Sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang được chỉ định trong các trường hợp nào?

Sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang là kỹ thuật dùng kim sinh thiết kích thước lớn gắn với máy hút, sử dụng máy X-quang làm hướng dẫn để điều khiển kim vào đúng vị trí nhằm lấy các mảng bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm, phát hiện sớm ung thư vú.

1. Kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang là gì?

Máy chụp X-quang vú số hóa hiện đại có khả năng định vị không gian 3 chiều, giúp quan sát tổn thương vú một cách rõ ràng, chính xác từ các hướng chụp ảnh khác nhau.

  • Các bác sĩ sẽ tiến hành chọn vị trí tổn thương, phần mềm sinh thiết tự động của máy sẽ xác định không gian 3 chiều của vị trí đó, di chuyển rãnh sinh thiết đến vị trí phù hợp sao cho tương ứng với chiều dài của kim sinh thiết;
  • Bác sĩ đặt kim vào rãnh sinh thiết rồi đẩy kim đến hết chiều dài. Khi đó, mũi kim sẽ đến vị trí cần sinh thiết;
  • Vị trí chọc sinh thiết trên da chỉ khoảng 1 - 2mm, hoàn toàn không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh, thậm chí là không để lại sẹo.

2. Chỉ định và chống chỉ định sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang

Kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang được chỉ định thực hiện trong các trường hợp các tổn thương tuyến vú được nghi ngờ là ác tính, nghi ngờ ác tính cao chỉ nhìn thấy được trên Mammography. Cụ thể:

  • Các tổn thương vi vôi hóa nghi ngờ;
  • Các tổn thương bất đối xứng, các tổn thương dạng khối, các vùng tổn thương rối loạn cấu trúc không xác định được trên siêu âm;
  • Nếu có nhiều tổn thương tuyến vú nghi ngờ ác tính thì cần sinh thiết toàn bộ các vị trí tổn thương nghi ngờ để chẩn đoán đầy đủ tổn thương, giúp ích cho việc điều trị.

Chống chỉ định thực hiện sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang trong các trường hợp:

  • Người bị rối loạn đông máu;
  • Người mắc các bệnh lý nặng toàn thân như: suy tim, suy thận, suy hô hấp;
  • Người bệnh có viêm nhiễm nông tại chỗ;
  • Người bị dị ứng với thuốc gây tê;
  • Người quá lo lắng và không hợp tác.
Tổn thương tuyến vú
Chống chỉ định thực hiện sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang trong trường hợp người đó bị suy tim

3. Thiết bị thực hiện sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang

Các dụng cụ cần thiết bao gồm:

  • Máy chụp X-quang tuyến vú: Dùng để xác định vị trí tổn thương;
  • Hệ thống sinh thiết dưới X-quang, được chia làm 2 loại:
    • Bàn sinh thiết cho bệnh nhân nằm sấp: Hệ thống máy chụp X-quang và sinh thiết nằm ở dưới bàn. Trường hợp này giúp cố định bệnh nhân tốt, giảm nguy cơ bị các phản ứng thần kinh phế vị trong quá trình sinh thiết nhưng giá thành lại cao, phòng sinh thiết cần phải rộng rãi;
    • Hệ thống sinh thiết cho bệnh nhân ở tư thế ngồi, nghiêng, nửa nằm nửa ngồi: Trường hợp này giúp tiếp cận vị trí tổn thương dễ dàng và linh hoạt hơn. Chi phí rẻ và cũng không yêu cầu không gian rộng như trường hợp bệnh nhân ở tư thế nằm sấp nhưng lại có nhược điểm là dễ xảy ra phản xạ thần kinh phế vị trong quá trình sinh thiết.

4. Quy trình thực hiện sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang

Kim sinh thiết sẽ tiếp cận vị trí được cho là có thể nhìn thấy rõ tổn thương nhất và khoảng cách từ da đến vùng tổn thương là ngắn nhất. Bệnh nhân sẽ được ép vú ở tư thế thẳng CC hoặc tư thế nghiêng ML. Vùng tổn thương cần sinh thiết nằm trong cửa sổ sinh thiết.

Phim chụp đầu tiên sẽ định vị vị trí tổn thương theo trục x, y. Phim chụp ở tư thế -15 độ và +15 độ. Tư thế nghiêng sẽ giúp xác định độ sâu của tổn thương. Dựa theo các thông số thu được, bác sĩ sẽ nắm được bề dày của nhu mô tuyến vú và vị trí tiếp cận của kim, tránh trường hợp đầu kim tiếp xúc với detector của máy X-quang. Khoảng cách phù hợp là lớn hơn hoặc bằng 4mm tính từ đầu kim đến bề mặt bên đối diện của vú.

Trong quá trình sinh thiết vú, kim sinh thiết sẽ giữ nguyên ở vị trí bên trong tổn thương. Các mẫu bệnh phẩm được lấy ra sẽ chuyển đến khay đựng ở phía sau kim. Tùy thuộc vào kích cỡ của kim sẽ có số mẫu bệnh phẩm lấy ra tương ứng. Ví dụ, với kim 10 - 11G thường lấy 12 mẫu, kim 7 - 9G cần lấy 4 mẫu...

Thông thường, các mẫu bệnh phẩm được lấy ra bằng cách kim sinh thiết quay một vòng 360 độ. Tuy nhiên, lấy mẫu bệnh phẩm ở một vùng của tổn thương có thể đưa phần máng kim sinh thiết đến trực tiếp vùng cần lấy bệnh phẩm. Nếu tổn thương đích có vôi hóa thì cần phải chụp kiểm tra mảng bệnh phẩm sau khi đã sinh thiết nhằm đảm bảo sinh thiết đúng vùng tổn thương đích ban đầu.

Trong hầu hết các trường hợp, người ta sẽ đặt một dụng cụ đánh dấu vào vị trí vùng mô vừa sinh thiết để xác định vị trí tổn thương và theo dõi tổn thương sau này. Nếu sinh thiết nhiều vùng khác nhau thì sẽ dùng các loại dụng cụ đánh dấu khác nhau để phân biệt như dụng cụ đánh dấu hình chấm, dụng cụ đánh dấu hình oval hoặc hình ruy băng...

Ngày nay, có rất nhiều dụng cụ đánh dấu được làm bằng Titanium có khả năng tương hợp với chụp cộng hưởng từ. Nhiều nơi còn dụng dụng cụ đánh dấu bằng thép không gỉ.

Sau khi tiến hành sinh thiết, bác sĩ sẽ đè ép vùng sinh thiết trong khoảng 5 phút để cầm máu. Vị trí rạch trên da sẽ được dán băng dính để đóng lại. Bệnh nhân sẽ được tiến hành chụp X-quang ở cả 2 tư thế để đánh giá lại chính xác vị trí vừa lấy mẫu và vị trí của dụng cụ đánh dấu.

5. Một số vấn đề thường gặp khi sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang

Một số bệnh nhân có tuyến vú nhỏ, sau khi sinh thiết, đè ép vú, độ dày của nhu mô vú có thể không đủ lớn để kim sinh thiết di chuyển đến vị trí tổn thương đích mà không đâm xuyên hoàn toàn qua vú, chạm vào detector. Khi đó, có thể áp dụng một số phương pháp như:

  • Thay đổi hướng tiếp cận vị trí tổn thương đích;
  • Tiêm thêm một lượng nước muối hoặc thuốc tê vào mô tuyến vú nhằm tăng độ dày của nhu mô tuyến vú;
  • Giữ máng kim thẳng ở vị trí đầu gần tổn thương đích;
  • Dùng đệm cho vú. Dùng gạc, hoặc dải băng để làm nhu mô tuyến vú dày lên, giúp kim sinh thiết đi vào dễ dàng và an toàn;
  • Áp dụng kỹ thuật lỗ khí air-gap technique. Đặt một bàn ép thứ hai giữa phần xa của detector và vú, phần của sổ sinh thiết nằm trên một đường thẳng giữa tổn thương và hai bàn ép.

Với các tổn thương ở vị trí cao sát đuôi nách hoặc gần thành ngực khó sinh thiết dưới X-quang ở tư thế nằm sấp thì có thể để bệnh nhân xoay về phía lỗ của bàn sinh và và để tay, vai qua vị trí mở, giúp bộc lộ được phần nhu mô tuyến vú ở phía sau và phía nách, sinh thiết dễ dàng hơn.

Những tổn thương ở gần thành ngực hoặc ở vị trí cao sát đuôi nách có thể khó sinh thiết dưới X-quang ở tư thế nằm sấp. Trong trường hợp này có thể xoay bệnh nhân về phía lỗ của bàn sinh thiết và để tay và vai qua vị trí mở, như vậy có thể bộc lộ được phần nhu mô tuyến vú ở phía sau và phía nách để sinh thiết.

6. Vì sao nên sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang tại Vinmec?

Tổn thương tuyến vú
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang vô cùng hiệu quả và linh hoạt

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng kỹ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn X-quang vô cùng hiệu quả và linh hoạt, giúp chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vú với tính chính xác cao. Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vú, bệnh nhân nên đến khám tại Vinmec để được thực hiện các phương pháp chẩn đoán tiên tiến, hiệu quả nhất theo chỉ định của bác sĩ, tiêu biểu như sinh thiết vú.

Kỹ thuật này tại Vinmec được tiến hành theo quy trình chuẩn, bài bản, từ khâu khám, chuẩn bị sinh thiết tới khâu thực hiện sinh thiết và theo dõi, xử lý tai biến sau sinh thiết. Bệnh nhân sẽ được chăm sóc toàn diện với tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc cao nhất của đội ngũ y bác sĩ tại Vinmec. Hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến hàng đầu hỗ trợ tối đa cho quá trình chẩn đoán bệnh, mang lại kết quả chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan