Bị rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Rối loạn tiền đình là bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở người trưởng thành, người lớn tuổi. Rối loạn tiền đình biểu hiện với các triệu chứng choáng váng, chóng mặt, quay cuồng,... có thể gây ra các hậu quả nguy hiểm nếu không được kiểm soát.

1. Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Tiền đình là hệ thống thuộc cấu trúc của tai trong, giúp cơ thể xử lý tác động của trọng lực hay chuyển động. Tiền đình có vai trò duy trì tư thế thăng bằng, phối hợp cử động mắt,... Hệ thống tiền đình bị tổn thương sẽ dẫn đến chứng rối loạn tiền đình.

Các triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn tiền đình là:

  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Mất ngủ
  • Ngất xỉu, mất ý thức
  • Rối loạn chức năng tim, tụt huyết áp
  • Mất thăng bằng

2. Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Về cơ bản, các triệu chứng rối loạn tiền đình không đe dọa tính mạng tức thời, tuy nhiên chúng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm cần được chữa trị sớm. Về lâu dài, nếu bệnh rối loạn tiền đình không được điều trị cũng có thể để lại các hậu quả, biến chứng nguy hiểm.

2.1. Các triệu chứng rối loạn tiền đình là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm

Có hai nhóm nguyên nhân gây chứng rối loạn tiền đình với mức độ nguy hiểm khác nhau:

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: Rối loạn tiền đình ngoại biên xảy ra do tổn thương hệ thống tiền đình của tai trong. Rối loạn tiền đình ngoại biên thường biểu hiện các triệu chứng xây xẩm mặt mày, chóng mặt, khó giữ thăng bằng,... Người bị chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên sẽ cảm thấy như đang di chuyển, xoay tròn, hay cảm thấy căn phòng như đang quay quanh mình. Bệnh nhân cũng có thể gặp các vấn đề liên quan thính giác hay thị lực.
  • Rối loạn tiền đình trung ương: Rối loạn tiền đình trung ương hiếm gặp và triệu chứng cũng không rõ ràng, điển hình như rối loạn tiền đình ngoại vi. Tuy nhiên đây là bệnh lý nguy hiểm và khó chữa do tổn thương tại trung ương như: thiếu máu tiền đình trung ương ở tiểu não, thân não, hoặc nhân tiền đình, đặc biệt nguy hiểm ở người lớn tuổi có yếu tố nguy cơ tim mạch. Rối loạn tiền đình trung ương ở người trẻ cũng có thể là biểu hiện của đa xơ cứng hay do sử dụng các loại thuốc như thuốc chống co giật,...

2.2. Các hậu quả và biến chứng nguy hiểm của rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân. Các cơn đau đầu, chóng mặt xuất hiện thường xuyên làm giảm khả năng tập trung chú ý và cản trở các hoạt động hàng ngày của người bệnh như: đi lại, ăn uống, lái xe, học tập, làm việc cũng như các hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt trong môi trường kích thích thị giác (như trung tâm mua sắm, cửa hàng tạp hóa, giao thông). Rối loạn tiền đình khiến người bệnh dễ nảy sinh tâm lý nóng giận, bực tức, lâu dần có thể dẫn đến các triệu chứng của trầm cảm, thất vọng.

Về lâu dài, nếu không tìm hiểu và điều trị nguyên nhân của rối loạn tiền đình có thể diễn tiến đến các biến chứng hay hậu quả nghiêm trọng như:

  • Suy giảm trí nhớ: Rối loạn tiền đình dẫn đến kém tập trung, mệt mỏi, lâu dần có thể gây suy giảm trí nhớ. Ở bệnh nhân rối loạn tiền đình, não cần làm việc nhiều hơn để giữ cơ thể thăng bằng, từ đó ảnh hưởng các chức năng của não.
  • Ảnh hưởng thị giác: Bên cạnh cảm giác chóng mặt, mất cân bằng, bệnh nhân rối loạn tiền đình ngoại vi có thể gặp tình trạng rung giật nhãn cầu, nhìn đôi,...
  • Ảnh hưởng thính giác: Các vấn đề thính lực thường gặp ở bệnh nhân rối loạn tiền đình bao gồm nghe kém, ù tai, nặng tai (xảy ra cùng bên với tiền đình ngoại vi bị tổn thương).
  • Triệu chứng tim mạch: Rối loạn tiền đình cũng có thể làm xuất hiện các triệu chứng tim mạch như tức ngực, hồi hộp, đổ mồ hôi,...
  • Tai nạn, chấn thương: Các triệu chứng rối loạn tiền đình như hoa mắt, chóng mặt khiến bệnh nhân có nguy cơ té ngã, chấn thương. Điều này cực kỳ nguy hiểm khi bệnh nhân đang tham gia giao thông, leo cầu thang,...

3. Rối loạn tiền đình có chữa được không?

Rối loạn tiền đình có thể được chữa khỏi và hạn chế khả năng tái phát bằng cách tuân thủ chế độ điều trị và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, việc điều trị không đúng sẽ gây lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức, trong khi tình trạng bệnh không được cải thiện, thậm chí trở nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị rối loạn tiền đình:

  • Phục hồi chức năng: Các bài tập kích thích sự vận động, nhạy bén của tiền đình, rèn luyện não bộ có hiệu quả trong việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân rối loạn tiền đình.
  • Tập luyện: Tập luyện thể dục thể thao với mức độ phù hợp với thể trạng, sức khỏe của người bệnh sẽ giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ phục hồi tiền đình.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh cần được duy trì để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân và hạn chế các triệu chứng rối loạn tiền đình.
  • Thay đổi lối sống: Thực hiện lối sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, hạn chế sử dụng bia, rượu,... có ý nghĩa trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình. Hạn chế stress, căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
  • Sử dụng thuốc: Thuốc điều trị rối loạn tiền đình có thể được bác sĩ chỉ định tùy vào tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

356 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan