Cách làm sạch phổi sau khi bỏ hút thuốc

Bỏ thuốc lá là một bước quan trọng đầu tiên giúp bạn bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, bạn lại đang thắc mắc về việc làm sạch phổi bằng cách nào?

Mặc dù không có biện pháp khắc phục nhanh chóng để giúp phổi của bạn có thể khỏe mạnh như trước khi bắt đầu hút thuốc nhưng bạn có thể làm một số điều để giúp phổi tự phục hồi sau khi bỏ thuốc. Hãy cùng xem một số cách làm sạch phổi trong nội dung dưới đây.

1. Tôi có thể làm sạch phổi sau khi bỏ thuốc lá không?

Sau khi bỏ thuốc lá, bạn có thể có nhu cầu làm sạch lá phổi của mình để loại bỏ các độc tố bị tích tụ. May mắn là lá phổi có khả năng tự làm sạch. Phổi sẽ bắt đầu quá trình tự làm sạch từ khi bạn bỏ thuốc lá.

Phổi là một hệ thống cơ quan có thể tự phục hồi theo thời gian (trong một số trường hợp). Sau khi bỏ thuốc lá, phổi của bạn sẽ bước vào quá trình từ từ chữa lành và tái tạo. Tốc độ chữa lành của lá phổi phụ thuộc vào thời gian bạn hút thuốc và mức độ tổn thương do khói thuốc.

Hút thuốc lá có thể gây ra 2 loại tổn thương vĩnh viễn cho phổi của bạn. Đó là:

  • Khí phế thũng: Khi mắc bệnh này, các túi khí nhỏ trong phổi (được gọi là phế nang) bị phá hủy, làm giảm diện tích bề mặt của phổi. Khi đó, phổi không thể trao đổi lượng oxy mà cơ thể cần;
  • Viêm phế quản mãn tính: Khi mắc bệnh này, các đường dẫn khí nhỏ hơn dẫn đến phế nang bị viêm, ngăn cản oxy đưa đến phế nang.

Những tình trạng này được gọi chung là: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

cách làm sạch phổi
Tập cách ho chủ động là cách làm sạch phổi

2. Có những cách tự nhiên nào để làm sạch phổi?

Mặc dù không có biện pháp nào để đảo ngược sẹo phổi hoặc các tổn thương phổi do việc hút thuốc lá nhiều năm gây ra nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện những biện pháp dưới đây để ngăn ngừa phổi bị tổn thương thêm và giúp cải thiện sức khỏe lá phổi. Đó là:

2.1 Ho

Nếu băn khoăn làm sạch phổi bằng cách nào, bạn có thể tập cách ho chủ động. Theo tiến sĩ Keith Mortman (trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực của Hiệp hội Khoa Y George Washington ở Washington, DC), một người hút thuốc có khả năng tích tụ nhiều chất nhầy trong phổi. Tình trạng tích tụ này có thể vẫn tồn tại sau khi bỏ thuốc lá. Ho là cách giúp cơ thể loại bỏ chất nhầy dư thừa, làm tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ hơn và mở chúng ra để lấy oxy.

2.2 Tập luyện

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động thể chất. Việc duy trì hoạt động là một trong những cách giúp bạn duy trì và cải thiện chức năng phổi của mình. Chỉ đơn giản là việc đi bộ mỗi ngày cũng giúp các túi khí trong phổi luôn mở. Nếu các túi khí này vẫn mở, chúng có thể trao đổi oxy và đưa oxy tới những nơi cơ thể cần.

2.3 Tránh các chất gây ô nhiễm

Việc tránh khói thuốc, bụi bẩn, nấm mốc và các chất hóa học sẽ giúp cải thiện chức năng phổi. Nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với không khí đã được lọc sạch làm giảm sản xuất chất nhầy trong phổi. Chất nhầy vốn có thể chặn các đường thở nhỏ hơn, khiến việc lấy oxy của phổi trở nên khó khăn hơn.

Trước khi ra ngoài tập luyện hoặc vui chơi, bạn nên kiểm tra chất lượng không khí của nơi mình sống. Nếu đó là một ngày chất lượng không khí không tốt thì bạn nên dành nhiều thời gian ở nhà thay vì ra ngoài.

2.4 Uống nước ấm

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, việc uống đủ nước là rất quan trọng đối với sức khỏe của phổi. Bằng cách uống khoảng 2 lít nước/ngày (8 cốc nước), bạn có thể làm cho chất nhầy trong phổi loãng ra, giúp bạn dễ dàng tống các chất nhầy trong phổi ra ngoài khi ho.

Uống các loại nước ấm như trà, nước canh rau củ hoặc nước lọc ấm sẽ làm loãng chất nhầy, giúp làm sạch phổi dễ dàng hơn.

2.5 Uống trà xanh

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh có đặc tính chống viêm, có thể ngăn ngừa một số bệnh phổi. Trong một nghiên cứu vào năm 2018, những người tham gia khảo sát uống trà xanh từ 2 lần/ngày trở lên ít có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hơn.

2.6 Áp dụng liệu pháp xông hơi

Thử liệu pháp xông hơi bao gồm việc hít hơi nước có thể làm loãng chất nhầy và giảm viêm trong đường hô hấp. Một nghiên cứu vào năm 2018 trên một nhóm nhỏ bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cho kết quả: Việc sử dụng mặt nạ xông hơi giúp cải thiện đáng kể nhịp thở của họ. Điều quan trọng là dù giảm ngay các triệu chứng của bệnh nhưng các bệnh nhân này không nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe của phổi sau khi ngừng xông hơi.

2.7 Ăn các thực phẩm chống viêm

Phổi của những người hút thuốc lá có thể bị viêm, gây khó thở. Mặc dù hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc duy trì một chế độ ăn uống nhiều thực phẩm chống viêm sẽ ngăn ngừa viêm phổi nhưng có một số nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm viêm trong cơ thể.

Nói cách khác, ăn thực phẩm chống viêm rất tốt cho cơ thể. Những thực phẩm này gồm: Quả việt quất, quả anh đào, cải xoăn, rau chân vịt, quả oliu, quả hạnh,...

cách làm sạch phổi
Trà xanh có đặc tính chống viêm, có thể ngăn ngừa một số bệnh phổi

3. Điều gì sẽ xảy ra với phổi của bạn khi bạn hút thuốc?

Đầu tiên, cần nói về nguyên lý hoạt động của phổi. Khi bạn hít vào, không khí sẽ đi vào đường thở (khí quản) rồi chia thành 2 đường dẫn khí (gọi là phế quản), mỗi đường dẫn tới 1 trong 2 lá phổi của bạn. Các phế quản sau đó tách thành các đường dẫn khí nhỏ hơn (gọi là tiểu phế quản) - là đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi của bạn. Ở cuối mỗi tiểu phế quản là những túi khí nhỏ gọi là phế nang.

Khi bạn hút thuốc, bạn hít vào khoảng 600 hợp chất khác nhau. Những hợp chất này có thể bị phân hủy thành hàng nghìn chất hóa học, nhiều chất có khả năng gây ung thư.

Khói thuốc có thể ảnh hưởng tới mọi cơ quan trong cơ thể của bạn. Cụ thể:

  • Trái tim: Khói thuốc lá khiến các mạch máu trở nên hẹp hơn, khiến máu khó lưu thông oxy tới các phần còn lại của cơ thể và khiến tim phải làm việc nhiều hơn;
  • Não: Việc cai nghiện nicotin (từ thuốc lá) có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và không thể tập trung;
  • Hệ hô hấp: Khói thuốc khiến phổi có thể bị viêm hoặc tắc nghẽn, gây khó thở;
  • Hệ thống sinh sản: Theo thời gian, việc hút thuốc có thể gây vô sinh và giảm ham muốn tình dục.

Về sau, những người hút thuốc có thể mắc nhiều bệnh mãn tính như: Bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, một số bệnh ung thư,... Các bệnh này và một số căn bệnh khác liên quan tới thói quen hút thuốc lá có thể gây ảnh hưởng tới tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bỏ thuốc lá là một trong những quyết định quan trọng nhất và tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Khi bạn hút xong điếu thuốc cuối cùng, phổi của bạn sẽ bắt đầu hoạt động tự làm sạch. Bạn hãy lưu ý tới các cách làm sạch phổi người kể trên để tăng cường sức khỏe của phổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan