Chẩn đoán viêm tụy cấp cần làm những xét nghiệm nào?

Viêm tuỵ cấp là một bệnh thường được gặp trong cấp cứu ngoại khoa với cơn đau bụng cấp. Đau bụng vùng thượng vị, thường khởi phát đột ngột, và đau liên tục, dữ dội, nặng hơn khi đi lại, nằm ngửa và giảm khi ngồi ngả người ra phía trước.

1. Viêm tụy cấp là gì?

Tuyến tụy là một cơ quan nằm trong ổ bụng (dân gian thường gọi là lá mía), nhưng lại có vai trò khá quan trọng về ngoại tiết nó tiết ra một số men giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn; về nội tiết nó tiết ra hormone insulin và glucagon đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa, điều hòa đường huyết của cơ thể.

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tuyến tụy cấp tính dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến do sự tiêu hủy của các men tụy, từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể dẫn đến tử vong. Ở các nước phương Tây thì khoảng 20% bệnh nhân viêm tụy cấp có tiến triển nặng và trong số các ca nặng có 10-30% dẫn đến tử vong mặc dù được điều trị tích cực. Ở Việt Nam, viêm tụy cấp những năm gần đây cũng có xu hướng tăng, về mặt giải phẫu bệnh có hai thể viêm tụy phù nềviêm hoại tử chảy máu.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, trong số đó thường gặp nhất là: Bệnh đường mật do sỏi hoặc giun đũa: chiếm 40 – 50%. Rượu chiếm 20 – 30%.

Nguyên nhân ít gặp ở viêm tụy cấp:

  • Chấn thương vùng bụng từ ngoài hoặc do phẫu thuật về dạ dày – tá tràng, do thủ thuật như chụp mật tuỵ ngược dòng qua nội soi (ERCP).
  • Các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như bệnh tiểu đường, bệnh Lupus ban đỏ.
  • Các bệnh có tăng lipid máu như hội chứng thận hư hoặc nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.
  • Các rối loạn chuyển hóa: tăng calci huyết như cường tuyến cận giáp.
  • Nhiễm siêu vi (SV quai bị, CMV, EBV).
  • Do thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây kích ứng tuyến tụy. Thông thường, tình trạng viêm sẽ hết khi dừng thuốc. Các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển angiotensin, azathioprine, furosemide, pentamidine, thiazid,..
  • Do dị ứng.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Trên 70 tuổi
  • Béo phì (BMI >30)
  • Uống 2 ly rượu trở lên mỗi ngày
  • Hút thuốc lá
  • Có tiền sử gia đình bị viêm tụy
Rượu thuốc lá
Sử dụng rượu và thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây viêm tụy cấp

3. Chẩn đoán viêm tụy cấp

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Đau bụng: là triệu chứng hay gặp (95% bệnh nhân viêm tụy cấp), tùy theo nguyên nhân mà tính chất đau bụng thể hiện khác nhau (thường không có tiền sử, nguyên nhân rõ ràng):

  • Viêm tụy cấp do sỏi, tính chất đau điển hình là đột ngột đau bụng vùng thượng vị như dao đâm, đau lan ra sau lưng.
  • Viêm tụy cấp do nguyên nhân chuyển hoá, rượu tính chất đau thường không đột ngột và không khu trú dữ dội như trong trường hợp do sỏi.

Nôn và buồn nôn gặp trong 85% các bệnh nhân viêm tụy cấp, tuy nhiên khi bệnh nhân nôn thì triệu chứng đau bụng vẫn không thuyên giảm.

Thăm khám lâm sàng:

  • Toàn thân: tới 40% bệnh nhân có biểu hiện nhịp tim nhanh, tụt huyết áp đó là hậu quả của giảm thể tích lòng mạch do có hiện tượng thoát quản, giãn mạch và chảy máu.
  • Khoảng 60% bệnh nhân viêm tụy cấp có biểu hiện sốt nhẹ, nếu bệnh nhân sốt cao có thể là một trong những dấu hiệu chỉ điểm của viêm đường mật hoặc viêm tụy hoại tử.
  • Bụng chướng, ấn đau.
  • Nghe tiếng sôi bụng thường giảm hoặc mất.
  • Các dấu hiệu khác: tràn dịch màng phổi hay gặp bên trái, vàng da, mảng tím đen sau lưng, cạnh sườn hoặc khu vực quanh rốn do chảy máu tụy vào khoang sau phúc mạc.

3.2. Cận lâm sàng

Xét nghiệm amylase hoặc lipase máu: tăng > 3 lần là có giá trị chẩn đoán (amylase trở về bình thường trước lipase).

Công thức máu: bạch cầu tăng, hematocrit tăng, các yếu tố viêm interleukin-6 tăng, CRP (C-reactive protein) tăng vào ngày thứ 2 sau viêm tụy cấp.

Sinh hoá máu: ALT, bilirubin tăng trong viêm tụy cấp do sỏi mật, LDH tăng.

Rối loạn đông máu gặp ở bệnh nhân nặng.

Chụp bụng không chuẩn bị: loại bỏ các cấp cứu ngoại khoa khác như thủng tạng rỗng, các dấu hiệu khác có thể phát hiện như tràn dịch màng phổi, sỏi tụy.

Siêu âm là phương tiện tốt để chẩn đoán viêm tụy cấp, mức độ viêm tụy, cũng như là loại trừ các nguyên nhân đau bụng khác như viêm tụy cấp do sỏi mật.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có giá trị cao hơn trong chẩn đoán khắc phục được yếu điểm của siêu âm, đồng thời cho phép đánh giá kỹ hơn về tổn thương ở tụy cũng như biến chứng của viêm tụy cấp như là đánh giá bờ tụy, tổn thương nhu mô, mức độ hoại tử, đám dịch quanh tụy.

ERCP (chụp mật tụy ngược dòng) tuy không có vai trò trong chẩn đoán viêm tụy cấp nhưng có vai trò trong chẩn đoán phân biệt ở trường hợp viêm tụy cấp do tụy phân đôi (pancreas divisum) hoặc bệnh lý cơ Oddi, và điều trị cấp cứu viêm tụy cấp do sỏi, giun.

Siêu âm nội soi (EUS) nhạy trong phát hiện viêm tụy cấp do sỏi. Rất ít áp dụng trong giai đoạn cấp.

Siêu âm ổ bụng
Siêu âm là phương tiện tốt để chẩn đoán viêm tụy cấp, mức độ viêm tụy

4. Điều trị viêm tụy cấp

Nhịn ăn: bệnh nhân không ăn uống cho tới khi triệu chứng đau giảm, sôi bụng trở lại.

Đặt ống thông tá tràng, hút dịch, lưu ống thông cho đến khi bệnh nhân đỡ nôn, giảm trướng bụng.

Chăm sóc theo dõi chặt các chỉ số sống, độ bão hoà oxy, nếu có các dấu hiệu nước tiểu ít, rối loạn huyết động, giảm độ bão hoà oxy máu chuyển đơn vị điều trị tích cực.

Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch: bệnh nhân được truyền qua đường tĩnh mạch để đảm bảo đủ nước, điện giải và năng lượng (các dung dịch muối, đường, các acid amin, ...). Tốc độ truyền dịch tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân, nếu bệnh nhân có biểu hiện tụt áp thì truyền tốc độ nhanh đến khi đảm bảo được huyết động ổn định, duy trì tốc độ truyền 250-500ml/giờ. Đặt ống thông tá tràng cho thức ăn xuống ruột non cho kết quả không kém nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.

Giảm đau: dùng các thuốc giảm đau theo đường tĩnh mạch sử dụng theo cung bậc từ paracetamol đối với các trường hợp đau nhẹ và vừa, với các trường hợp dùng các thuốc giảm đau thông thường không đỡ thì có thể dùng morphine.

Kiểm soát các rối loạn chuyển hoá: kiểm soát chặt đường máu giúp sớm cải thiện triệu chứng lâm sàng, cũng như hạn chế các biến chứng của viêm tụy cấp, calci huyết giảm là một trong yếu tố làm nặng bệnh tuy nhiên phải bù calci từ từ, tăng triglycerid có thể là hậu quả hoặc nguyên nhân của viêm tụy cấp nên định lượng lại và điều chỉnh khi viêm tụy cấp ổn định, trong trường hợp triglycerid tăng quá cao có thể tiến hành lọc huyết tương.

Kháng sinh: trong trường hợp viêm tụy cấp nhẹ không có chỉ định dùng kháng sinh, tuy nhiên trong các ca viêm tụy cấp nặng đặc biệt là trường hợp viêm tụy cấp hoại tử có nguy cơ nhiễm khuẩn phổi, đường niệu thì có chỉ định kháng sinh nên chọn các kháng sinh thâm nhập vào tổ chức tụy tốt như metronidazol, quinolon, cephalosporin thế hệ 3, imipenem.

Các thuốc: giảm tiết acid dịch vị.

CT, MRI hoặc EUS xác định nguyên nhân do sỏi mật, các biến chứng tại chỗ đẻ có thể tiến hành làm ERCP giải quyết nguyên nhân gây viêm tụy cấp cấp cứu.

Sử dụng thuốc như các loại kháng sinh, NSAID...cũng có thể gây tăng bạch cầu ái toan tại đường tiêu hoá
Trong các ca viêm tụy cấp nặng đặc biệt là trường hợp viêm tụy cấp hoại tử có nguy cơ nhiễm khuẩn phổi, đường niệu thì có chỉ định kháng sinh

5. Cách phòng bệnh viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp thường do sỏi mật hoặc uống quá nhiều rượu. Vì vậy một lối sống lành mạnh có thể làm giảm cơ hội phát triển tình trạng này.

  • Sỏi mật: Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sỏi mật là ăn nhiều rau củ quả mỗi ngày. Ăn nhiều bánh mì nguyên hạt, yến mạch và gạo nâu, giảm chất béo - điều này giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể bạn. Thừa cân cũng làm tăng cơ hội phát triển sỏi mật. Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.
  • Rượu: giảm uống rượu, điều này giúp ngăn ngừa tuyến tụy của bạn bị hư hại. Không uống hơn 14 đơn vị một tuần, trải đều từ 3 ngày trở lên. Một đơn vị rượu bằng khoảng một nửa lít rượu mạnh có độ mạnh bình thường hoặc rượu rất mạnh là 25ml . Một ly rượu nhỏ (125ml) hoặc alcopop là 1,5 đơn vị.Nếu bị viêm tụy cấp do uống quá nhiều rượu, bạn nên tránh hoàn toàn.
  • Không hút thuốc lá

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán viêm tụy cấp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: