thai phụ muốn rặn và khi tim thai bất thường.

Ngôi thai:

  • Xác định ngôi: dựa vào điểm mốc của ngôi thai.
  • Xác định kiểu thế: tương xứng giữa mốc ngôi thai so với điểm mốc của khung chậu mẹ.

Độ lọt:

  • Con so lọt vào tháng cuối thai kỳ, con rạ lọt khi có chuyển dạ.

Tình trạng ối:

  • Khám sau khi ối vỡ tự nhiên xem có sa dây rốn không. Đầu ối thành lập do có cơn co tử cung.

Vệ sinh và ăn uống:

  • Vệ sinh âm hộ và tầng sinh môn: tránh nước vào lỗ âm đạo, không nên đặt thông tiểu nhưng khuyến khích thai phụ đi tiểu thường xuyên để làm trống bàng quang.
  • Không nên ăn uống trong giai đoạn chuyển dạ hoạt động và sổ thai vì thức ăn không hấp thu được và sản phụ có nguy cơ nôn mửa, viêm phổi hít phải khi mổ lấy thai cấp cứu.
Monitor cơn gò
Kiếm tra và theo dõi cơn chuyển dạ, tim thai bằng máy monitoring

2.2. Giai đoạn 2: Sổ thai

Giai đoạn này được tính từ lúc cổ tử cung mở trọn đến khi thai sổ hoàn toàn ra ngoài. Đây là kết quả của áp suất trong buồng tử cung tăng lên trong mỗi cơn gò cùng với động tác rặn sinh có hiệu quả của sản phụ. Các yếu tố quyết định có sinh theo đường âm đạo được hay không dựa vào:

  • Cơn co: Cường độ và tần số của cơn co
  • Thai nhi: gồm có kích thước, ngôi và độ lọt của thai.
  • Khung chậu của mẹ, sức rặn của mẹ

Trong giai đoạn này tim thai nên theo dõi 5 phút một lần. cơn co có thể 1 phút 30 giây và thời gian nghỉ không quá 1 phút.

  • Xác định kiểu thế và độ lọt của ngôi thai.
  • Hướng dẫn sản phụ rặn khi cơn co tử cung mở trọn.
  • Đỡ sinh: Lấy máu cuống rốn làm một số xét nghiệm như nhóm máu, Rh,... hay để gửi vào ngân hàng máu cuống rốn.

2.3. Giai đoạn 3: Sổ nhau

Giai đoạn này được tính từ lúc thai nhi được cho đến khi phần phụ cũng được sổ hoàn toàn ra ngoài. Trong giai đoạn này, gồm có phần bong nhau và phần tống suất nhau.

Kiểm tra màng nhau:

  • Xem màng nhau đủ không: lỗ rách tròn đều, nếu lỗ rách màng nhau màng nhau nham nhở coi chừng màng nhau thiếu.
  • Có bánh nhau phụ không: xem mạch máu từ dây rốn chấm dứt ở mép nhau nếu mạch máu chạy ra tới màng nhau là có bánh nhau phụ.
  • Đo khoảng cách từ lỗ rách của màng nhau đến mép nhau nếu dưới 10 cm là nhau bám thấp.

Kiểm tra nhau:

  • Xem nhau có đủ không.
  • Có máu tụ sau nhau không.
  • Mức độ vôi hóa bánh nhau.
  • Cân nặng và đo đường kính bánh nhau.

Kiểm tra dây rốn:

  • Vị trí bám của dây rốn ở bánh nhau: trung tâm bánh nhau, bám màng, bám mép nhau.
  • Đường kính dây rốn, chiều dài dây rốn. Dây rốn có bị thắt nút, các mạch máu của dây rốn.
Sổ rau, sổ nhau chuyển dạ giai đoạn 3
Giai đoạn 3 - Giai đoạn sổ nhau thai

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan