Không có kinh thì trứng có rụng không?

Bạn nữ có thể mang thai khi không có kinh nguyệt không? Điều này hoàn toàn có thể, chỉ là không quá phổ biến. Vậy vai trò của kinh nguyệt là gì, cơ chế hoạt động ra sao? Kinh nguyệt và sự rụng trứng có mối tương quan như thế nào?

1. Kinh nguyệt và mang thai

Kinh nguyệt là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tổ chức cơ quan sinh sản của bạn đang nỗ lực vận hành đúng cách. Kinh nguyệt đánh dấu sự kết thúc của một chu kì. Hệ cơ quan sinh sản của nữ giới khá phức tạp, nhưng có thể rút gọn vắn tắt như dưới đây (trong trường hợp bạn nữ có chu kỳ bình thường):

  • Khởi đầu của kinh nguyệt, một số hormone cụ thể thông báo cho buồng trứng đã đến lúc sản sinh trứng. Trứng, hay còn gọi là noãn bào, thu mình trong một nang trứng chứa dịch và chất dinh dưỡng như một quả bóng tí hon.
  • Trong nửa đầu chu kì (từ 12 đến 14 ngày), những hormone được sản xuất ra nhằm kích thích nang và trứng phát triển. Sau quá trình này, trứng đã trưởng thành.
  • Vượt qua nửa chu kỳ (thường xấp xỉ vào khoảng ngày thứ 14), nang trứng vỡ ra và trứng được phóng ra từ buồng trứng, đây chính là sự rụng trứng.
  • Nửa còn lại của chu kì (từ khoảng ngày 15 đến ngày 25), sau khi rụng trứng, hormone progesterone thúc đẩy niêm mạc tử cung - chính là nội mạc - phát triển chuẩn bị cho trứng đã thụ tinh, hay còn gọi là phôi thai. Trong suốt quá trình này, nội mạc dày lên, có các biến đổi về mặt sinh lí để phù hợp với sự phát triển của phôi.

Chuyện xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào việc bạn nữ có quan hệ tình dục trong vòng 5 ngày rụng trứng hay không. Nếu có, tinh trùng sẽ bơi vào chờ sẵn trong cơ quan sinh sản. Tinh trùng có thể tồn tại trong cơ quan sinh sản nữ đến 5 ngày. Quan hệ tình dục vào đúng kỳ rụng trứng, và ngày sau đó, cũng có khả năng thụ thai. Bạn nữ sẽ mang thai khi tinh trùng gặp được và thụ tinh cho trứng.

Nếu được thụ thai, phôi thai sẽ tự vùi mình vào lớp niêm mạc tử cung trong khoảng từ 7 đến 10 ngày sau khi trứng rụng. Quá trình này kích thích cơ thể sản sinh các loại hormone khác nhau chuẩn bị cho thai nghén.

Nếu không thụ thai, nồng độ hormone progesterone giảm xuống, báo hiệu cho cho lớp nội mạc bong tách ra, đây chính là lúc bạn nữ có kinh nguyệt. Với chu kì bình thường, khi nội mạc bong ra, cơ thể bắt đầu sản xuất các hóc môn kích hoạt chu kỳ rụng trứng của tháng tiếp theo. Kinh nguyệt là điểm cuối của một chu kì.

Khi bạn nữ có kinh nguyệt, thường thì họ vừa rụng trứng (nhưng không phải lúc nào cũng vậy) trong 2 tuần qua. Cần rụng trứng thì mới mang thai được. Bạn nữ có chu kỳ đều đặn cũng sẽ thường rụng trứng đều đặn.

2. Rụng trứng nhưng kinh nguyệt không xuất hiện

Nếu bạn nữ không thấy kinh nguyệt, có thể quá trình rụng trứng xảy ra không thường xuyên. Có một số nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn nữ sẽ không đột ngột rụng trứng mà không có kinh trước đó.

Như đã nói trên, kinh nguyệt đánh dấu phần cuối của một chu kì. Nếu rụng trứng xảy ra và bạn nữ không thụ thai, kinh nguyệt sẽ xuất hiện. Nhưng trong trường hợp bạn nữ có chu kì không đều thì sao? Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt có thể đột ngột bắt đầu.

Chúng ta biết đoạn cuối của chu kì là kinh nguyệt, nhưng lại không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy cơ thể bạn nữ đã bước vào chu kỳ. Sự rụng trứng hoàn toàn có thể xảy ra nhưng bạn nữ không nhận thấy. Bạn chỉ biết bạn đã rụng trứng khi bạn có kinh nguyệt, hay bạn nữ có quan hệ tình dục trong lúc “cửa sổ thụ thai” và mang thai. Nhiều lúc bạn nữ do chu kỳ không đều đặn, nên không biết mình đã mang thai, vì kinh không đều nên bạn nữ không nắm được thời điểm chậm kinh.

3. Kinh nguyệt không đều và sự rụng trứng

Có rụng trứng nhưng không có kinh nguyệt hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do sẹo tử cung cũ hoặc do một số loại thuốc nội tiết nhất định.

Cũng có trường hợp ra máu như có kinh nhưng sự rụng trứng không xảy ra, thường là do niêm mạc tử cung trở nên quá dày, không ổn định và tự bong ra. Niêm mạc tử cung dày lên nhưng không rụng trứng khi hóc môn estrogen, vốn được tiết ra trước rụng trứng, tiếp tục được sản sinh ra mà không gặp phải trở ngại nào từ một loại hóc môn sinh dục nữ khác là progesterone, thường có mặt sau rụng trứng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, và nhiều trong số này ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng hay cản trở sự mang thai. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt còn không rõ ràng.

Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến sự rụng trứng và khả năng mang thai gồm:

3.1 Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang PCOS là khi cơ thể người phụ nữ tiết ra quá nhiều androgens – đôi lúc được cho là hóc môn sinh dục nam. Quá nhiều hormone sinh dục nam cản trở trứng trưởng thành phát triển và được phóng ra từ ống dẫn trứng.

>>> Ảnh hưởng của nội tiết tố androgen

Đến 21% phụ nữ gặp phải Hội chứng buồng trứng đa nang, là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh do sự rụng trứng vắng mặt. Hội chứng buồng trứng đa nang có thể do rối loạn di truyền, nhưng tác nhân sinh hoạt, như thừa cân và lối sống thụ động cũng có thể gây ra tình trạng này.

3.2 Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là thời điểm estrogen và progesterone tự nhiên sụt giảm, gây rối loạn rụng trứng và kinh nguyệt trước khi chúng biến mất cùng lúc, báo hiệu thời kỳ mãn kinh. Thông thường tiền mãn kinh kéo dài trong khoảng 4 năm, nhưng thời kì này ở một số phụ nữ có thể dài hơn.

Độ tuổi khởi phát tiền mãn kinh trung bình là 47, trong khi 51 là độ tuổi trung bình của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Tiền mãn kinh kết thúc và mãn kinh bắt đầu – khi người phụ nữ không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng.

Mặc dù vẫn có thể mang thai trong thời kỳ tiền mãn kinh, nhưng hoàn toàn không dễ dàng do trứng được giải phóng già hơn và có thể có ít khả năng thụ thai hơn. Trứng cũng có thể không được giải phóng trong mọi chu kì.

3.3 Bệnh lý tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan hình bướm ngay ở cổ, có chức năng điều hoà nội tiết, trong đó có các hormone tác động đến sự rụng trứng và kinh nguyệt. Một nghiên cứu cho thấy gần 14% bé gái vị thành niên mắc rối loạn chức năng tuyến giáp cũng bị rối loạn kinh nguyệt.

3.4 Cân nặng

Quá thừa hoặc thiếu cân có thể gây phản ứng dây chuyền làm gián đoạn chức năng nội tiết. Từ đó khiến sự rụng trứng biến mất hoặc khi có khi không, kéo theo kinh nguyệt cũng bất thường.

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Sức khỏe phụ nữ BMC, phụ nữ có chỉ số dạng cơ thể thấp hơn 20 hoặc cao hơn 25 có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt cao gấp 1,1 lần những người có BMI từ 20-25.

3.4 Stress

Stress tác động toàn thể đến các chức năng của cơ thể, bao gồm sự rụng trứng. Trong một nghiên cứu về đối tượng là các nhân viên y tế, những người có mức độ căng thẳng về nhận thức cao hơn có khả năng bị bất thường về kinh nguyệt cao hơn so với những người không cảm thấy căng thẳng.

4. Làm sao để mang thai khi kinh nguyệt không đều?

Khi bạn nữ rụng trứng thì sẽ có khả năng mang thai, nhưng nếu kinh nguyệt không đều, khả năng mang thai có thể thấp hơn. Quan trọng nhất là cần quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai đều đặn, tốt nhất là mỗi 2-3 ngày.

Nếu đang gặp phải các vấn đề sức khỏe gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, áp dụng điều trị hợp lý sẽ giúp tăng khả năng mang thai.

Giảm cân hoặc tăng cân an toàn cũng có tác động tốt. Theo Hiệp hội PCOS Awareness, giảm 5-10% thể trọng giúp điều hoà sự rụng trứng ở những phụ nữ bị thừa cân. Bạn nữ có thể tham vấn ý kiến bác sĩ để có chế độ tăng hoặc giảm cân an toàn, như kế hoạch ăn uống, tập luyện, ...

Nếu bạn nữ mắc rối loạn kinh nguyệt do cường giáp hoặc suy giáp, bác sĩ sẽ kê đơn để điều chỉnh hormone tuyến giáp.

5. Rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ?

Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ, tùy thuộc vào tác nhân gây rối loạn. Bạn nữ nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa về các nguy cơ có thể xảy ra.

Phụ nữ mang thai mắc Hội chứng buồng trứng đa nang PCOS gặp nguy cơ cao hơn:

  • Sảy thai
  • Tiểu đường thai kỳ
  • Tiền sản giật – khi huyết áp đột ngột lên cao sau tuần thai thứ 20
  • Sinh non

Phụ nữ mang thai mắc cường giáp nhưng không được điều trị tốt có nguy cơ thai chết lưu, sinh non hoặc em bé bị dị tật bẩm sinh.

Rất nhiều phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, hầu hết là do rụng trứng không đều. Rụng trứng không đều khiến việc mang thai khó khăn hơn, nhưng các bác sĩ có thể giúp tăng khả năng thụ thai bằng cách điều trị bệnh nền gây rối loạn kinh nguyệt và theo dõi quá trình kể từ khi bạn thụ thai, giúp đảm bảo sức khỏe thai kỳ và có những em bé khoẻ mạnh.

6. Nếu bạn nữ muốn mang thai

Các bác sĩ thường khuyến cáo cố gắng mang thai trong vòng 1 năm (hoặc 6 tháng, nếu bạn từ 35 tuổi trở lên) trước khi thăm khám đánh giá khả năng sinh sản. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho các bạn nữ có dấu hiệu hay triệu chứng liên quan đến khả năng sinh sản, bao gồm vô kinh.

Nếu kinh nguyệt không đến, có thể bạn nữ đang phải đối mặt với nguy cơ vô sinh. Hãy đưa cả bạn đời khi kiểm tra cùng, vì có thể nguyên nhân bạn không thể thụ thai không chỉ có một, và vô sinh nam phổ biến hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Phụ thuộc vào nguyên nhân khiến bạn nữ không rụng trứng, và liệu có các vấn đề liên quan đến sinh sản khác hay không, mà phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống, giảm hoặc tăng cân, thay đổi đơn thuốc, bao gồm điều trị nguyên nhân nền.

7. Nếu bạn nữ không muốn mang thai

Trong trường hợp bạn nữ không muốn mang thai, bạn không nên coi kinh nguyệt lúc có lúc không của mình là biện pháp tránh thai, dù bạn đã được chẩn đoán vô sinh trước đó, trừ khi bác sĩ có tư vấn khác.

Như đã nêu trên, phụ thuộc vào nguyên nhân bạn không có kinh nguyệt, bạn vẫn có thể rụng trứng nhưng không có kinh nguyệt để báo hiệu bạn đang có khả năng mang thai. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp tránh thai phù hợp nhất cho bản thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: verywellfamily.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

110.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan