Chăm sóc tâm lý xã hội

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Phi Yến - Trưởng Đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sự đau khổ có thể được hiểu là tình trạng đau đớn tột cùng ở cá nhân, riêng biệt, mang tính chủ quan. Sự đau khổ đến từ khái niệm có một thứ gì đó đang và sẽ đe dọa tới sự nguyên vẹn của cá nhân. Có thể hiểu như là quá khứ của một người, cuộc sống gia đình, vai trò văn hoá xã hội, các mối quan hệ hay chính cơ thể họ đã, đang và sẽ bị tổn thương hoặc mất đi.

1. Sự đau khổ và sự phổ biến ở người bệnh giai đoạn cuối đời

Đối với nhiều người, sự đau khổ bị trầm trọng hơn bởi việc nhận ra mình sẽ chết. Sự đau khổ là sự trùng lặp những cảm xúc: sợ hãi, buồn thảm, sầu não, bị bỏ rơi và tuyệt vọng. Trong nhiều trường hợp, những cảm xúc được bộc lộ theo thời gian, và nhận thức về tương lai trở nên khốc liệt, khiến họ trở nên quá tải, sợ hãi và mất kiểm soát.

>>> Đặc điểm tâm lý ở bệnh nhân ung thư

Với những cá nhân bị bệnh hiểm nghèo, sự đau khổ được trải qua ở những tầng cảm xúc cao nhất. Với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, sự đau khổ ở mức độ cùng cực chiếm tới 25 – 55% số người bệnh. Những bệnh nhân trẻ tuổi sự đau khổ còn kinh khủng hơn. Sự đau khổ xảy đến thường không chỉ do bệnh hiểm nghèo mà còn là do tác động của điều trị.

2. Nguyên nhân của đau khổ và sự chịu đựng

2.1 Quá trình tiếp theo của bệnh tật

Sự đau khổ thường được nhìn nhận là điều tất yếu và là quá trình tiếp theo của bệnh tật, đặc biệt là đối với các căn bệnh hiểm nghèo. Việc phải đối mặt với cái chết là một trong những việc đáng sợ nhất và là thử thách tồn tại trong mọi mặt con người trải qua.

>>> Diễn biến tâm lý bệnh nhân ung thư theo từng giai đoạn bệnh

2.2 Trải nghiệm của cảm xúc

Sự đau khổ xuất hiện là một trải nghiệm của con người, sinh ra từ những căng thẳng về thể chất, xã hội, tâm lý và cả nhiều mặt cảm xúc tồn tại.

Chăm sóc tâm lý xã hội
Sự đau khổ sinh ra từ những căng thẳng

2.3 Sự mất mát

Sự đau khổ đi cùng với mất mát quá sức chịu đựng như đánh mất bản thân, các mối quan hệ, sự kiểm soát, mục tiêu và giá trị. Đây không chỉ là nỗi mất mát có thể nhận thấy được liên quan đến các mối quan hệ mà còn là sự mất mát sâu thẳm tới vai trò của một thành viên trong xã hội như một người “khỏe mạnh”.

2.4 Triệu chứng đau

Thông thường, sự đau khổ đi cùng với triệu chứng đau. Triệu chứng đau ở người bệnh ung thư giai đoạn cuối vẫn là một vấn đề có ảnh hưởng lớn, và việc kiểm soát được đau là một mục tiêu thiết yếu để làm dịu đi sự đau khổ. Tuy nhiên, việc cải thiện cơn đau để làm giảm sự đau khổ không phải lúc nào cũng đạt được với tất cả bệnh nhân.

Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng bệnh nhân với cơn đau thường báo lại họ phải chịu sự đau khổ khi họ mất kiểm soát, khi cơn đau trở nên quá sức chịu đựng, khi không rõ cơn đau từ đâu đến, khi cơn đau trở nên khốc liệt hơn và khi cơn đau trở thành mãn tính.

Điều này cho thấy rằng không chỉ nỗi đau thể chất gây nên nỗi khổ tâm mà còn là bởi cách người bệnh nhìn nhận cơn đau. Đau thực thể chỉ là một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển của sự đau khổ. Rất nhiều triệu chứng thể chất như nôn mửa, khó thở, chán ăn, khô miệng và mê sảng cũng là tác nhân dẫn đến sự căng thẳng, cảm giác vô dụng và mất kiểm soát.

2.5 Triệu chứng mệt mỏi

Yếu tố tâm lý mệt mỏi tới từ những nhu cầu về thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần không thể đạt được, gây nên sự đau khổ không đáng có.

Khi sự mệt mỏi như vậy đạt tới đỉnh điểm, bệnh nhân sẽ thấy mình không thể tiếp tục sống nữa.

2.6 Dấu hiệu lo âu và trầm cảm

Trầm cảm và lo âu trong giai đoạn bệnh tiến triển khiến người bệnh đối mặt với rối loạn cảm xúc và lo lắng sẽ hay có ý nghĩ muốn chết do phải chịu đựng và cảm thấy một sự mất mát về nhân phẩm.

Có thể người bệnh không yêu cầu được chết, sự đau khổ khiến người bệnh không thể liên kết được với thực thể xung quanh mình.

Kèm theo là cảm giác kinh khủng về tuyệt vọng có thể xuất hiện. Tuyệt vọng được báo cáo là một sự tiên đoán trước về việc nguyện vọng người bệnh muốn được chết. Những bệnh nhân ấy cảm giác họ trở thành gánh nặng đã khiến họ trở nên đau khổ tột cùng về mặt tâm lý. Cảm giác về gánh nặng được chứng minh là không nhất thiết liên quan đến những hỗ trợ yêu cầu to lớn thực sự nhưng lại liên quan đến việc phải nhận sự hỗ trợ từ người khác.

Có tới 96% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trải qua những đau đớn về tinh thần trong suốt cuộc đời họ.

Chăm sóc tâm lý xã hội
Trầm cảm và lo âu khiến nhiều người đối mặt với rối loạn cảm xúc

3. Ảnh hưởng của những người cung cấp chăm sóc tới bệnh nhân và gia đình họ

Những người cung cấp chăm sóc có thể mang tới ảnh hưởng tích cực và cả tiêu cực.

Sự hiện diện của người chăm sóc, ở bên cạnh người bệnh và chú tâm vào những yêu cầu của họ, có ảnh hưởng trực tiếp tới lòng tự trọng, tính cá nhân và nỗi khổ của người bệnh.

Đối với nhiều bệnh nhân, cách mà họ muốn được người khác để ý và trân trọng có tầm quan trọng đặc biệt với chính bản thân họ. Người chăm sóc cần phải chú ý tới rằng người bệnh sẽ tìm kiếm sự xác nhận, đó là sự phản ánh từ ánh mắt người chăm sóc mà sẽ khẳng định lòng tự trọng và tính cá nhân của họ.

Cách người chăm sóc giao tiếp với người bệnh của có tầm ảnh hưởng quan trọng tới những gì họ trải qua. Được nhận những thông tin không cần thiết, cảm giác những nhu cầu của họ không được đáp lại hay sự vô tâm, thiếu tận tụy trong cách nói chuyện hay đáp lại bằng thái độ không khó chịu, tất cả đều tạo nên nỗi khổ ở người bệnh.

Sự đau khổ phát triển bởi những gì người bệnh trải qua. Sự đau khổ phải được chấp nhận và lắng nghe, việc từ chối những gì người bệnh nói lại cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận người bệnh là ai và họ đang trải qua giai đoạn cuối cuộc đời như thế nào.

Cách mà người chăm sóc thể hiện ra với bệnh nhân có thể giúp đỡ hay cũng làm trầm trọng hơn nỗi đau của người bệnh. Bình thường hoá những cảm xúc của bệnh nhân hay phản hồi lại họ, nhận thức và giúp đỡ họ trong quá trình tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, thúc đẩy tiến trình điều trị giữa người bệnh và gia đình là tất cả những bước cần thiết để làm dịu đi việc cái chết cận kề.

4. Sự chịu đựng của gia đình người bệnh

Việc chẩn đoán ra một căn bệnh hiểm nghèo đe doạ tính mạng có ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ thành viên trong gia đình.

Mặc dù họ không cảm thấy phiền hà khi phải hỗ trợ người bệnh nhưng có thể bệnh nhân cảm thấy mình là gánh nặng với gia đình.

Họ vẫn phải đảm nhiệm các việc khác cho gia đình của mình như chăm sóc con cái, lo toan tài chính, các mối quan hệ họ hàng.

Các thành viên trong gia đình đều phải đối mặt với hoàn cảnh mới là căn bệnh của người thân, có thể là gánh nặng thể chất, tài chính và tâm lý mất người thân đã tạo ra sự căng thẳng ở tất cả mọi người.

Nhiều người chăm sóc giữ được sự kiên nhẫn tốt ở thời điểm này nhưng họ cũng nằm trong nhóm nguy cơ mắc các bệnh tâm lý cao, họ trải qua khoảng thời gian tệ hại, nhiều điều tiếc nuối, và chịu rủi ro bị rối loạn tâm lý cao hơn. Ở phần lớn trường hợp, người nhà cũng chịu đựng sự đau khổ tương tự bệnh nhân.

5. Những cách tiếp cận để làm dịu đi sự đau khổ

Không xem nhẹ nỗi đau của bệnh nhân.

Luôn đánh giá nguyên nhân căng thẳng. Áp dụng các câu hỏi trực tiếp người bệnh để làm rõ sự căng thẳng của Cassell:

  • Bạn có hoảng sợ trước tất cả những gì đang xảy ra không?
  • Bạn đang đau đớn nhưng căng thẳng có kinh khủng hơn cơn đau không?
  • Có những điều gì bạn muốn thực hiện nhưng hiện giờ trở nên khó khăn với bạn không?
  • Tôi có thể làm gì cho bạn?

Những câu hỏi trên có thể được sử dụng để tìm ra được nguồn gốc của sức khỏe, ý nghĩa và mục đích, và xác định được sự căng thẳng để có thể được điều trị.

Giúp người bệnh hướng về phía trước

Sự đau khổ thường xảy ra theo thời gian, khiến cho người bệnh cảm thấy khó nhọc với tương lai trước mặt và luẩn quẩn trong quá khứ, điều cốt yếu để xoá đi nỗi đau ở người bệnh là hướng họ tới hiện tại, và giúp đỡ họ giữ vững những khả năng của họ.

Cảm giác của người bệnh về chính cá nhân họ đã bị thay đổi và họ đang phải chịu đựng việc mình không bao giờ còn có thể là một người như trước. Có một số cách để giúp người bệnh giữ vững niềm lạc quan và có thể họ sẽ tìm thấy được những giá trị cảm xúc mới như:

  • Nói chuyện với đồng nghiệp
  • Chia sẻ những suy nghĩ cá nhân về những điều cần làm
  • Chia sẻ với người thân về tình hình gia đình, công việc, tài chính...
  • Xác định những ưu tiên cho thời gian còn lại

Dù những điều đơn giản này đều phải thực hiện theo chu trình tâm lý nhưng nó nhấn mạnh vào những nhiệm vụ quan trọng mà mà bệnh nhân cần làm trong khi còn sống.

6. Sự tự chuẩn bị tâm lý của nhân viên y tế khi chăm sóc ca bệnh ung thư

Mô hình tiếp cận ABCD

  • Attitude = Thái độ
  • Behaviour = Cách ứng xử
  • Compassion = Đồng cảm
  • Dialogue = Trao đổi

A. Thái độ

Người thầy thuốc cần phải xác định rõ thái độ, niềm tin và những giả thiết mà họ nghĩ về bệnh nhân. Đây là một bước mang tính cá nhân cao, đòi hỏi người bác sĩ biết đặt ra những câu hỏi cơ bản để hiểu bệnh nhân và những giả thiết mà họ đặt ra có tương ứng với câu trả lời của bệnh nhân không.

Việc tự hỏi bản thân những câu hỏi như sau là một bước quan trọng để đảm bảo rằng người bác sĩ đủ hiểu về sự có mặt của mình ảnh hưởng tới mỗi cuộc gặp với bệnh nhân và gia đình họ như thế nào.

  • Mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu mình ở trong vị thế của họ?
  • Thái độ của mình với bệnh nhân là dựa trên kinh nghiệm cá nhân, nỗi sợ hãi, cáu giận hay cả việc nhận định?
  • Điều gì đã khiến mình đưa ra được những nhận xét này?
  • Mình đã xác minh lại những nhận định của mình chưa?

B. Cách ứng xử

Nhận thức được từng người bệnh đang nhìn nhân viên y tế với mong muốn nhận được sự ân cần và tôn trọng họ thông qua cách ứng xử.

Luôn đảm bảo cách ứng xử thể hiện " họ là ai" chứ không đơn thuần là "họ mắc bệnh gì", từ đó mới có sự đồng cảm trong quá trình chăm sóc chuyên môn.

C. Đồng cảm

Bảo vệ lòng tự trọng là sự nhận thức được nỗi khổ vì điều gì và mong muốn làm dịu đi nỗi khổ ấy.

Sự đồng cảm được cảm nhận, và thường xuất hiện tự nhiên, nhưng cũng có thể tăng lên bởi các yếu tố nhân văn, văn hoá, nghệ thuật, khoa học xã hội. Có nhiều cách để có được sự đồng cảm từ hai phía nhân viên y tế và bệnh nhân-gia đình họ.

Có thể thông qua đọc truyện hay những bài viết về bệnh, xem phim hay xem biểu diễn nghệ thuật đem đến sự tác động đến thế giới của người khác và là cơ hội để thử xem xét sự chịu đựng của mình.

Hay tìm thấy được sự đồng cảm ở kinh nghiệm cuộc sống ảnh hưởng đến thực tiễn.

Mỗi người phải tìm được một cách để liên hệ bản thân mình với sự nhạy cảm, sự nhân văn và khả năng của bản thân để có thể phản ứng được với nhu cầu của bệnh nhân.

Sự đồng cảm có thể được biểu hiện bằng ánh nhìn, tiếp xúc hay chỉ là một câu nói đơn giản “Tôi rất tiếc, hẳn là điều này rất khó khăn đối với bạn”. Đồng cảm chỉ ra rằng mỗi bệnh nhân có một câu chuyện cần được lắng nghe và thấu hiểu.

D. Trao đổi

Là cách chúng ta tiến hành hội thoại như thế nào để hiểu rõ được bệnh nhân không chỉ là một người bệnh.

Ý thức được là những câu thoại mang tính nhạy cảm hơn với cảm xúc của và cảm giác đau khổ người bệnh trước cái chết.

Nhận thức được sự riêng biệt của mỗi bệnh nhân mang lại những cái nhìn khác nhau trong cách nói chuyện là một nhân tố thiết yếu trong việc làm dịu đi nỗi khổ.

Luôn củng cố kỹ năng trao đổi với bệnh nhân và người nhà bao gồm việc thành thạo kỹ năng lắng nghe, nhạy cảm và suy nghĩ thấu đáo. Nhân viên y tế cần phải lắng nghe từ cả hai phần đã nói và chưa nói được. Điều này có nghĩa là chúng ta cho phép có một khoảng thời gian yên lặng, quan sát những thứ không diễn tả được thành lời, và hiểu rằng chúng ta không thể sửa chữa được những gì người bệnh cảm thấy hay trải qua.

Người bác sĩ thành thạo hiểu được rõ những vấn đề khó khăn không phải lúc nào cũng đối mặt được, và lắng nghe tận tâm sẽ mở ra những cơ hội để người bệnh trải lòng. Sự cứng nhắc hoặc im lặng chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng trong giao tiếp.

Chăm sóc tâm lý xã hội
Đội ngũ y bác sĩ sẽ giúp chăm sóc tâm lý bệnh nhân một cách tốt nhất

7. Điều gì có thể làm được khi nỗi khổ không vơi đi

Đôi khi nỗi khổ không thể làm vơi đi hay tránh được, mà buộc người bệnh phải chung sống và chịu đựng. Tuy nhiên, một trong những cách ngăn ngừa mà chúng ta có thể sử dụng là nhận thức về nỗi khổ và sự hiện diện với người bệnh.

Sự hiện diện của nhân viên y tế với sự lắng nghe mang lại cảm giác yên tâm cho người bệnh và người nhà. Khi chúng ta hỏi rằng họ có đang đau khổ không có nghĩa là chúng ta có quan tâm đến họ và tôn trọng họ.

Sự hiện diện của nhân viên y tế mang hàm ý chúng tôi biết căn bệnh của bạn cũng như câu chuyện của bạn.

Một số biện pháp cao hơn để làm tăng cảm giác về nhân phẩm của họ, mục đích và giá trị, nhằm làm dịu đi sự đau khổ và có tác dụng tích cực tới cả người bệnh và gia đình họ. Các phương pháp này bao gồm việc đánh giá/hồi tưởng, di sản, giá trị cốt lõi và phẩm giá cuộc sống. Lý thuyết của những phương pháp này là mang đến cho người bệnh cơ hội được nói chuyện về các vấn đề mà họ cảm thấy quan trọng trong cuộc sống, qua đó đánh giá những cảm xúc về mục tiêu và giá trị của họ.

Đối với một số bệnh nhân sự đau khổ có thể chạm ngưỡng giới hạn và cần phải sử dụng thuốc an thần, được coi như là lựa chọn cuối cùng và cần được kiểm soát chặt chẽ.

Hệ thống Bệnh viện đa khoa Vinmec được thành lập với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện của con người. Trong đó, sức khỏe tâm lý luôn là mảng lớn. Chính vì vậy, Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Vinmec Times City được xây dựng với chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần, nhất là các đối tượng ung thư giai đoạn cuối.

Với những trang thiết bị hiện đại, được đầu tư bài bản, cùng với đội ngũ bác sĩ là những giảng viên Bộ môn Tâm thần của Đại học Y Hà Nội giàu kinh nghiệm, thâm niên nhiều năm trong nghề và các bác sĩ Nội trú có chuyên môn vững vàng, phòng khám Tâm lý - Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City có khả năng triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh đa khoa nói chung, ung thư nói riêng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

942 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan