Chụp MRI não: Khi nào cần tiêm thuốc cản quang?

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Hạnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chụp cộng hưởng từ (MRI) được coi là phương pháp đánh giá sọ não không xâm lấn tối ưu, giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá những bất thường của sọ não. Thông thường chụp MRI sọ não không cần tiêm thuốc tương phản, tuy nhiên trong một số bệnh lý, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thường chỉ định chụp và tiêm thuốc tương phản để làm rõ các cấu trúc tổn thương.

1. Có phải tất cả trường chụp MRI não đều cần sử dụng thuốc cản quang không?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) được coi là phương pháp đánh giá sọ não không xâm lấn tối ưu nhất, giúp phát hiện và đánh giá nhiều bệnh hay bất thường của sọ não do hình ảnh rõ nét, chi tiết, quan sát được cả mạch não. Hầu hết các thăm khám cộng hưởng từ sọ não không cần tiêm thuốc tương phản, tuy nhiên trong một số bệnh lý như các bất thường mạch máu, u não, viêm não, viêm màng não, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thường chỉ định chụp, đồng thời tiêm thuốc tương phản để làm rõ các cấu trúc tổn thương, hoặc đánh giá động học của thuốc, tình trạng tưới máu của tổn thương để từ đó có thêm thông tin để chẩn đoán.

2. Các trường hợp cần sử dụng thuốc đối quang từ

Các trường hợp chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang như sau:

  • Đánh giá cấu trúc giải phẫu: Giải phẫu mạch não, các biến thể giải phẫu, các dị dạng mạch não, phình mạch não...
  • Đánh giá tích chất ngấm thuốc, động học của thuốc trong các tổn thương u ( U màng não, U dây thần kinh sọ, chụp Dynamic trong u tuyến yên, Perfusion giúp phân độ trong u não..).
  • Đánh giá tích chất ngấm thuốc của tổn thương trong viêm não, viêm màng não..
phình động mạch trong sọ chưa vỡ của AHA
HÌnh ảnh phình mạch não trên kết quả chụp cộng hưởng từ

3. Tác dụng của thuốc đối quang từ trên bệnh nhân

Thuốc tương phản được sử dụng trong MRI được gọi là Gadolinium ít có khả năng tạo ra phản ứng dị ứng hơn các vật liệu dựa trên iot được sử dụng để chụp x-quang và CT. Rất hiếm khi, bệnh nhân bị dị ứng với thuốc tương phản. Nếu có phản ứng thường nhẹ và dễ dàng kiểm soát bằng thuốc. Phản ứng nặng là rất hiếm.

Theo đó, xơ hóa thận (NSF) là một biến chứng hiếm gặp ở bệnh nhân mắc bệnh thận trải khi chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc tương phản. Chất tương phản dựa trên Gadolinium có thể được giữ lại ở một số bệnh nhân bị bệnh thận nặng.

Một số bằng chứng cho thấy có lượng nhỏ của gadolinium có thể được giữ lại trong các cơ quan khác nhau của cơ thể, bao gồm cả não, sau khi chụp MRI tương phản. Mặc dù không có tác dụng tiêu cực nào được biết đến từ điều này, Tuy nhiên bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo cần cân nhắc chụp cộng hưởng từ với thuốc tương phản nhiều lần.

Các tác dụng không mong muốn của thuốc tương phản: thuốc tương phản gadolinium khi sử dụng có thể xảy ra các phản ứng có hại của thuốc (ADR).

  • Nhẹ thường gặp: Cảm giác nóng theo đường tĩnh mạch từ vị trí tiêm lan lên cổ và mặt, ngứa, nổi mề đay, buồn nôn, nôn, rối loạn vị giác, hắt hơi, lo âu.
  • Trung bình ít gặp: Các dấu hiệu kể trên ở mức cao hơn, đặc biệt là nổi mề đay, nôn, khó thở và lo sợ. Co thắt phế quản làm tăng thêm khó thở, hạ huyết áp.
  • Nặng hiếm gặp: Các dấu hiệu mô tả như trên ở mức rất nặng, đặc biệt là khó thở, co thắt phế quản, tụt huyết áp, co giật toàn thể. Rối loạn ý thức, phù thanh môn. Truỵ tim mạch có thể xảy ra cùng với phù phổi; rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim.
  • Tỷ lệ gặp phản ứng nặng khoảng 0,2% các trường hợp sử dụng thuốc tương phản, có trường hợp tử vong.
Dị ứng thời tiết nổi mề đay
Tình trạng nổi mề đay thường gặp trên một số bệnh nhân sau dùng thuốc thuốc tương phản

4. Xử trí các tác dụng không mong muốn của thuốc tương phản

Xử trí tác dụng phụ của thuốc tương phản bằng các cách sau đây:

  • Ngừng ngay thuốc tương phản đang sử dụng
  • Phản vệ nhẹ (mày đay, phù mạch): tiêm tĩnh mạch Solumedrol 40mg và/hoặc Dimedrol 10mg, chuyển người bệnh sang khoa cấp cứu theo dõi để xử trí kịp thời nếu có phản vệ chuyển nặng.

Nếu trong trường hợp phản vệ nặng và nguy kịch cần tiêm Adrenalin. Bù dịch bằng natri clorid 0,9% 1000-2000ml với người lớn hoặc 10-20 ml/kg cân nặng với trẻ em. Để người bệnh nằm tại bàn chụp, đầu thấp, chân cao, cho người bệnh nằm nghiêng nếu có nôn.

Tùy thuộc mức độ khó thở có thể sử dụng các biện pháp: Cho người bệnh thở oxy 6-10 lít/phút đối với người lớn, 2-4 lít/phút đối với trẻ em. Đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo, mở khí quản nếu phù thanh môn.


Quý khách có nhu cầu khám bệnh bằng các phương pháp hiện đại, đạt hiệu quả cao tại Vinmec vui lòng đăng ký khám TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan