Sự thay đổi của bà bầu tuần 24

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Kể từ tháng này trở đi, bà bầu tuần 24 dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 450 gr mỗi tuần. Bố đã có thể nghe được nhịp tim của con bằng cách áp tai vào bụng vợ. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ cho phụ nữ mang thai tuần 24 - 28.

1. Mang thai tuần thứ 24 có gì đặc biệt?

Với kích cỡ tương đương một quả lựu, thai nhi hiện tại nặng khoảng 0,68 kg và dài gần 22 cm. Nếu không may bà bầu tuần thứ 24 phải sinh non trong giai đoạn này, rất có thể bé sẽ được cứu sống với sự trợ giúp của máy thở và chăm sóc tích cực từ bệnh viện chuyên khoa.

Làn da nhăn nheo của thai nhi trong những tuần qua đang được mờ dần và đầy đặn hơn do mỡ tích tụ bên dưới. Khi mẹ mang thai tuần 24, bé đang bắt đầu:

  • Tạo ra các tế bào bạch cầu giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng;
  • Có thể phản ứng với lực tác động hoặc âm thanh từ bên ngoài của bố mẹ
  • Hình thành móng tay.
Bà bầu tuần 24
Thai nhi tuần 24

2. Triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 24

Khi bụng bà bầu tuần 24 ngày càng căng, các vết rạn cũng xuất hiện nhiều hơn nhưng sẽ mờ dần sau khi sinh. Phụ nữ mang thai tuần 24 có thể bị nấc cụt khá thường xuyên, rốn nhô ra, hoặc sưng phù, chuột rút, kèm theo đó là một số thay đổi khác như:

  • Giảm ham muốn tình dục

Khi mang thai, mọi thứ trên cơ thể phụ nữ hầu như đều tăng trưởng lớn hơn ngoại trừ ham muốn tình dục. Chiếc bụng ngày càng to ra khiến bà bầu tuần 24 có thể cảm thấy mệt mỏi và đau đớn khi quan hệ. Nhu cầu của cơ thể tập trung vào chuyện ăn uống, nghỉ ngơi hơn là gần gũi vợ chồng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng ham muốn tình dục sẽ trở lại mạnh mẽ vào tam cá nguyệt thứ ba. Do đó, cả hai vợ chồng nên thẳng thắn trao đổi với nhau và tìm ra cách chăm sóc người bạn đời tốt trong suốt thai kỳ.

  • Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome)

Triệu chứng sưng phổ biến khi mang thai khiến chất lỏng tích tụ ở các chi dưới trong cả ngày, sau đó chúng được phân phối cho phần còn lại của cơ thể, bao gồm bàn tay, khi thai phụ nằm xuống. Điều này gây áp lực lên dây thần kinh chạy qua cổ tay và tạo ra cảm giác tê cứng, ngứa ran, đau nhói hoặc âm ỉ ở ngón tay, bàn tay và cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay xuất hiện nhiều ở thai phụ đang làm những công việc đòi hỏi phải có chuyển động tay lặp đi lặp lại như đánh máy, chơi đàn piano... Để cải thiện tình trạng này, bà bầu tuần thứ 24 tránh đè lên tay khi ngủ, không chống tay lên gối vào ban đêm và thực hiện các động tác thư giãn cổ tay thường xuyên trong khi làm việc. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng đai đeo tay chuyên dụng trong trường hợp cơn đau quá dữ dội.

  • Ngứa và mẩn đỏ lòng bàn tay, bàn chân

Nhiều phụ nữ cho rằng triệu chứng này là do dị ứng với loại xà phòng rửa chén đang sử dụng. Trên thực tế, các hormone thai kỳ mới chính là nguyên nhân khiến lòng bàn tay và cả lòng bàn chân bà bầu tuần 24 ửng đỏ, kèm theo ngứa một cách ngẫu nhiên. Mặc dù đây là biểu hiện tương đối bình thường, đặc biệt là khi mang thai tuần 24, phụ nữ cũng cần trình bày với bác sĩ trong những lần khám thai để chắc chắn cơ thể không mắc phải biến chứng ứ mật hiếm gặp. Tình trạng đỏ và ngứa lòng bàn tay/chân sẽ biến mất sau khi sinh, tuy nhiên trong lúc này sản phụ cũng có thể kiểm soát bằng cách tránh để nhiệt độ phòng quá nóng, không tắm lâu với nước nóng hoặc đeo găng tay / vớ quá chật. Ngâm tay và chân trong nước lạnh hoặc chườm túi nước đá vài phút mỗi ngày cũng là gợi ý mà bà bầu tuần 24 có thể tham khảo.

  • Táo bón

Hormone thai kỳ chịu trách nhiệm yêu cầu cơ ruột “thư giãn” để giữ thức ăn trong hệ thống tiêu hóa của mẹ lâu hơn, nhờ đó thai nhi có thời gian hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Song điều này lại kéo theo tác dụng phụ là bà bầu tuần thứ 24 dễ bị táo bón. Uống nhiều nước lọc và nước trái cây sẽ giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn qua hệ thống tiêu hóa, cũng như làm mềm phân để việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn.

  • Đau bụng dưới

Khi mang thai tuần 24, tử cung tiếp tục mở rộng khiến dây chằng cũng ngày càng căng và có thể gây ra một số cơn đau. Mẹ bầu thỉnh thoảng bị đau bụng dưới là điều khá bình thường, nhưng nếu cảm giác khó chịu này đi kèm với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh hoặc chảy máu, thì cần đến ngay bệnh viện sản khoa để được thăm khám và theo dõi.

  • Thị lực suy giảm

Hormone thai kỳ có thể gây giảm sản xuất nước mắt, khiến mắt dễ bị kích ứng, và tăng tích tụ chất lỏng trong mắt làm cho thị lực của bà bầu tuần thứ 24 tạm thời bị thay đổi. Tầm nhìn bị mờ và giảm sút sẽ trở lại bình thường như ban đầu ngay sau khi sinh, do đó phụ nữ không cần phải đi khám mắt và thay đổi một chiếc kính mới trong giai đoạn này.

  • Chứng đau nửa đầu

Biểu hiện của chứng đau nửa đầu có thể là đau đầu kéo dài nhiều ngày, mức độ nghiêm trọng và đôi khi kèm theo buồn nôn hoặc thay đổi thị lực. Ngoài việc trình bày với bác sĩ về triệu chứng trên, bà bầu tuần 24 nên ghi lại nhật ký về những món đã ăn, các nơi đã đến và việc đang làm trước khi xuất hiện cơn đau nửa đầu để xác định được tác nhân gây bệnh và có biện pháp phòng tránh thích hợp.

Bà bầu tuần 24
Khi mang thai tuần 24, mẹ bầu có thể gặp tình trạng đau nửa đầu

3. Lời khuyên cho bà bầu tuần thứ 24

  • Cải thiện giấc ngủ

Kể từ khi mang thai tuần 24 trở đi, việc có được một giấc ngủ ngon trở nên khó khăn hơn với phụ nữ do chiếc bụng ngày càng lớn. Thai phụ có thể thử áp dụng một vài biện pháp khắc phục như ngồi thiền, uống sữa nóng trước khi đi ngủ, tập thể dục nhiều hơn trong ngày hoặc xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ sản khoa.

  • Xét nghiệm đường huyết

Giai đoạn mang thai tuần 24 đến tuần 28 là lúc bác sĩ sẽ cho thai phụ xét nghiệm đường huyết để sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ - một hội chứng tạm thời nhưng cần phải được điều trị. Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến một số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tuy nhiên thừa cân, nhiều mỡ bụng, lớn tuổi hoặc tiền sử gia đình có mắc tiểu đường thai kỳ,... chính là những yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ.

  • Tăng cường bổ sung protein

Protein được hình thành từ các axit amin, đảm nhận vai trò cấu tạo mọi tế bào bên trong cơ thể thai nhi. Đặc biệt, bộ não của bé rất cần loại dưỡng chất này để điều khiển các hoạt động thiết yếu, chẳng hạn như thở, đi lại, nói chuyện và chơi đùa vui vẻ. Khi mang thai, phụ nữ phải được cung cấp khoảng 75 gr protein mỗi ngày. Đây là mức dinh dưỡng rất dễ đạt được, nhất là đối với nhóm người thường xuyên ăn Low-carb. Tuy nhiên nếu theo chế độ ăn chay, bà bầu tuần thứ 24 cần chú ý bổ sung đạm nhiều hơn bình thường.

  • Theo dõi cân nặng

Tỷ lệ cân nặng hợp lý khi mang thai đối với hầu hết phụ nữ là 11 - 16 kg và tăng trung bình 450 gr mỗi tuần, song con số tiêu chuẩn này có thể thay đổi nhẹ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tăng cân quá chậm hoặc không đủ có nguy cơ để lại nhiều hậu quả lớn như sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân và một loạt các biến chứng thai kỳ khác. Bà bầu tuần thứ 24 nên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bác sĩ sản khoa bằng cách khám thai định kỳ đầy đủ, nhằm theo dõi cân nặng và có các biện pháp thích hợp nếu như trọng lượng cơ thể không đạt mục tiêu.

  • Chú ý sức khỏe răng miệng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giữ vệ sinh và đảm bảo sức khỏe răng miệng sẽ giúp kéo dài thai kỳ đến đúng ngày dự sinh hơn. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ viêm nướu. Viêm nướu không được điều trị có thể tiến triển thành viêm nha chu và nhiễm trùng răng, nghiêm trọng hơn là tình trạng này có liên quan đến sinh non và thậm chí tăng nguy cơ tiền sản giật.

Bà bầu tuần 24
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giữ vệ sinh và đảm bảo sức khỏe răng miệng sẽ giúp kéo dài thai kỳ đến đúng ngày dự sinh hơn

Để yên tâm nhất với sức khỏe thai kỳ, bà bầu tuần 24 có thể đăng ký tham gia Chương trình Chăm sóc Thai sản do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec triển khai với mục đích hỗ trợ cùng sản phụ cho đến ngày “Mẹ tròn con vuông”. Chương trình gồm các gói dịch vụ sau:

Đội ngũ y bác sĩ tại Vinmec đều là những người có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực sản khoa; hệ thống cơ sở vật chất hiện đại hỗ trợ tối ưu cho các kỹ thuật thăm khám, sàng lọc; không gian khám bệnh văn minh, sang trọng và dịch vụ chuyên nghiệp - tất cả những ưu thế này đã giúp Vinmec trở thành bệnh viện được giới chuyên môn đánh giá rất cao về chăm sóc thai sản, là lựa chọn của phụ nữ mang thai.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Lý Thị Thanh Nhã đã có quá trình làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay. Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị thai nghén, thai bệnh lý. Khám tầm soát thai kỳ. Thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai. Phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan