Chèn ép khoang cấp tính (CEK) do gãy xương

Chèn ép khoang cấp tính do gãy xương là một biến chứng nguy hiểm và không hiếm gặp trong gãy xương. Chèn ép khoang sau gãy xương có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ phải cắt cụt chi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

1. Chèn ép khoang cấp tính do gãy xương là gì?

Chèn ép khoang cấp tính (CEK) là tình trạng tăng áp lực tại mô trong khoang kín (khoang được giới hạn bởi xương, cân cơ, mạc và vách liên cơ), đây là nơi mà các mạch máu và thần kinh chi phối đi qua, việc tăng áp lực khoang là cho các mạch máu bị chèn ép không nuôi dưỡng được phần chi bên dưới. Từ đó dẫn tới hoại tử cơ và liệt thần kinh chi phối.

Chèn ép khoang cấp tính do gãy xương là một biến chứng nguy hiểm xảy ra sau gãy xương. Đặc biệt hay gặp sau gãy xương cẳng tay hay gãy xương cẳng chân. Chèn ép khoang hay gặp trong trường hợp gãy xương kín.

Hội chứng chèn ép khoang
Chèn ép khoang cấp tính

2. Dấu hiệu chèn ép khoang cấp tính

Bệnh nhân sau khi gãy xương thấy biểu hiện như:

  • Cảm thấy đau bất thường: Có cảm giác như cả phần chi có tổn thương chèn ép khoang bị bóp chặt, cảm thấy rất đau khi bị sờ nắn, thực hiện động tác co cơ hoặc khi vận động thụ động các ngón.
  • Vùng chi bị tổn thương căng phồng, có thể xuất hiện các nốt phồng trên da. Đo vòng chi thấy tăng chu vi rõ rệt so với bên lành. Đây là một dấu hiệu sớm của chèn ép khoang cấp tính do gãy xương gây ra, gặp ở tất cả các bệnh nhân, nên cần nắm được triệu chứng này với những bệnh nhân gãy xương
  • Bị liệt hoặc rối loạn vận động ở các ngón tay hoặc ngón chân
  • Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân thấy cảm giác tê bì, mất cảm giác ngày một nặng lên
  • Thay đổi nhiệt độ trên da: Vùng da bên dưới vị trí chèn ép khoang do giảm nuôi dưỡng từ mạch máu, nên thường lạnh hơn so với bên lành
  • Trường hợp chèn ép khoang do gãy xương cẳng tay thấy: Mạch quay và mạch trụ của bệnh nhân khó bắt hơn, sau đó trở nặng và cuối cùng là không bắt được hai mạch này ở cẳng tay của bệnh nhân
  • Trường hợp chèn ép khoang do gãy xương cẳng chân: Mạch mu chân và ống gót yến hơn so với bên lành hoặc nặng thì không bắt được mạch
Rối loạn vận động
Dấu hiệu chèn ép khoang cấp tính có thể là rối loạn vận động ở các ngón tay hoặc ngón chân

3. Phương pháp chẩn đoán chèn ép khoang cấp tính

Ở những bệnh nhân sau khi gãy xương, lại xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ của một tình trạng chèn ép khoang cấp tính thì cần tiến hành đo áp lực khoang của bệnh nhân.

Cách đo áp lực trong khoang bằng phương pháp Whitesides

  • Chuẩn bị dụng cụ đo gồm: Dụng cụ dùng để đo: Một vòi có ba chạc, bơm tiêm 20ml, một loại kim cỡ 18, dây nhựa để nối van với bơm tiêm và huyết áp kế thủy ngân, chai huyết thanh mặn đẳng trương.
  • Các bước tiến hành đo:
  • Lấy vào bơm tiêm 10ml khí.
  • Lấy vào ống dẫn khoảng 2ml nước muối sinh lý đẳng trương và nối với kim tiêm số 18.
  • Nối những dụng cụ gồm huyết áp kế, bơm tiêm và dây dẫn vào van 3 chạc.
  • Mở các đường của van 3 chạc.
  • Sát trùng, trải xăng vùng chi cần đo áp lực khoang.
  • Chọc một kim vuông góc qua da và cân vào trong khoang. Quan sát đoạn dịch trong ống dẫn và thủy ngân trong huyết kế. Khi đó cột thủy ngân sẽ tăng dần, đến khi bằng với áp lực trong khoang thì đoạn dịch trong ống nối sẽ dịch chuyển. Mức áp lực ở cột thủy ngân tại thời điểm đoạn dịch trong ống nối di chuyển chính là số đo của áp lực khoang.
  • Lần lượt tiến hành đo các khoang ở chi tổn thương. Mỗi khoang tại các chi cần đo ở 2 vị trí khác nhau.
  • Nhận định kết quả
  • Nếu áp lực khoang < 10mmHg là bình thường.
  • Nếu áp lực khoang ≥ 10mmHg là có tăng áp lực khoang.
  • Nếu áp lực khoang ≥ 30mmHg có chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở cân để giải phóng chèn ép.
Thuốc điều trị tăng huyết áp, vì sao phải uống lâu dài?
Sử dụng các loại thuốc giảm đau, giảm phù nề để điều trị chèn ép khoang cấp tính

4. Điều trị chèn ép khoang cấp tính

Tùy vào mức độ và các giai đoạn của tình trạng chèn ép khoang cấp tính mà có biện pháp điều trị phù hợp, có thể là điều trị bảo tồn giữa phẫu thuật.

  • Giai đoạn dọa chèn ép, trong trường hợp chèn ép khoang dưới 6h và áp lực khoang thấp. Thì việc điều trị chủ yếu là điều trị bảo tồn. Các phương pháp điều trị bảo tồn bảo tồn bao gồm:
  • Tháo bỏ các nguyên nhân gián tiếp gây chèn ép bên ngoài: Cắt bột, cắt băng, cắt chỉ khâu...
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau, giảm phù nề.
  • Kê chi cao: Tuy nhiên chú ý không kê quá cao, nếu kê cao sẽ làm tình trạng chèn ép khoang nặng hơn.
  • Theo dõi diễn biến bệnh, nếu sau 2 giờ mà các triệu chứng không giảm. Thì không tiếp tục điều trị bảo tồn mà cần phải phẫu thuật để giải chèn ép.
  • Giai đoạn sau chèn ép khoang từ 6-15 giờ, nếu áp lực khoang lớn hơn 30mmHg cần phải giải chèn ép nhanh chóng bằng phương pháp phẫu thuật, rạch vùng da và cân rộng.
  • Giai đoạn muộn > 15 giờ: Thường vùng chi đã bị hủy hoại, hoại tử. Trường hợp này thường phải giải chèn ép và cắt cụt chi. Nguy cơ trụy tim mạch do bị chèn ép kéo dài cần xử lý.

5. Phòng ngừa chèn ép khoang cấp sau gãy xương

  • Cần thăm khám kỹ tránh bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ có chèn ép khoang
  • Không nên băng bó chật, tăng nguy cơ bị chèn ép khoang
  • Kê cao chi gãy vừa phải và nên tập vận động sớm để giảm bớt phù nề

Chèn ép khoang cấp tính do gãy xương cần được phát hiện và điều trị sớm. Sau khi có những chấn thương xảy ra, nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ tình trạng chèn ép khoang. Cần tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan