Các nguyên nhân gây hen phế quản

Hen phế quản là bệnh lý mãn tính do nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, vì thế cần xác định được triệu chứng cũng như nguyên nhân gây hen phế quản để sớm có hướng thăm khám điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Triệu chứng của hen suyễn

Triệu chứng bệnh hen suyễn ở mỗi người đều khác nhau, có người thỉnh thoảng lên cơn hen và chỉ biểu hiện triệu chứng tại một số thời điểm, ví dụ như lúc tập thể dục, nhưng có một số bệnh nhân luôn luôn phải chống chọi với các triệu chứng xảy ra liên tục như khó thở, đau tức ngực, khó ngủ do khó thở, ho hoặc khò khè, có tiếng rít hoặc khò khè khi thở ra, ho nặng,...

Theo đó, những dấu hiệu cho thấy bệnh hen suyễn đang tiến triển, bao gồm:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn thường xuyên hơn và gây khó chịu
  • Khó thở tăng lên (có thể được kiểm tra nhờ máy đo lưu lượng đỉnh thở ra, thiết bị này giúp kiểm tra phổi hoạt động như thế nào)
  • Cần phải dùng thuốc hít tác dụng nhanh nhiều lần hơn.

Với một số người bệnh, các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn bùng lên trong một số tình huống như:

  • Hen suyễn do tập thể dục, có thể nặng hơn khi không khí lạnh và khô
  • Hen suyễn nghề nghiệp do các chất kích thích tại nơi làm việc, ví dụ như khói hóa chất, khí hoặc bụi than,...
  • Hen suyễn do dị ứng, được kích hoạt bởi các chất trong không khí, như phấn hoa, bào tử nấm mốc, chất thải của gián hoặc các hạt da và nước bọt khô của vật nuôi (vẩy da thú cưng)
khó thở
Bệnh nhân mắc hen suyễn thường xuyên cảm thấy khó thở

2. Nguyên nhân hen phế quản là gì?

Hiện nay nguyên nhân gây hen phế quản vẫn còn chưa rõ nhưng theo nghiên cứu, nguyên nhân gây hen phế quản có thể là do sự kết hợp của các yếu tố môi trường và gen di truyền.

2.1 Tác nhân gây kích thích hen suyễn

Tiếp xúc với các chất kích thích khác nhau và các chất gây ra dị ứng (dị nguyên) có thể kích hoạt các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn. Các tác nhân gây hen suyễn của mỗi người không giống nhau và có thể bao gồm:

  • Các chất trong không khí, như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, vẩy da thú cưng hoặc các hạt chất thải của gián
  • Nhiễm trùng hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Hoạt động thể chất (hen suyễn do tập thể dục)
  • Không khí lạnh
  • Chất gây ô nhiễm không khí và chất kích thích, chẳng hạn như khói
  • Một số loại thuốc, bao gồm thuốc ức chế beta, aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và naproxen (Aleve)
  • Cảm xúc mạnh và căng thẳng
  • Sulfites và chất bảo quản được thêm vào một số loại thực phẩm và đồ uống, bao gồm tôm, trái cây khô, khoai tây đã qua chế biến, bia và rượu vang
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), là khi axit dạ dày trào ngược vào đường thở

2.2 Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố được cho là làm tăng khả năng mắc bệnh hen suyễn như sau:

  • Có tiền sử gia đình huyết thống (như cha mẹ hoặc anh chị em ruột) bị hen suyễn
  • Bệnh nhân mắc phải một tình trạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm da dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô)
  • Thừa cân
  • Là người hút thuốc
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Tiếp xúc với khói thải hoặc các loại ô nhiễm khác
  • Tiếp xúc với các yếu tố kích thích do nghề nghiệp, chẳng hạn như hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp, làm tóc và sản xuất
khói thuốc
Tiếp xúc với các loại khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn

3. Cách phòng tránh bệnh hen suyễn tái phát

Hen suyễn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm gián đoạn hoạt động thường ngày như làm việc hay học tập, trường hợp nặng thậm chí phải nhập viện, vì vậy, người bệnh hen suyễn cần chú ý những điều sau đây:

  • Tuân thủ kế hoạch điều trị.: Hãy viết một kế hoạch chi tiết cho việc dùng thuốc và kiểm soát cơn hen dựa trên hướng dẫn của bác sĩ. Hen suyễn là một tình trạng liên tục cần theo dõi và điều trị thường xuyên.
  • Tiêm vắc-xin cúm và viêm phổi: Tiêm chủng theo khuyến cáo có thể ngăn ngừa cúm và viêm phổi kích phát cơn hen suyễn.
  • Xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn: Một số chất gây dị ứng và chất kích thích ngoài trời - từ phấn hoa và nấm mốc đến không khí lạnh và ô nhiễm không khí - có thể kích hoạt các cơn hen suyễn. Tìm hiểu nguyên nhân hoặc tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và thực hiện các bước để tránh những tác nhân đó.
  • Theo dõi nhịp thở: Hãy học cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về một cơn hen sắp xảy ra, chẳng hạn như ho nhẹ, khò khè hoặc khó thở. Nhưng vì chức năng phổi có thể giảm trước khi người bệnh nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, hãy thăm khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa.
  • Nhận diện và điều trị sớm: Nếu bạn hành động kịp thời, cơn hen khó trở nặng hơn, bạn cũng sẽ không cần uống nhiều thuốc. Khi kết quả đo lưu lượng đỉnh thở ra giảm cảnh báo một cơn hen sắp đến, hãy uống thuốc theo hướng dẫn và ngay lập tức ngừng bất kỳ hoạt động nào có thể kích thích cơn hen. Nếu triệu chứng không cải thiện, hãy gọi cấp cứu ngay.
  • Uống thuốc theo đơn: Bạn không nên tự ý thay đổi thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Bạn nên mang thuốc theo mỗi lần đi khám, để bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có đang uống đúng thuốc đúng liều không.

Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy mình đang phụ thuộc vào thuốc hít tác dụng nhang như albuterol, chứng tỏ hen vẫn chưa được kiểm soát. Hãy khám bác sĩ ngay để điều chỉnh phương pháp điều trị.

Bệnh hen phế quản nếu không được chẩn đoán và kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề như những cơn khó thở cấp tính và ác tính, thậm chí là tử vong. Do đó khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh hen phế quản thì bạn cần cân nhắc đến việc tầm soát bệnh hen phế quản ở giai đoạn sớm.

Để được tư vấn và đăng ký đặt lịch khám, Quý Khách hàng có thể liên hệ thống bệnh viện, phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Nguồn tham khảo: webmd.com, webmd.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan