Phục hồi chức năng sau sinh: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Rối loạn chức năng sàn chậu, mất kiểm soát tiết niệu và phân, loãng xương, đau lưng... là những vấn đề thường gặp phải sau sinh. Phục hồi chức năng sau sinh sẽ giúp các sản phụ hồi phục hiệu quả sau thai kỳ, sớm khỏe mạnh, trở lại sinh hoạt bình thường và hạnh phúc bên gia đình.

1. Khi nào bắt đầu phục hồi chức năng cho bà mẹ mới sinh?

Các bà mẹ sau sinh có thể bắt đầu phục hồi chức năng vào bất kỳ lúc nào, kể cả trong thời gian nằm viện. Cụ thể:

  • Đối với sản phụ có triệu chứng cấp tính sau sinh hoặc đẻ thường phức tạp, bác sĩ sản khoa có thể chỉ định phục hồi chức năng ngay. Nếu không thì từ 4 - 6 tuần trở lên sau sinh thường, bác sĩ sản khoa sẽ đề nghị người mẹ bắt đầu phục hồi chức năng.
  • Sản phụ sinh mổ có thể bắt đầu chương trình từ tuần thứ 8 trở lên kể từ khi em bé chào đời.

Đặc biệt, phụ nữ cần liên hệ với đội ngũ phục hồi chức năng sau sinh nếu phát hiện các triệu chứng sau:

  • Đau khung sàn chậu
  • Đau lưng hoặc cổ
  • Đau thần kinh tọa
  • Đau khớp
  • Mệt mỏi nhiều
  • Rối loạn tâm trạng
  • Đau bụng kinh

Ngoài ra, chuyên viên vật lý trị liệu còn hướng dẫn bà mẹ thực hiện các bài tập trong trường hợp:

  • Tiểu không tự chủ, són tiểu khi ho, cười hoặc hắt xì
  • Cảm giác sàn chậu nặng và yếu
  • Rối loạn tiểu hoặc đại tiện
  • Đau hoặc khô âm đạo khi quan hệ
  • Có sẹo
  • Phù mỡ, phình bụng do giãn cơ
  • Đau lưng hoặc khung chậu
  • Mệt mỏi khi chăm sóc bé hoặc làm việc
  • Khó kiểm soát hoặc yếu cơ

Thậm chí dù không có bất kỳ dấu hiệu lạ nào, bà mẹ sau sinh vẫn có thể đến cơ sở y tế để đánh giá chức năng cơ thể, đảm bảo các cơ quan nội tạng hoạt động lại như ban đầu và tối ưu hóa sức lực.

Trường hợp phụ nữ muốn trở lại chơi thể thao cường độ cao, bác sĩ sản khoa sẽ đề nghị bắt đầu sớm chương trình phục hồi chức năng cho bà mẹ mới sinh với nhân viên y tế có kinh nghiệm chuyên môn.

Các bài tập sàn chậu sau sinh sẽ giúp ngăn ngừa tiểu không kiểm soát
Các bà mẹ sau sinh có thể bắt đầu phục hồi chức năng vào bất kỳ lúc nào, kể cả trong thời gian nằm viện

2. Hiệu của của chương trình phục hồi chức năng sau sinh

Trong thai kỳ, khung chậu, bụng và cột sống biến chuyển khá nhanh để thích ứng với thai nhi đang tăng trưởng. Đây chính là nguyên nhân khiến các bà mẹ mới sinh thường có cảm giác đau hoặc không thoải mái vùng lưng, sàn chậu và bụng. Để vượt qua những sự thay đổi này, đồng thời hoàn thành tốt việc chăm sóc bé và gia đình, cũng như chuẩn bị quay lại công sở, phụ nữ mới sinh cần được đội ngũ phục hồi chức năng sau sinh giàu kinh nghiệm hỗ trợ từng bước.

Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ phối hợp cùng nhau để lên chương trình phù hợp nhu cầu và tình trạng sức khỏe cụ thể, bao gồm:

  • Kiểm soát đau dạ con, lưng, cổ hoặc chân
  • Điều chỉnh tư thế, khung chậu và cột sống
  • Xoa bóp, nắn xương bằng thao tác nhẹ nhàng để thăng bằng khung chậu, hài hòa lại hệ thần kinh và nội tiết
  • Tập luyện tăng sức mạnh và kéo giãn cơ sàn chậu, khôi phục lại tư thế, cơ bụng và kiểu thở
  • Phục hồi chức năng bí tiểu sau sinh, kiểm soát đại tiện không tự chủ, đi gấp
  • Hướng dẫn thực hiện các hoạt động hàng ngày cho phụ nữ sau sinh một cách an toàn.

Phục hồi chức năng sau sinh giúp người mới làm mẹ tự tin hơn, hiểu rõ về vùng chậu để trở lại hoạt động thể chất nhanh chóng và an toàn, bao gồm quan hệ tình dục và chơi thể thao. Trong quá trình phục hồi chức năng cho bà mẹ mới sinh, bạn cũng sẽ học cách kiểm soát cơ thể, nhằm phòng ngừa biến chứng thứ phát xảy ra vài tuần hoặc vài tháng kể từ lúc sinh hoạt trở lại. Chương trình này còn ngăn ngừa các biến chứng - như đau cột sống, khung chậu, có thể xuất hiện vài tháng hoặc vài năm sau sinh, giảm nguy cơ són tiểu hoặc sa tử cung vào thời kỳ mãn kinh.

Sau sinh con, sức khỏe của sản phụ cần thời gian để hồi phục
Phục hồi chức năng sau sinh giúp người mới làm mẹ tự tin hơn

3. Các bài tập sau sinh để phục hồi nhanh chóng

Tại khoa sản, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nếu có bất kỳ lo ngại nào. Phải vận động sớm, ra khỏi giường và đi lại để thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa huyết khối. Nhưng nếu vận động sai cách, vận động mạnh không phù hợp sẽ có nguy cơ tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể và chất lượng sống. Ngay sau khi sinh, có thể bắt đầu các bài tập sau:

Tại giường

  • Gập - duỗi cổ chân: Lặp lại động tác 6 nhịp, thực hiện 5 lần/ngày
  • Nhẹ nhàng và chậm rãi co một chân lại, luân phiên đổi chân. Lặp lại động tác 4 nhịp, thực hiện 5 lần/ngày
  • Nâng khung chậu lên nhẹ nhàng để giảm đau lưng. Lặp lại động tác 4 nhịp, thực hiện 5 lần/ngày
  • Chườm túi đá để giảm sưng hoặc đau sàn chậu và trĩ. Tần suất 10 phút mỗi giờ, trong 1 - 2 ngày sau khi sinh
  • Tập kegel ở tư thế nằm, co bóp sàn chậu 3 - 4 lần giúp tuần hoàn máu và chữa lành. Co vào nhẹ nhàng sau đó thả lỏng ra, không cần giữ lâu
  • Siết sàn chậu trước khi ho hoặc hắt hơi. Sản phụ sinh mổ nên dùng tay để đỡ vết mổ bụng.

Lên - xuống giường

  • Cần có nữ hộ sinh hỗ trợ trong lần đầu tiên rời khỏi giường sau sinh, nhằm tránh nguy cơ té ngã và làm tổn hại các vết thương nếu có
  • Áp dụng phương pháp di chuyển từ tư thế nằm nghiêng như khi mang thai để tránh đau cột sống và bụng
  • KHÔNG ngồi thẳng dậy khi đang nằm ngửa.

Ngồi ghế

  • Ngồi trên một chiếc ghế thật thoải mái trong khi cho con bú
  • Tránh ngồi lâu trên nệm tròn hình nhẫn, mặc dù loại gối này giúp sàn chậu bớt khó chịu
  • Nghe các loại nhạc êm dịu để giảm căng thẳng
  • Thư giãn vai và cổ, xoay vòng khớp vai trước - sau vài lần.

Đi vệ sinh

  • Ngồi thoải mái trên bồn vệ sinh, giữ thắt lưng uốn cong khi cúi về phía trước để giảm áp lực cho sàn chậu
  • Chống tay lên đùi, hỗ trợ bụng thư giãn phía trước
  • Dùng ghế kê chân và gập khớp háng để bảo vệ sàn chậu

Thở chậm, không nín thở và tạo áp lực lên sàn chậu. Dùng tay đỡ vết mổ và tầng sinh môn khi cần thiết.

Trong khi tập vận động, bà mẹ phải luôn lắng nghe cơ thể, không kéo căng và âm thầm chịu đựng cơn đau hoặc khó chịu. Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và tập đi tùy theo nhịp ăn ngủ của bé.

Khi nào nên bắt đầu thực hiện các bài tập sàn chậu sau sinh?(Phần 2)
Phục hồi chức năng cho bà mẹ mới sinh là cách để lấy lại vóc dáng

4. Lấy lại vóc dáng sau sinh

Phụ nữ không thể lấy lại vóc dáng ngay tức thì trong thời kỳ hậu sản, nên điều quan trọng là hiểu rõ cách hồi phục đúng, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Bà mẹ sau sinh nên dành thời gian để cơ thể lành lặn và phục hồi, chỉ làm ít công việc trong 3 tuần đầu tiên.

Sau khi phục hồi chức năng cho bà mẹ mới sinh, cách để lấy lại vóc dáng là kết hợp tập luyện với chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu có kế hoạch tham gia các lớp tập có yoga hoặc thể dục (fitness) sau sinh, cần đợi ít nhất một tháng và liên hệ với chuyên gia y tế để được đánh giá đầy đủ trước khi bắt đầu. Tránh bơi lội quá sớm vì có nguy cơ nhiễm trùng.

  • Vận động nhẹ nhàng, công việc nhà tối thiểu, tránh nâng nhấc nặng hoặc đi du lịch.
  • Nhờ chồng hỗ trợ, giữ tư thế đúng cho vợ trong khi tắm và chăm sóc bé.
  • Tránh tập luyện dày đặc dẫn đến kiệt sức. Nên sắp xếp các bài tập vào trong cuộc sống hàng ngày, giúp việc tập luyện trở nên thú vị.
  • Không nên ép buộc cơ thể, chỉ bắt đầu tập đi từ từ và tăng dần thời gian khi cảm thấy thoải mái, kết hợp bài tập co bóp sàn chậu.
  • Có thể bắt đầu với các hoạt động nhẹ như đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội hoặc chạy bộ nhẹ rồi mới tăng dần. Trong năm đầu tiên sau sinh, nên ưu tiên tham gia các hoạt động xã hội hơn là thi đấu hoặc chơi thể thao có tính cạnh tranh.

Khi em bé chào đời, người mẹ sẽ nhìn thấy và cảm nhận được nhiều sự thay đổi của mình, từ cân nặng, vóc dáng, khả năng vận động, tâm trạng đến sức lực. Nếu biết cách vận động, tự đánh giá tiến trình phục hồi và hạn chế đau thì phụ nữ sau sinh sẽ khỏe nhiều hơn. Nhưng việc phục hồi chức năng sau sinh cũng không thể vội vàng, mà sẽ tiến triển từng bước để phụ nữ sớm quay về với nhịp sống năng động và thú vị.

Trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: fvhospital.com, upmc.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan