Cô đơn gây mất ngủ như thế nào?

Giấc ngủ là một quá trình sinh học cơ bản, thiết yếu quyết định sức khỏe và hiệu suất làm việc của con người. Tuy nhiên, hiện đang có từ 10–30% người dân ở các quốc gia phát triển bị mất ngủ kéo dài do các yếu tố bao gồm ánh sáng điện, làm việc theo ca, cuộc cách mạng kỹ thuật số... trái ngược với tỉ lệ 1,5–2,5% được báo cáo ở các nhóm người bản địa sống theo truyền thống ở Châu Phi. Theo đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy sự cô đơn và cô lập xã hội có liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ ở phụ nữ và nam giới lớn tuổi.

1. Cô đơn, cô lập với xã hội

Trong các nghiên cứu đã tiến hành, cô đơn được định nghĩa là một trạng thái cảm xúc phát sinh khi bản thân con người nhận thức được sự khác biệt giữa các mức độ tương tác xã hội, không có sự đồng hành hoặc hỗ trợ tinh thần mong muốn. Trong khi đó, sự cô lập xã hội được định nghĩa bằng cách có ít hoặc không có tương tác xã hội với những người khác. Vì vậy, một người có thể bị cô lập về mặt xã hội nhưng không hề cô đơn và ngược lại.

Cô đơn có liên quan đến việc giảm sức khỏe thể chất, tăng tỷ lệ tử vong, trầm cảm và tỷ lệ uống rượu. Đặc biệt, sự cô lập với xã hội, sống một mình sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự cô đơn và cô lập xã hội đối với các vấn đề về giấc ngủ của người lớn tuổi trong cộng đồng vẫn chưa được hiểu rõ và cũng chưa được nghiên cứu rộng rãi.

2. Cô đơn gây mất ngủ

Các vấn đề về giấc ngủ, sự cô đơn và cô lập với xã hội thường gia tăng theo tuổi tác, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và tinh thần của người lớn tuổi. Tuy nhiên, bằng chứng thực nghiệm về sức khỏe dân số nói chung lại rất ít ỏi.

Các phân tích cắt ngang và dọc được thực hiện trên 140.423 đánh giá từ 95.045 người (phụ nữ chiếm 61,0%) trong cộng đồng sống người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên để thiết lập các mối quan hệ giữa ngủ không đủ giấc, ngủ quá nhiều, cô đơn và sự cô lập xã hội. Theo đó, ngủ không đủ giấc (nữ: 12,4%, nam: 12,7%) được báo cáo phổ biến hơn ngủ quá nhiều (nữ: 4,7%, nam: 7,6%). Nhìn chung, 23,6% phụ nữ và 18,9% nam giới cho biết họ cảm thấy rất cô đơn, trong khi đó có 53,8% phụ nữ và 33,8% nam giới trong nghiên cứu hiện đang sống một mình.

Trong các phân tích, những người cô đơn và bị cô lập về mặt xã hội có nhiều khả năng mất ngủ vì cô đơn, mất ngủ mãn tính. Những người có biểu hiện ngủ quá nhiều lại có nhiều khả năng đang sống với người khác. Cả sự cô đơn và cô lập với xã hội đều góp phần gây ra tình trạng ngủ không đủ giấc, mất ngủ kéo dài. Sự cô đơn, cô lập với xã hội còn có thể ảnh hưởng đến các đặc tính phục hồi của giấc ngủ và cao hơn là các tác động của sự lão hóa. Tóm lại, sự cô đơn dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ, gây ra gián đoạn trên tổng thời gian ngủ hoặc thay đổi cảm giác buồn ngủ ban ngày.

Xem ngay: Sự cô đơn cũng có thể lây nhiễm

cô đơn gây mất ngủ
Cô đơn gây mất ngủ có thể là do cảm giác kém an toàn

3. Vì sao cô đơn gây mất ngủ?

Các nhà nghiên cứu cho rằng giấc ngủ không yên, mất ngủ kéo dài ở những người cô đơn có thể là do cảm giác kém an toàn, vì vậy các tác giả đã kiểm tra đến tác động của việc tiếp xúc với bạo lực trong quá khứ, bao gồm việc phạm tội, bị lạm dụng tình dục, từng lạm dụng trẻ em và có xu hướng bạo lực.

Mối liên hệ giữa sự cô đơn và chất lượng giấc ngủ kém gần như mạnh hơn 70% ở những người từng trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng nhất, điều này phù hợp với gợi ý rằng các vấn đề về giấc ngủ ở những người cô đơn có liên quan đến cảm giác không an toàn.

Điều này được giải thích là do giấc ngủ là trạng thái bản thân con người không thể cảnh giác cho sự an toàn của chính mình. Vì vậy, cảm giác cô đơn một mình, bị cô lập với những người khác có thể khiến chúng ta khó ngủ hơn và thậm chí còn nặng nề hơn nữa đối với những người đã từng bị bạo lực trong quá khứ.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát các yếu tố khác, đặc biệt là trầm cảm có khả năng làm giảm mối liên hệ giữa cô đơn và rối loạn giấc ngủ, có thể thấy mối liên quan này không độc lập với trầm cảm. Tuy nhiên, việc kiểm soát trầm cảm đơn thuần lại không nói lên mối quan hệ qua lại giữa trầm cảm, cô đơn và rối loạn giấc ngủ, cần phải nghiên cứu thêm để xem xét sự cô đơn và rối loạn giấc ngủ xảy ra như thế nào trong bối cảnh bệnh nhân bị trầm cảm và các yếu tố khác, ví dụ như tuổi tác, chủng tộc và giới tính.

Hiện không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy tuổi tác hoặc giới tính góp phần tác động vào mối liên quan giữa sự cô đơn và rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, vẫn có các báo cáo cho thấy khi quá trình lão hóa xảy ra, chất lượng và số lượng giấc ngủ sẽ bị suy giảm liên tục, từ đó gia tăng tỷ lệ mất ngủ. Ngủ không đủ giấc có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác ở người già bao gồm bệnh tật, các vấn đề về hô hấp, sử dụng thuốc, các vấn đề sức khỏe tâm thần (trầm cảm) và lạm dụng chất kích thích. Sự khác biệt về giới tính cũng đã được báo cáo, theo đó chất lượng giấc ngủ chủ quan ở nữ thường kém hơn nam.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov/, nature.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

748 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan