Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sau mổ lấy thai

Phẫu thuật lấy thai thường được chỉ định trong trường hợp sản phụ gặp vấn đề về sức khỏe và nguy hiểm nếu sinh thường bằng đường âm đạo. Để giúp ca vượt cạn thành công, an toàn và “mẹ tròn con vuông” thì việc chăm sóc sơ sinh thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai là rất cần thiết.

1. Chỉ định mổ lấy thai khi nào?

Mổ lấy thai là cuộc phẫu thuật lâm sàng trong sản khoa để giúp đưa thai nhi, nhau và màng ối của sản phụ ra bên ngoài qua một vết mổ ở thành tử cung, khi người mẹ không thể sinh thường bằng đường âm đạo.

Thông thường, sản phụ đến ngày sinh nở sẽ được khuyên nên đẻ thường để tốt cho cả mẹ và thai nhi, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai khi tiên lượng được những khó khăn và nguy cơ mà sản phụ sẽ gặp phải nếu sinh thường bằng đường âm đạo, cụ thể:

  • Ngôi thai không thuận (ngôi vai ở người chửa con so)
  • Rau tiền đạo trung tâm
  • Sản phụ lớn tuổi mang thai con so
  • Xương chậu hẹp, dị hình hoặc thai nhi quá lớn
  • Mang đa thai
  • Tử cung có dấu hiệu vỡ, cơn co thắt tử cung yếu
  • Xuất huyết nhiều trước khi sinh
  • Thai phụ mắc hội chứng cao huyết áp nặng và vừa
  • Thai phụ bị bệnh tim khi mang thai
  • Có tiền sử khó đẻ
  • Có tiền lệ về phẫu thuật
  • Thai nhi bị ngạt trong tử cung, suy thai
  • Dây rốn bị đứt sớm
  • Tim thai không tốt
Đa thai
Sản phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai nếu mang đa thai

2. Lợi ích của chăm sóc sơ sinh thiết yếu sau mổ lấy thai

Để giúp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con thì sau khi tiến hành mổ lấy thai, việc chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai là rất quan trọng, yêu cầu cần thiết theo quy định của Bộ Y tế.

Việc xử trí can thiệp và chăm sóc sơ sinh thiết yếu trong và ngay sau khi sinh không chỉ có cơ sở lý thuyết và thực tiễn cũng đã chứng minh lợi ích của nó gồm, cho trẻ được tiếp xúc da kề da với người mẹ, kẹp và cắt dây rốn của trẻ muộn, xử trí tích cực giai đoạn 3 của sự chuyển dạ và cho trẻ bú mẹ sớm.

Cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh

Trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai thì bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là cho trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh, trẻ sơ sinh khi được tiếp xúc da kề da với mẹ sẽ gia tăng sự tương tác giữa mẹ và con, giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt và biết tìm vú sớm, khả năng bú mẹ nhờ đó sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, tâm lý của người mẹ khi được ở gần con cũng sẽ giúp vơi bớt nỗi lo lắng và đau đớn trong quá trình vượt cạn. Đặc biệt, trẻ khi được tiếp xúc da kề da với mẹ sẽ có xu hướng ngoan hơn, ít quấy khóc hơn, điều này đã được thử nghiệm trên nhiều trường hợp.

Kẹp và cắt dây rốn của trẻ muộn

Trong một vài cuốn sách chăm sóc sơ sinh thiết yếu cũng có chỉ ra các nghiên cứu về sinh lý của trẻ sơ sinh được thực hiện bởi các nhà khoa học đã cho thấy, trong những phút đầu tiên sau khi sinh, lượng máu truyền từ bánh nhau sang dây rốn chiếm khoảng 80ml và có thể lên tới 100ml trong vòng 3 phút, do vậy nếu kẹp và cắt dây rốn cho trẻ muộn hơn một chút thì sẽ giúp trẻ có được lượng máu tăng thêm này để cung cấp một lượng chất sắt tương ứng khoảng 40 - 50mg/kg cân nặng của trẻ và ngăn ngừa được tình trạng thiếu máu do thiếu chất sắt trong năm đầu đời.

Bước xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ

Chảy máu sau khi sinh được cho là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ, mặc dù tình trạng này có thể được các bác sĩ tiên lượng trước nhưng thực tế có đến 90% các trường hợp chảy máu vẫn có thể xảy ra trên sản phụ không có nguy cơ nào.

Chính vì thế, để phòng ngừa tình trạng này thì Hiệp hội Sản phụ khoa quốc tế và Hiệp hội Nữ hộ sinh quốc tế ICM đã khuyến cáo xử trí tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ với 3 can thiệp gồm: Kéo dây rốn có kiểm soát, tiêm bắp thịt thuốc oxytocin cho người mẹ ngay sau khi sinh và xoa đáy tử cung của mỗi 15 phút 1 lần ngay sau khi sinh.

Cho trẻ bú mẹ sớm

Việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sớm và ngay sau khi sinh sẽ giúp tăng cường sự miễn dịch cho trẻ và có thể ngăn ngừa tử vong do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu. Với người mẹ, việc cho trẻ bú sữa mẹ sớm cũng sẽ làm tăng khả năng kích thích tuyến yên tăng tiết oxytocin ở giúp tử cung co lại tốt hơn để phòng ngừa tình trạng chảy máu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ sớm là một trong những bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai quan trọng.

Trẻ bú mẹ
Việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sớm và ngay sau khi sinh sẽ giúp tăng cường sự miễn dịch cho trẻ

3. Chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai như nào an toàn

Để thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai được an toàn thì cần phải đảm bảo những yêu cầu cần thiết như: Phải tiến hành tư vấn rõ ràng cho sản phụ, triển khai thực hiện kỹ thuật và theo dõi phát hiện các biến chứng để xử trí kịp thời.

Khi tư vấn cho sản phụ mổ lấy thai, ngoài các nội dung tư vấn chung thì bác sĩ cần giải thích cụ thể những nội dung và quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai bao gồm: Cho trẻ được tiếp xúc da kề da, lợi ích của việc kẹp và cắt dây rốn muộn một thì, hướng dẫn cho người mẹ nhận biết khi trẻ có dấu hiệu đòi ăn sữa...

Khi triển khai can thiệp kỹ thuật cần đảm bảo: Trải một tấm khăn vô khuẩn lên đùi của sản phụ ngay dưới vết mổ vào thời điểm đưa trẻ ra khỏi bụng mẹ, khi đưa trẻ ra khỏi bụng mẹ thì không được cắt dây rốn ngay mà đặt trẻ nằm trên khăn vô khuẩn để lau khô ủ ấm cho trẻ, thông báo ngày, giờ, phút sinh và giới tính của trẻ cho sản phụ biết, sau khi lau khô trẻ và đánh giá toàn trạng chung của trẻ theo thường quy thì ủ ấm cho trẻ bằng một chiếc khăn khác. Người mẹ lúc này sẽ được tiêm thuốc oxytocine 10 đơn vị để giúp cho tử cung co lại tốt hơn.

Tiêm
Người mẹ sẽ được tiêm thuốc oxytocine 10 đơn vị để giúp cho tử cung co lại tốt hơn

Trong trường hợp bình thường, nên thực hiện kẹp và cắt dây rốn muộn một thì, khi dây rốn ngừng đập mới tiến hành kẹp và cắt. Nếu trẻ sơ sinh không thở được hoặc bị nấc thì sau khi lau người khô cho trẻ và kích thích 30 giây trẻ vẫn bị nấc hoặc không thở được thì cần phải kẹp và cắt dây rốn ngay, đồng thời đưa trẻ lên bàn hồi sức để tiến hành hồi sức sơ sinh, khi trẻ đã khóc được, da hồng hào, thở ổn định thì cho trẻ được tiếp xúc da kề da với người mẹ và thực hiện các bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai tiếp theo.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ không còn cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ vì có người thân đồng hành giúp quá trình sinh con luôn mang đến sự an tâm và hạnh phúc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan