Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không?

Sinh mổ lần 2 tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sản phụ và em bé. Các rủi ro có thể kể ra liên quan đến quá trình gây mê hồi sức, băng huyết, nhiễm khuẩn cho mẹ và thai, thuyên tắc ối. Chính vì vậy, việc chuẩn bị cho lần sinh mổ thứ 2 cần hết sức thận trọng và thời điểm sinh con cũng cần có sự tư vấn đầy đủ của bác sĩ cho các sản phụ. Vậy sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không?

1. Thời điểm phù hợp để sinh mổ lần 2

Thời điểm sinh mổ trong lần mang thai thứ 2 phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của mẹ và sự trưởng thành của thai nhi.

Thông thường, đối với một người mẹ có sức khỏe tốt, thai nhi phát triển ổn định, thời điểm thích hợp nhất để tiến hành mổ đẻ là khi thai đủ 39 tuần tuổi. Lúc này thai nhi đã đạt được sự trưởng thành đầy đủ về các chức năng hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, đảm bảo cho bé ra đời có thể tự tồn tại độc lập. Sinh mổ lần 2 được tiến hành trước khi có các cơn đau chuyển dạ, vì những cơn co thắt có thể gây ảnh hưởng đến sẹo mổ cũ lần trước, gây nguy cơ vỡ sẹo mổ cũ dẫn đến vỡ tử cung.

Từ tuần thứ 37, bé đã có thể tự thở và sống được ở môi trường bên ngoài, tuy nhiên thai phụ nên sinh con khi đủ 39 tuần vì lúc này các cơ quan của bé mới đạt được sự phát triển đầy đủ và toàn diện. Thai nhi sinh đủ 39 tuần sẽ ít gặp các vấn đề sau sinh hơn những trẻ sinh sớm như suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.

Trong trường hợp sức khỏe mẹ không đảm bảo, mẹ có tiền sử về thai lưu, thai ngoài tử cung, sinh non thì thời điểm an toàn nhất là khi thai đạt 38 tuần tuổi. Ngoài ra, trong các trường hợp có những bất thường về phía con như con to, đa ối, thiểu ối thì cũng cần cân nhắc sinh mổ lần 2 sớm hơn bình thường để đảm bảo an toàn cho sản phụ và em bé.

Khi thăm khám thai, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra đầy đủ tình trạng sức khỏe của mẹ như tình trạng đau bụng, độ chắc của sẹo mổ cũ, tình trạng xóa mở của cổ tử cung cũng như đánh giá sự trưởng thành của em bé. Các kết quả bao gồm nhịp tim thai, cân nặng, tình trạng nhau ối đều là những dữ kiện quan trọng để quyết định thời gian mổ lấy thai lần 2. Nếu có bất thường về sức khỏe thai nhi hay của mẹ, bác sĩ sẽ lập tức chỉ định sinh mổ lần 2 để giảm thiểu nguy cơ cho cả mẹ và bé.

2. Những bất thường các mẹ cần chú ý khi sinh mổ lần 2.

Các sản phụ khi sinh mổ lần 2 cần đặc biệt chú ý đến những thay đổi của bản thân và thai nhi, cần nhập viện ngay khi có những bất thường sau.

Đau bụng từng cơn và liên tục

Đối với các sản phụ sinh thường, những cơn đau là dấu hiệu của một cuộc chuyển dạ sắp bắt đầu. Tuy nhiên đối với các sản phụ sinh mổ lần 2, những cơn đau từng cơn và liên tục, đặc biệt là tại vị trí vết mổ cũ có thể là dấu hiệu của một tình trạng dọa nứt vết mổ cũ. Đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm dọa vỡ tử cung, dẫn đến sốc cho mẹ và tử vong cho thai nhi.

Ra máu âm đạo bất thường

Ra máu âm đạo bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ đều cần sự can thiệp kịp thời của bác sĩ. Các bà mẹ mang thai có thể ra máu trong những giai đoạn sớm của quý I và có thể là gợi ý của tình trạng dọa sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Đối với trường hợp ra máu âm đạo vào những tháng cuối thai kỳ có thể gợi ý những bất thường về nhau như nhau tiền đạo, nhau bong non hoặc dọa sinh non.

Ra nước âm đạo bất thường

Khi phát hiện dịch âm đạo tiết nhiều hơn bình thường, rỉ rả hoặc ồ ạt, nhớt và có mùi tanh nồng thì các thai phụ cần nhập viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu bất thường về ối như rỉ ối, vỡ ối sớm, vỡ ối non.

Các thai phụ trong trường hợp này có nguy cơ sa dây rốn, sinh non, dọa sinh non hoặc nhiễm trùng ối.

Thai nhi giảm cử động hoặc cử động bất thường

Bình thường thai phụ có thể cảm nhận thai máy bắt đầu từ tuần thứ 16 và càng vào những tuần cuối thai kỳ hiện tượng này càng rõ hơn. Đây được xem như tín hiệu gửi đi cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường trong tử cung.

Các mẹ cần theo dõi cử động hàng ngày của con, đấm, đá, xoay, cuộn trong 1 giờ liên tục, cũng như thời gian để thai có được 10 cử động và ghi lại hàng ngày. Nếu phát hiện thai giảm cử động, số cử động thai dưới 10 trong vòng 2 giờ là dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay.

Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe của mẹ cũng cần phải chú ý như sốt cao trên 38 độ, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ và sản phụ phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Thời điểm an toàn để mang thai và sinh mổ lần 2

Theo các chuyên gia, vết mổ trên tử cung ở lần sinh đầu tiên cần thời gian đủ để sẹo lành lại hoàn toàn và thời gian thích hợp được khuyến cáo là ít nhất 2 năm kể từ lần sinh mổ đầu tiên. Thời gian này đủ để giúp sản phụ có thể phục hồi hoàn toàn về sức khỏe và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thai nhi.

Nếu khoảng cách giữa 2 lần sinh là dưới 6 tháng sẽ làm tăng nguy cơ bục vết mổ cũ vì lúc này sẹo chưa liền lại hoàn toàn, cũng như cơ thể mẹ chưa đảm bảo đầy đủ cho lần mang thai tiếp theo, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Việc quyết định mang thai và sinh mổ lần 2 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bởi vì điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy sản phụ cùng gia đình cần được đến bác sĩ tư vấn để lựa chọn thời điểm thích hợp, cũng như có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để có được một thời kỳ mang thai an toàn và sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan