Các vấn đề trong chẩn đoán giang mai

Giang mai là một trong những căn bệnh lây qua đường tình dục rất nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời có thể xâm nhập vào phủ tạng, da, tim mạch, hệ thần kinh trung ương của người bệnh và gây nên nhiều biến chứng, thậm chí gây tàn phế suốt đời hoặc tử vong.

1. Bệnh giang mai là gì?

Bệnh giang mai là bệnh lây qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây nên. Xoắn khuẩn giang mai được Schaudinn và Hoffmann phát hiện ra năm 1905 và là một trong những loại xoắn khuẩn có tốc độ phát triển chậm rãi nhưng dai dẳng và khó điều trị. Chúng xâm nhập vào máu rồi dần lan rộng đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Giang mai thường lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn, lây qua đường máu, hoặc truyền từ người mẹ bị giang mai sang con trong thời kỳ mang thai.

Bệnh giang mai diễn biến chậm rãi qua nhiều năm (10 - 30 năm) có khi kéo dài cả đời, có lúc rầm rộ nhưng cũng có những thời kỳ im lặng không có triệu chứng gì, khiến người bệnh lầm tưởng đã khỏi và có thể lây truyền cho thế hệ sau. Hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn phát triển của bệnh.

Giang mai giai đoạn 2
Bệnh giang mai diễn biến chậm rãi qua nhiều năm

2. Đường lan truyền, lây nhiễm

2.1. Nguồn truyền nhiễm

  • Xoắn khuẩn Treponema pallidum xuất hiện nhiều trong các thương tổn (săng giang mai, mảng niêm mạc, hạch,...) nên rất dễ lây lan nếu người bình thường quan hệ tình dục không an toàn, không có biện pháp bảo vệ với người mắc bệnh.
  • Thời kỳ ủ bệnh của giang mai tương đối lâu từ 10 ngày đến 100 ngày, trung bình là khoảng 3 tuần, người bệnh sẽ dần thấy các dấu hiệu của bệnh.
  • Thời kỳ lây truyền: Giang mai lây mạnh nhất là thời kỳ thứ nhất (I) và thứ hai (II) khi các thương tổn ở da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.

2.2. Phương thức lây truyền

  • Bệnh giang mai lây lan chủ yếu qua đường quan hệ tình dục. Khi người bình thường quan hệ không an toàn với người nhiễm bệnh, xoắn khuẩn sẽ thông qua vết xây xát khi quan hệ tình dục đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể.
  • Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan bệnh là bị nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh gây thương tổn ở cơ quan sinh dục, có hành vi tình dục không có biện pháp bảo vệ (quan hệ tình dục bằng miệng, quan hệ đồng giới,...).
  • Ngoài ra giang mai cũng có thể lây lan do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà không khử khuẩn bơm tiêm) hoặc gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
  • Nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm giang mai mà không được điều trị thì cũng có thể lây truyền cho con (chứng giang mai bẩm sinh).
Chẩn đoán bệnh giang mai
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh giang mai

3. Các biện pháp chẩn đoán bệnh giang mai

Khi phát hiện có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kì vị trí nào có tiếp xúc thân mật tình dục, người bệnh nên đến viện khám và làm xét nghiệm tầm soát để điều trị kịp thời. Để chẩn đoán giang mai, các bác sĩ có thể dựa vào:

3.1 Dấu hiệu lâm sàng

Sau thời gian ủ bệnh (từ 10 - 100 ngày) ở bộ phận sinh dục người bệnh có thể xuất hiện săng giang mai, đào ban, mảng niêm mạc, sẩn giang mai, sẩn ướt, rụng tóc, sưng hạch ở toàn thân (cổ, nách), viêm hầu họng...

3.2 Xét nghiệm chẩn đoán giang mai

  • Tìm xoắn khuẩn

Bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm ở vết loét hay ở sẩn giang mai, mảng niêm mạc, chọc hạch, lấy dịch tiết trên nền vết sẩn giang mai, mảng niêm mạc hoặc các vết loét xong đem soi trực tiếp trên kính hiển vi nền đen. Nếu kết quả xét nghiệm giang mai thấy xoắn khuẩn Treponema pallidum dưới dạng lò xo di động tức là người bệnh đã mắc giang mai.

  • Xét nghiệm máu chẩn đoán giang mai

Sau 2 tuần phát hiện săng giang mai, người bệnh có thể xét nghiệm máu để kiểm tra thêm lần nữa xem cơ thể có các kháng thể giang mai không.

Ngoài ra, nếu đánh giá người bệnh có nguy cơ bị giang mai thần kinh hoặc giang mai tim mạch thì cần lấy thêm dịch não tủy để làm các xét nghiệm trên.

Chẩn đoán giang mai thì khó nhưng điều trị giang mai không quá phức tạp, trừ trường hợp giang mai biến chứng ở hệ thần kinh. Giang mai nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì khả năng khỏi bệnh sẽ rất cao. Đa phần nếu người bệnh nhiễm giang mai và phát hiện lúc giang mai giai đoạn Igiang mai giai đoạn II thì chỉ cần tiêm bắp 1 mũi là điều trị được bệnh. Do vậy việc giáo dục phòng ngừa hoặc phát hiện bệnh giang mai từ sớm là vô cùng cần thiết.

Đặc điểm bệnh giang mai giai đoạn đầu
Chẩn đoán giang mai thì khó nhưng điều trị giang mai không quá phức tạp

4. Các biện pháp phòng ngừa

  • Tuyên truyền, giáo dục y tế, sức khỏe giới tính: Tuyên truyền lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng.
  • Giáo dục hành vi tình dục an toàn, có phương pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục (sử dụng bao cao su).
  • Khi người bệnh phát hiện các dấu hiệu của bệnh cần vượt qua mặc cảm và đến ngay các trung tâm y tế chuyên khoa, uy tín khám và điều trị ngay. Tuyệt đối không tự mua thuốc và tự điều trị.
  • Chú ý vệ sinh phòng bệnh: Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ thì phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu không may mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Nên thực hiện các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các phụ nữ có thai.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan