Túi trữ sữa có tái sử dụng được không?

Ngoài máy hút sữa, túi trữ sữa là 1 vật dụng khá phổ biến và tiện lợi cho các mẹ bỉm sữa trong việc bảo quản và sử dụng sữa lâu dài hơn. Tuy nhiên, câu hỏi túi trữ sữa có tái sử dụng được không là một vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm. Tìm hiểu các thông tin về túi trữ sữa hay cách sử dụng túi trữ sữa sẽ giúp các mẹ bầu trả lời được câu hỏi này.

1. Túi trữ sữa là gì?

Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp tốt nhất trong việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh, tạo cho bé một khởi đầu tốt nhất trong cuộc đời. Nhưng đôi khi, bà mẹ không thể cho con bú được, ví dụ như bé bú không tốt, bà mẹ hoặc bé đang nằm viện và mẹ không thể ở đó cho bú được, bà mẹ phải đi làm trở lại... Lúc này, giải pháp tốt nhất là vắt và bảo quản bằng các dụng cụ lưu sữa như bình trữ sữa hay túi trữ sữa.

Túi trữ sữa là một túi bảo quản đã được tiệt trùng hoàn toàn trước đó. Túi này dùng để chứa và bảo quản một lượng sữa nhất định sau khi mẹ vắt ra. Túi trữ sữa thường được làm từ nhựa cao cấp, 100% thành phần tự nhiên và đặc biệt không chứa BPA. Do đó, các mẹ bầu có thể yên tâm sử dụng cho bé. Túi thường có khóa zip đóng và mở dễ dàng để bảo quản và đổ ra khi cho bé bú.

2. Công dụng của túi trữ sữa

Một số lợi ích tuyệt vời của việc sử dụng túi trữ sữa bao gồm:

  • An toàn cho trẻ sơ sinh: Túi trữ sữa hầu như được làm từ nhựa cao cấp, nguồn gốc thiên nhiên và không chứa BPA nên rất an toàn cho trẻ sơ sinh.
  • Thao tác hoạt động tiện lợi: Thiết kế khóa zip kéo tiện lợi, mẹ bầu chỉ cần vuốt nhẹ mép túi, miệng túi sẽ dính chặt lại. Khi muốn cho sữa vào bình, chị em chỉ cần tách phần viền, đổ sữa ra và sử dụng.
  • Khi được sử dụng đúng cách, túi trữ sữa có thể bảo đảm tính toàn vẹn dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Đồng thời đảm bảo vấn đề vệ sinh để tránh trẻ gặp phải những vấn đề như tiêu chảy, nôn trớ khi bú, bỏ bú...
  • Túi trữ sữa thường có kích thước nhỏ gọn, tiện lợi và dễ mang theo. Vì vậy, khi đi ra ngoài hay đang đi làm các bà mẹ cũng có thể mang theo bên mình và sẵn sàng cho trẻ ăn sữa bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, túi sẽ không chiếm nhiều dung tích khi bảo quản trong tủ đông hay tủ lạnh.
  • Túi trữ sữa thường có các dung tích cụ thể cho phép mẹ bầu theo dõi lượng sữa mà họ vắt và lượng sữa bé ăn.

3. Túi trữ sữa dùng lại được không?

Không giống như các loại bình trữ sữa có thể tái sử dụng, hầu hết các chuyên gia khuyên rằng các mẹ bầu không nên tái sử dụng các laoij túi trữ sữa vì các lý do sau:

  • Túi trữ sữa được nhà sản xuất tiệt trùng trực tiếp hoàn toàn sau đó sẽ được đóng hộp, khi cần trữ sữa, mẹ chỉ cần vắt ra, cho vào túi và sử dụng khi cần thiết mà không cần vệ sinh hay tiệt trùng thêm, điều này giống như bình trữ sữa. Chính vì thế, khi lấy túi ra khỏi hộp bảo quản để sử dụng, túi trữ sữa sẽ không còn ở trạng thái tiệt trùng như lúc ban đầu. Quá trình cho trẻ ăn sữa sẽ làm tăng nguy cơ túi tiếp xúc với vi trùng từ môi trường bên ngoài, điều này sẽ làm bé bị nhiễm khuẩn ở lần ăn tiếp theo, nếu túi đó được tái sử dụng. Do vậy, các mẹ không nên sử dụng lại túi đã trữ hoặc rã đông trước đó để tiếp tục trữ sữa mẹ cho những lần kế tiếp.
  • Túi trữ sữa hiện nay rất phổ biến và có giá thành rất rẻ khi so với bình trữ sữa, thường chỉ vài nghìn đồng một chiếc túi. Ngoài ra, việc tìm mua các loại túi này rất dễ dàng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho bé, các mẹ bầu không nên tái sử dụng túi trữ sữa.
  • Việc tái sử dụng túi trữ sữa nhiều lần ngoài làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn còn có thể làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa, từ đó việc cho trẻ ăn sữa mẹ sẽ thiếu hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu mục đích của việc tái sử dụng túi trữ sữa không phải là để bảo quản sữa mẹ mà là để đựng những thứ khác, thì lúc này việc tái sử dụng các loại túi này thường được chấp nhận. Bởi vì các loại túi làm bằng chất liệu nhựa bền chắc, chịu lực tốt và chịu nhiệt tốt, các mẹ bầu có thể dùng chiếc túi này để đựng hạt giống cây, cúc áo, một số loại thức ăn...Nhưng hãy nhớ vệ sinh các túi này thật sạch sẽ trước khi dùng bảo quản những vật khác.

4. Cách sử dụng túi trữ sữa

Dưới đây là các bước để giúp các mẹ bỉm sữa sử dụng túi trữ sữa an toàn và đúng cách:

  • Bước 1: Rửa tay sạch trước khi bắt đầu vắt sữa và chuyển sữa vào túi. Chú ý, không thổi vào túi để túi mở rộng trước khi sử dụng, điều này làm ảnh hưởng đến sự tiệt khuẩn của túi.
  • Bước 2: Loại bỏ phần cắt sẵn của túi dọc theo đường chấm vẽ sẵn, mở khóa zip ở phía trên cùng của miệng túi.
  • Bước 3: Cho lượng sữa mẹ cần trữ vào túi và miết phần trên của túi để đẩy không khí thoát hết ra ngoài, sau đó đóng túi bằng cách khóa zip.
  • Bước 4: Viết thời gian, ngày tháng vắt sữa và lượng sữa để tiện sử dụng sau này.
  • Bước 5: Đem bảo quản túi sữa trong tủ lạnh hoặc tủ đông, khi nào trẻ cần ăn sữa thì mới đem ra.

Sữa mẹ ở các điều kiện khác nhau sẽ có thời gian bảo quản khác nhau, cụ thể như:

  • Ở nhiệt độ phòng (nhiệt độ không quá 25oC) có thể bảo quản trong 6 - 8 giờ.
  • Trong tủ lạnh (nhiệt độ 4oC hoặc thấp hơn) có thể bảo quản trong tối đa 72 giờ.
  • Ngăn đá trong tủ lạnh (nhiệt độ -15oC hoặc thấp hơn) có thể bảo quản trong 2 tuần.
  • Ngăn đá riêng (nhiệt độ -18oC hoặc thấp hơn) có thể bảo quản trong 3 tháng.
  • Trong điều kiện đông lạnh sâu với nhiệt độ không đổi -20oC có thể bảo quản lên đến 12 tháng.

Túi trữ sữa là một vật dụng bảo quản sữa hiệu quả và an toàn được các bà mẹ thường xuyên sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo các mẹ bầu không nên sử dụng lại các loại túi trữ sữa vì có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa và đặc biệt là nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan