Biến chứng của dị vật đường thở

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Dị vật đường thở là cấp cứu thường gặp nhất trong tai mũi họng nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

1. Dị vật đường thở là gì?

Dị vật đường thở là những vật bị mắc lại trên đường thở của bệnh nhân từ thanh quản đến phế quản. Đây là cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn (75% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi), do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật vào miệng và phản xạ bảo vệ đường thở của trẻ chưa hoàn thiện.

Các nguyên nhân gây ra dị vật đường thở thường gặp là:

  • Trẻ khóc hoặc cười đùa trong khi ăn.
  • Trẻ thường ngậm đồ vật trong khi chơi
  • Rối loạn phản xạ họng ở bệnh nhân bị hôn mê, gây mê hoặc điên dại

2. Triệu chứng của dị vật đường thở

Về triệu chứng toàn thân, tuỳ theo vị trí dị vật mắc trên đường thở mà bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau.

  • Khó thở: Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường gặp tình trạng khó thở. Nếu dị vật ở thanh quản, bệnh nhân có triệu chứng khó thở thanh quản các mức độ khác nhau tuỳ theo kích thước dị vật và thời gian dị vật mắc lại trên đường thở. Nếu kích thước dị vật to có thể gây ra khó thở thanh quản độ 2, 3, hoặc có thể gây ngạt thở, nếu vật nhỏ hơn có thể gây khó thở thanh quản ở mức độ nhẹ. Có thể gặp khó thở hỗn hợp do dị vật nằm ở khí quản đoạn thấp hoặc ở phế quản, bệnh nhân thường có các cơn ho và khó thở khi gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi.
  • Sốt: Thường gặp sau một vài ngày sau khi bị nhiễm khuẩn do các dị vật gây ô nhiễm như các loại xương, thịt, hạt lạc, bã mía...

Triệu chứng cơ năng của bệnh nhân cũng tùy theo vị trí dị vật mắc lại mà trên lâm sàng thấy có các dấu hiệu khác nhau:

  • Dị vật ở thanh quản: Các vật mắc lại ở thanh quản thường là các vật dẹt, sắc nhọn,... như là vỏ trứng, đầu tôm, xương cá...
    • Thường gặp triệu chứng khàn tiếng, mất tiếng, mức độ khàn tiếng tuỳ theo kích thước dị vật và thời gian dị vật mắc lại ở thanh quản.
    • Khó thở thanh quản: Nếu dị vật to có thể gây bít tắc thanh quản làm cho bệnh nhân khó thở thanh quản nặng, có khi ngạt thở cấp.
    • Ho: Bệnh nhân thường ho khan không có đờm, ho từng cơn dài do kích thích thanh quản càng làm cho thanh quản phù nề khiến cho tình trạng khó thở ngày càng tăng.
  • Dị vật ở khí quản: dị vật thường là các vật tròn, nhẵn, trơn... kích thước khá to so với khẩu kính của khí phế quản. Bệnh nhân thường có cơn ho rũ rượi, sặc sụa tím tái do dị vật di động trong lòng khí quản, đôi khi di động lên thanh quản gây ra các cơn ho. Nếu dị vật di động lên thanh quản và kẹt ở thanh môn sẽ làm bệnh nhân tắc thở, nếu không được xử trí kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong.
  • Dị vật ở phế quản:
    • Khó thở hỗn hợp thường gặp khi dị vật to gây bít tắc phế quản gốc một bên.
    • Sốt: tuỳ theo mức độ viêm nhiễm ở phổi mà bệnh nhân có thể sốt vừa hoặc sốt cao.
Dị vật đường thở là khi dị vật được hít vào và mắc kẹt trong đường thở hoặc phổi của bệnh nhân
Nếu dị vật di động lên thanh quản và kẹt ở thanh môn sẽ làm bệnh nhân tắc thở

3. Dị vật đường thở nguy hiểm thế nào?

Dị ứng đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.

Bệnh nhân càng nhỏ tuổi càng nguy hiểm. Đôi khi dị vật được lấy ra nhanh chóng vẫn không cứu được bệnh nhi vì bị viêm phế quản-phổi cấp rất nặng.

Trong trường hợp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm thì việc lấy dị vật sẽ dễ dàng hơn, ít gây ra biến chứng nhưng nếu đến muộn, bệnh nhân đã xuất hiện phản ứng viêm phù nề tổ chức, nhiều biến chứng sẽ xảy ra, lấy dị vật khó hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Một số biến chứng do dị vật đường thở thường gặp là: tắc thở, tử vong do ngạt thở cấp, viêm phế quản, phế quản phế viêm, xẹp phổi, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào màng phổi, tràn khí màng phổi, trung thất, giãn phế quản do dị vật bị bỏ quên lâu ngày, sẹo hẹp thanh quản.

bien-chung-cua-di-vat-duong-tho
Một số biến chứng do dị vật đường thở thường gặp là: tắc thở, tử vong do ngạt thở cấp, viêm phế quản,...

Tốt nhất khi gặp tình trạng dị vật đường thở, người bệnh cần tới ngay cơ sở Y tế tốt để xử trí nhanh, đúng, đảm bảo tiên lượng sống cũng như hạn chế tối đa di chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan