Chỉ định gây mê phẫu thuật chấn thương sọ não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quốc Tuấn - Bác Sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Gây mê trong quá trình phẫu thuật chấn thương sọ não là sử dụng tác động của thuốc lên não nhằm khiến cho người bệnh mất cảm giác toàn thân. Mục đích chính của quy trình này chính là hạn chế hoặc loại bỏ đi tất cả những nguyên nhân có thể gây ra tăng áp lực nội sọ, đồng thời giúp kiểm soát chặt chẽ tình trạng hô hấp và tuần hoàn của người bệnh.

1. Vai trò của bước gây mê trong phẫu thuật các chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não dùng để chỉ những tác động từ ngoại lực lên đầu hoặc bệnh nhân phải chịu các chấn thương xuyên qua sọ khiến phá vỡ các chức năng cơ bản của não bộ.

Bệnh nhân có thể bị chấn thương sọ não vì nhiều nguyên nhân, ví dụ như gặp phải những va chạm đột ngột và mạnh vào vật nào đó, hoặc do bị vật sắc đâm xuyên qua hộp sọ và đi vào trong mô não. Trong đó có rất nhiều loại chấn thương sọ não yêu cầu bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật để đảm bảo được tính mạng như: máu tụ bên ngoài màng cứng, lún sọ, dập não,...

Gây mê phẫu thuật chấn thương sọ não được có thể sử dụng thuốc tiêm vào trong tĩnh mạch hoặc cho người bệnh ngửi thuốc mê thông qua đường thở.

Nhờ sử dụng thuốc gây mê, người bệnh sẽ không còn nhận thức trong thời gian ngắn, và không phải chịu cảm giác đau đớn khi mổ. Đa số các trường hợp dùng thuốc gây mê trong phẫu thuật chấn thương sọ não là gây mê toàn thân và có đặt thêm nội khí quản với mục đích chính là kiểm soát được hô hấp của người bệnh trong toàn bộ ca phẫu thuật cũng như quá trình hồi sức sau khi phẫu thuật.

Gây mê trong phẫu thuật chấn thương sọ não còn để đảm bảo quy trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, tránh những tổn thương thứ phát và có thể duy trì được hồi sức tốt trước những tình huống có thể xảy ra bất ngờ trong ca mổ như phù não nặng, bệnh nhân mất máu nhiều,...

Bệnh nhân được gây mê toàn thân khi phẫu thuật
Bệnh nhân được thực hiện gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật

2. Chỉ định gây mê phẫu thuật chấn thương sọ não khi nào?

Bệnh nhân được chỉ định tiến hành gây mê trong phẫu thuật chấn thương sọ não trong những trường hợp sau:

  • Máu tụ bên dưới màng cứng: lượng máu tụ được xác định đang nằm ở giữa của mặt trong màng cứng và phần vỏ não, thường do bị rách những tĩnh mạch cầu nối, bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật giải ép, đồng thời lấy máu tụ.
  • Máu tụ bên ngoài màng cứng: do tĩnh mạch của vỏ não hoặc là rách động mạch màng não gây nên, cũng có thể kết hợp thêm với các va chạm hoặc dập tổ chức. Dẫn đến hình thành những khối máu tụ nằm bên trong xương sọ và bên ngoài màng cứng, để xử trí những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lấy máu tụ.
  • Máu tụ được xác định nằm bên dưới của màng cứng bán cấp và vùng mãn tính: bệnh nhân được yêu cầu sử dụng gây mê trong phẫu thuật nhằm khoan sọ để dẫn lưu máu tụ.
  • Lún sọ hoặc lõm sọ: sử dụng gây mê trong phẫu thuật nâng sọ lún, sọ lõm.
  • Những vết thương sọ não hở: nhiều trường hợp chấn thương sọ não có liên quan đến sự thông thương giữa những cấu trúc bên trong hộp sọ với môi trường bên ngoài, lúc này bệnh nhân sẽ được gây mê để tiến hành làm sạch dị vật và vá màng cứng.
  • Dập não, máu tụ bên trong não: là tổn thương tế bào não đi kèm theo xuất huyết. Dập não thường gặp hơn tại những vùng sạn sọ hoặc là thùy trán, hay thái dương vì não chạm vào những gờ xương của các vùng này. Ngoài ra, cũng có thể do máu tụ trong mô não, bệnh nhân cần được phẫu thuật giải ép, đồng thời lấy máu tụ ra ngoài.
Máu tụ dưới màng cứng
Bệnh nhân bị máu tụ dưới màng cứng được chỉ định tiến hành gây mê

3. Những cách gây mê trong các phẫu thuật chấn thương sọ não

Tiền mê

  • Chấn thương sọ não cấp độ nặng: không nên sử dụng tiền mê vì có nguy cơ bị suy cấp hô hấp. Thay vào đó, bệnh nhân sẽ được khởi mê đặt nội khí quản nhanh chóng để kiểm soát hô hấp và đường thở.
  • Chấn thương sọ não cấp độ nhẹ: có thể sử dụng tiền mê giúp an thần, đường thở và đường hô hấp cần được theo dõi liên tục trong suốt quá trình khởi mê.
  • Chấn thương sọ não với cấp độ kích động: sử dụng khởi mê đặt nội khí quản thay vì khởi mê do khởi mê lúc này không có tác dụng.

Gây mê tại chỗ

Chỉ được chỉ định trong một số trường hợp như:

  • Bệnh nhân bị tổn thương não do máu tụ mãn tính hoặc lún sọ, lõm sọ.
  • Tri giác: vì bệnh nhân không hợp tác, bị kích động.
  • Bác sĩ phẫu thuật yêu cầu và có chỉ định.

Gây mê đặt nội khí quản

Gồm 4 thao tác vô cùng quan trọng:

  • Khởi mê: quá trình đặt ống nội khí quản có thể gặp phải khó khăn do tác động ảnh hưởng từ chấn thương sọ não hoặc do chiều hướng, tư thế đặt bắt buộc. Ngoài ra, không thể đặt ống nội khí quản hoặc sonde dạ dày qua đường mũi khi bệnh nhân có hiện tượng bị vỡ nền xương sọ vì có nguy cơ gây ra tổn thương mô não từ chính các đường của xương vỡ.
  • Duy trì mê: hạn chế sử dụng các loại thuốc có khả năng bốc hơi với lưu lượng cao. Bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc sau khi đã tiến hành thông khí nhân tạo hoặc sau thời điểm hộp sọ đã được mở ra. Ngoài ra, để đảm bảo giãn cơ đủ cần bổ sung thêm giảm đau và thuốc ngủ giúp phòng tránh trường hợp bệnh nhân ho hoặc cử động trong quá trình mổ.
  • Ứng phó duy trì mê: những tình trạng có thể xảy ra trong quá trình duy trì mê như mất máu, tắc mạch do khí hoặc phù não tăng lên cần được phát hiện và xử trí kịp thời để không đe dọa đến tính mạng người bệnh.
  • Thoát mê: các trường hợp bệnh nhân bị chấn thương ở mức độ nặng và có chỉ số GCS dưới 9 thì cần phải duy trì sử dụng thuốc an thần bằng máy thở ngay sau khi tiến hành phẫu thuật. Đặc biệt, khi đã rút ống thở thì bệnh nhân cần được theo dõi liên tục nhằm phòng tránh những tình huống rối loạn hô hấp hay hệ tuần hoàn.

Chỉ định gây mê phẫu thuật chấn thương sọ não là một thao tác cần thiết và đặc biệt không thể chủ quan. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ca mổ diễn ra thành công và phòng tránh những tổn thương thứ phát có thể xảy ra, đồng thời duy trì hồi sức tốt trước những tình huống bất ngờ như phù não nặng, mất máu nhiều,...

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á.

Bác sĩ Quốc Tuấn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - hồi sức tại Bệnh Viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng và Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Phú Yên trước khi là bác sĩ Gây mê hồi sức tại Đơn nguyên Phòng mổ - khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang như hiện nay.

Để đăng ký khám và điều trị nhanh nhất, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

931 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan