Cách xác định nhiễm khuẩn âm đạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ và hạn chế khả năng mắc bệnh do nhiễm khuẩn âm đạo, phụ nữ nên nắm rõ các dấu hiệu nhiễm khuẩn âm đạo và sẵn sàng thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết (vd xét nghiệm vi sinh, soi tươi dịch âm đạo...).

1. Nhiễm khuẩn âm đạo là gì?

Nhiễm khuẩn âm đạo (Bacterial Vaginosis – BV) là một bệnh phụ khoa khá phổ biến thường gặp ở nữ giới từ 15 - 44 tuổi. Ước tính có khoảng 75% phụ nữ từng bị nhiễm khuẩn âm đạo do vi khuẩn.

Nhiễm khuẩn âm đạo (hay còn gọi là viêm âm đạo) xảy ra khi số lượng vi khuẩn trong âm đạo phát triển quá mức, gây kích ứng, sưng, viêm, tiết dịch nhiều và có mùi hôi sau khi quan hệ tình dục. Thậm chí khu vực niệu đạo, bàng quan và vùng da ở khu vực sinh dục cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn âm đạo gồm Mobiluncus, Gardnerella, Bacteroides Mycoplasma. Khi bị mắc viêm âm đạo, những vi sinh vật này sẽ tăng theo cấp số nhân trong khi số lượng vi sinh vật khoẻ mạnh lại giảm dần.

Để xác định nhiễm khuẩn âm đạo, người ta thường thực hiện xét nghiệm vi sinh lấy dịch lỏng và tế bào từ âm đạo để đánh giá xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.

Viêm âm đạo
Nhiễm khuẩn âm đạo là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ

2. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn âm đạo

Hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra viêm âm đạo, tuy nhiên nhiều thống kê cho thấy nhiễm trùng thường xuất hiện ở nữ giới đã có quan hệ tình dục. Việc quan hệ với đối tác mới hoặc có nhiều bạn tình, cũng như thụt rửa âm đạo không đúng cách có thể tác động đến độ cân bằng của vi khuẩn âm đạo, gây mất cân bằng giữa vi khuẩn “có lợi” và “có hại” ở âm đạo nữ giới.

Nữ giới hiếm khi mắc nhiễm khuẩn âm đạo nếu chưa từng quan hệ tình dục. Cũng không thể bị viêm âm đạo từ bệ bồn cầu, ga giường hoặc bể bơi.

Nếu bị nhiễm khuẩn âm đạo thì nữ giới có nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác.

3. Thời điểm cần xét nghiệm vi sinh viêm âm đạo

Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo khi:

  • Bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật cắt tử cung hay phá thai ngoại khoa (tránh tăng nguy cơ hậu phẫu do nhiễm khuẩn âm đạo).
  • Bệnh nhân đã mang thai và từng có tiền sử sinh non (sinh non có thể do viêm âm đạo gây ra).
  • Người bệnh tiết ra nhiều dịch âm đạo có màu bất thường (xám hoặc trắng đục...)
  • Bị đau, ngứa rát ở âm đạo
  • Vùng âm đạo có mùi tanh, đặc biệt là sau quan hệ tình dục
  • Đau rát khi tiểu tiện

4. Vì sao cần xét nghiệm vi sinh âm đạo?

Phụ nữ cần thực hiện xét nghiệm vi sinh khi có các dấu hiệu nguy cơ, vì nhiễm khuẩn âm đạo nếu để lâu sẽ gây ra ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:

  • Tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (nhiễm khuẩn Chlamydia và bệnh lậu...) nếu quan hệ tình dục không an toàn.
  • Tăng nguy cơ sinh non nếu bị nhiễm khuẩn âm đạo trong khi đang mang thai.
  • Các vi khuẩn này có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID) nguy cơ khó có con hoặc không thể có con.
Nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý
Người bệnh nên đi xét nghiệm vi sinh âm đạo sớm

5. Các xét nghiệm xác định nhiễm khuẩn âm đạo

Để chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo, bác sĩ sẽ dựa trên bệnh sử các triệu chứng kết hợp khám âm đạo và mẫu dịch tiết âm đạo. Các xét nghiệm phổ biến thường được dùng để xác định nhiễm khuẩn âm đạo bao gồm:

5.1. Soi tươi

Bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch tiết âm đạo của bệnh nhân trộn với nước muối sinh lý và đặt trên lam kính hiển vi, từ đó quan sát tìm dấu hiệu nhiễm trùng, tìm bạch cầu và trùng roi Trichomonas vaginalis để xác định nhiễm khuẩn âm đạo.

5.2. Nghiệm pháp Whiff

Mẫu dịch tiết âm đạo sẽ được nhỏ thêm dung dịch KOH để xác định có mùi hôi hay không. Mùi hôi tạo thành sau nghiệm pháp Whiff sẽ là dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng âm đạo do Gardnerella vaginalis. Phương pháp này hiện nay chỉ còn 1 số nơi áp dụng.

5.3. Đo độ pH âm đạo.

Thông thường độ pH âm đạo của người bình thường sẽ nằm trong khoảng 3.8-4.8. Nhiễm khuẩn âm đạo sẽ làm tăng độ pH âm đạo lên trên 4.5-7.0. Cách này hiện tại không được sử dụng ở nhiều nơi.

5.4 Nhuộm Gram:

Tăm bông chứa bệnh phẩm sẽ được phết lên lam kính, sau đó nhuộm Gram. Phương pháp này định hướng được vi khuẩn Lậu, Gardnerella vaginalis, hoặc nấm men Candida albicans.

5.5 PCR

Với các trường hợp nhiễm trùng mạn tính, các triệu chứng kín đáo, khó phát hiện được vi khuẩn hoặc căn nguyên gây bệnh bằng các Phương pháp kể trên, thì Phương pháp PCR sẽ là công cụ chẩn đoán rất hữu ích để tìm ra Lậu, Chlamydia, Mycoplasma...

6. Quy trình thực hiện xét nghiệm

Để chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo do vi trùng, bác sĩ sẽ khám vùng chậu, nhất là vùng âm đạo của bệnh nhân để xác định các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ cũng sẽ thu thập mẫu dịch ở âm đạo bằng một tăm bông để khảo sát dưới kính hiển vi và thực hiện thêm các xét nghiệm khác.

Quy trình thực hiện xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo do vi khuẩn bao gồm các bước:

Bước 1: Bác sĩ hay y tá sẽ giúp người khám ngồi đúng tư thế để làm xét nghiệm.

Bước 2: Bác sĩ sẽ đặt phễu soi mỏ vịt đã được bôi trơn vào trong âm đạo người bệnh. Phễu này sẽ nhẹ nhàng tách thành âm đạo rộng ra giúp bác sĩ nhìn vào trong âm đạo và cổ tử cung.

Bước 3: Bác sĩ sẽ dùng que tăm bông để phết lấy mẫu dịch lỏng bên trong âm đạo.

Để kết quả xét nghiệm thu được chính xác, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn:

  • Không thụt rửa âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi khám và xét nghiệm
  • Không sử dụng bất cứ thứ gì gây kích thích âm đạo, ví dụ như thuốc xịt âm đạo, thuốc đặt âm đạo....
  • Tránh không quan hệ tình dục trong vòng 24 giờ trước khi khám
  • Không nên đi khám khi bạn đang trong kỳ kinh nguyệt.

Trước khi thực hiện kỹ thuật y tế, người bệnh nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Siêu âm đầu dò khám phụ khoa
Khám phụ khoa

7. Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn âm đạo

Để giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn âm đạo, bạn có thể thực hiện các bước phòng ngừa cơ bản sau đây:

  • Quan hệ tình dục an toàn
  • Không thụt rửa âm đạo
  • Hạn chế số bạn tình

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm khuẩn âm đạo:

  • Giữ vùng âm đạo khô thoáng
  • Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ
  • Tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi diễn tiến triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Không nên quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh.
Thành lập phòng khám phụ khoa
Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện bệnh lý sớm

Để giúp khách hàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa khác, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản dành cho khách hàng là nữ giới, không giới hạn độ tuổi và có thể có những triệu chứng như sau:

  • Chảy máu bất thường vùng âm đạo
  • Gặp vấn đề về kinh nguyệt: chu kỳ kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều
  • Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường)
  • Đau, ngứa vùng kín
  • Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
  • Khách hàng nữ có triệu chứng khác như: Dịch âm đạo bất thường, ngứa, đau vùng kín, chảy máu âm đạo bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

57.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan