Chụp số hóa xóa nền và nong cầu nối tự thân AVF

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Cầu nối tự thân AVF là một trong những vấn đề sống còn đối với người bệnh mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Khi các cầu nối này tạo ra ngày càng nhiều thì cơ thể người bệnh càng dễ bị tổn thương, phát sinh nhiều biến chứng.

1. Giải phẫu cấu trúc cầu nối AVF

Cầu nối tự thân AVF (arteriovenous fistula) là một dạng tuần hoàn không bình thường, gây xơ hóa thành mạch, cướp máu của vùng ngọn chi, huyết khối lòng mạch, tăng tiền gánh cho tim,... Cầu nối AVF có nhiều dạng và ở vị trí khác nhau nhưng nhìn chung tất cả đều có cấu trúc cơ bản bao gồm:

  • Động mạch đến (inflow artery): Phần động mạch trước miệng nối.
  • Động mạch đi (outflow artery): Phần động mạch sau miệng nối.
  • Miệng nối (anastomosis): Vị trí tạo ra sự thông thương trực tiếp giữa động mạch (ĐM) và tĩnh mạch (TM).
  • Đoạn hiệu dụng (useable segment): Đoạn tĩnh mạch sử dụng để cắm kim lọc máu.
  • Tĩnh mạch dẫn lưu ngoại biên (outflow vein): Phần TM dẫn lưu ngay sau đoạn hiệu dụng, có thể có một hoặc nhiều kênh dẫn lưu.
  • Tĩnh mạch dẫn lưu trung tâm (central venous return): Phần TM dẫn lưu gần gốc chi, thường đề cập đến TM dưới đòn, TM cánh tay đầu, TM chủ trên.

Trong trường hợp, vòng tuần hoàn bệnh lý bị tạo ra quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến người bệnh, phát sinh nhiều biến chứng và đặc biệt là với mô mềm. Vì vậy, cần sử dụng các biện pháp có thể để kéo dài tuổi thọ của cầu nối. Trong đó phương pháp nong tạo hình lòng mạch bằng bóng là phương pháp điều trị tái thông cầu nối AVF/AVG được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Cầu nối tự thân AVF
Cầu nối tự thân AVF gây xơ hóa thành mạch, cướp máu của vùng ngọn chi

2. Những trường hợp chỉ định, chống chỉ định nong cầu nối tự thân AVF

2.1 Chỉ định

  • Hẹp tắc cầu nối > 50% đường kính lòng mạch.
  • Lưu lượng qua cầu nối giảm < 300ml/phút.

2.2 Chống chỉ định

  • Nhiễm trùng da vùng mở đường vào lòng mạch.
  • Dị ứng thuốc đối quang i-ốt.
  • Rối loạn đông máu và mất kiểm soát (prothrombin 1.5, số lượng tiểu cầu < 50 G/l).
  • Phụ nữ có thai.
Rối loạn đông máu
Bệnh nhân rối loạn đông máu chống chỉ định thực hiện

3. Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi tiến hành nong cầu nối tự thân AVF?

Người bệnh cần được giải thích kỹ về các thủ thuật để có thể phối hợp với thầy thuốc. Trong khoảng 6 giờ trước khi tiến hành, người bệnh sẽ phải nhịn ăn, uống. Nếu quá khát thì vẫn có thể uống nước nhưng lượng nước không được vượt quá 50ml.

Tại phòng can thiệp, người bệnh nằm ngửa, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2. Sát trùng da sau đó phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ. Trong trường hợp người bệnh quá kích thích, không nằm yên thì cần cho thuốc an thần hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

4. Các bước tiến hành nong cầu nối tự thân AVF

Bước 1: Phương pháp vô cảm

Người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, đặt đường truyền tĩnh mạch.

  • Thường gây tê tại chỗ, có thể tiêm thuốc tiền mê trong những trường hợp ngoại lệ như trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) chưa có ý thức cộng tác hay quá kích động sợ hãi thì cần gây mê toàn thân khi làm thủ thuật.

Bước 2: Đặt ống vào lòng mạch

  • Tùy theo vị trí và mục đích can thiệp để mở đường vào lòng mạch theo vị trí hay chiều dòng chảy (xuôi dòng, ngược dòng).
  • Sử dụng bộ kim chọc siêu nhỏ 21G (micropuncture) chọc vào lòng mạch dưới hướng dẫn siêu âm.
  • Đặt ống vào lòng mạch thường quy.

Bước 3: Chụp mạch đánh giá tổn thương

  • Tiến hành chụp hệ thống cầu nối và mạch chi qua ống thông.
  • Đánh giá toàn bộ hệ thống mạch chi dưới.
Chụp số hóa xóa nền
Chụp số hóa xóa nền nhằm đánh giá tổn thương

Bước 4: Tiếp cận tổn thương

  • Dùng ống thông, dây dẫn và vi ống thông, vi dây dẫn để đi qua vị trí hẹp - tắc lòng mạch.
  • Áp dụng các kỹ thuật khác nhau, bao gồm trong lòng mạch và dưới nội mạc.

Bước 5: Can thiệp điều trị

  • Đưa bóng nong vào vị trí hẹp tắc qua dây dẫn.
  • Dùng bơm áp lực để bơm bóng, mở rộng lòng mạch.
  • Sau khi rút bóng, đưa giá đỡ lòng mạch (stent) vào vị trí hẹp - tắc đã được can thiệp.
  • Nong tạo hình lòng mạch trong giá đỡ (stent) bằng bóng.

Bước 6: Đánh giá sau can thiệp

  • Chụp mạch đánh giá sự lưu thông sau khi tái thông.
  • Đóng đường vào lòng mạch, kết thúc thủ thuật.

5. Các trường hợp tai biến và cách xử trí

5.1 Tụ máu tại vị trí mở đường vào lòng mạch

Thường xảy ra do cầu nối sau khi được tái thông sẽ làm cho áp lực máu trong lòng tĩnh mạch tăng. Cách xử trí là khâu da – tổ chức dưới da, băng ép hoặc phục hồi thành mạch.

5.2 Tắc mạch

Có thể tắc mạch vị trí hạ lưu hoặc mạch lân cận do huyết khối hoặc mảng xơ vữa di chuyển. Xử trí bằng phương pháp hút huyết khối ngay trong khi can thiệp, đồng hợp sử dụng thuốc chống đông sau can thiệp.

Huyết khối
Người bệnh có thể tắc mạch vị trí hạ lưu hoặc mạch lân cận do huyết khối

5.3 Co thắt mạch

Theo dõi chờ 10-15 phút hoặc dùng thuốc giãn mạch chọn lọc.

5.4 Đứt gãy ống thông hoặc dây dẫn trong lòng mạch

Phải dùng dụng cụ chuyên biệt để lấy qua đường can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật.

Các kỹ thuật này khá phức tạp và cần phải được thực hiện ở các bệnh viện lớn với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

532 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan