Diệt hạch điều trị đau dây V số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Kỹ thuật diệt hạch được thực hiện dưới máy chụp mạch số hóa xóa nền là một kỹ thuật ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả cao. Có đến 80- 90% bệnh nhân giảm đau hoàn toàn sau khi thực hiện thủ thuật, số bệnh nhân còn lại còn đau nhưng mức độ đau giảm đáng kể, không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

1. Tổng quan về bệnh đau dây V

Đau dây thần kinh số V được định nghĩa là tình trạng đau xảy ra ở một hoặc nhiều vùng chi phối cảm giác của dây thần kinh số V. Đau dây V còn có nhiều tên gọi khác như đau dây tam thoa (Trigeminal neuralgia), đau giật mặt (painful twitch), đau mặt (Trifacial neuralgia), bệnh Fothergill,... Bệnh đặc trưng bởi những cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng mặt, cảm giác đau nhức nhối hoặc đau nhói như bị sốc điện, hay tái phát từng đợt. Đau thường xuất hiện ở một bên mặt, vị trí đau bên phải hay gặp hơn bên trái, đau có thể tự phát hoặc khởi phát sau khi ăn, nhai, đánh răng, rửa mặt,... Cơn đau thường kèm theo cơ giật cơ mặt, vã mồ hôi, sổ mũi, rớt dãi.

Lúc mới khởi phát, cơn đau chỉ kéo dài một vài giây, đau mức độ nhẹ. Theo thời gian, cơn đau kéo dài và xuất hiện thường xuyên hơn. Đau dây V được miêu tả là cơ đau khủng khiếp nhất mà con người biết đến. Sự đau đớn do bệnh gây ra ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, do đó đau dây V còn có một tên gọi khác là “bệnh tự sát- suicide disease”, vì nhiều người mắc bệnh này đau đớn đến mức không thiết sống, có người muốn tự sát.

Đau dây thần kinh số V
Đau dây thần kinh số V làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh

Bệnh đau dây V thường gặp ở người sau 40 tuổi (hơn 90%), tỷ lệ bệnh ở nữ cao gấp đôi nam, tỷ lệ mắc bệnh là 4-5 ca/100.000 người dân. Hầu hết các trường hợp bệnh không rõ nguyên nhân, các trường hợp này được gọi là đau dây V vô căn hay tiên phát. Cơ chế của bệnh tuy chưa rõ ràng nhưng giả thuyết được nhiều người thừa nhận đó là do sự tiếp xúc giữa một mạch máu bình thường (động mạch hoặc tĩnh mạch) với dây thần kinh V tại nền não. Sự đè ép liên tục của mạch máu vào rễ thần kinh lớp vỏ, kèm theo sự tác động của nhịp đập tim sẽ khuếch đại lên gây sự chà xát, mất lớp myelin ở vỏ tế bào thần kinh. Khi không có sự cách ly đáng kể, các tế bào thần kinh sẽ trở nên kích thích và phóng điện mất kiểm soát. Nhịp đập của mạch máu sẽ kích thích, gây khởi phát các cơn đau.

2. Điều trị đau dây V như thế nào?

Điều trị đau dây V thường bắt đầu bằng điều trị nội khoa với các loại thuốc giảm đau, chống co giật và ngăn chặn tín hiệu đau lên não. Các thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc chống co giật: carbamazepin, phenytoin, oxcarbazepin, lamotrigin,...
  • Thuốc chống co thắt: Baclofen
  • Vitamin nhóm B
  • Botox tiêm

Phần lớn bệnh nhân giai đoạn đầu đều đáp ứng với thuốc điều trị. Tuy nhiên sau một thời gian, khoảng 75% trường hợp sẽ không giảm đau khi dùng thuốc, người bệnh không thể chịu được cơn đau, lúc này để đảm bảo chất lượng cuộc sống bắt buộc người bệnh phải được điều trị ngoại khoa. Các phương pháp can thiệp ngoại khoa có thể được sử dụng như: ép bằng bóng ép cơ học, xạ trị bằng máy gia tốc hoặc gamma knife, giải phóng mạch quanh hạch gasser qua phẫu thuật,... Diệt hạch qua da thường là phương pháp cuối cùng được sử dụng để cắt cơn đau dây V cho người bệnh.

Trẻ mắc tay chân miệng độ 2 thường được điều trị bằng thuốc
Đau dây V có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc

3. Diệt hạch điều trị đau dây V số hóa xóa nền được thực hiện như thế nào?

Diệt hạch điều trị đau dây V được thực hiện dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Kỹ thuật chụp số hóa xóa nền là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số, sử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau tiêm chất cản quang. Ngoài ra, chụp số hóa xóa nền còn là phương tiện giúp hướng dẫn cho các thủ thuật xâm lấn thực hiện chính xác, an toàn.

Kỹ thuật diệt hạch điều trị đau dây V số hóa xóa nền được thực hiện như sau:

  • Bệnh nhân điều trị đau dây V được gây tê tại chỗ.
  • Dưới sự hướng dẫn của hình ảnh chụp mạch số hóa xóa nền, bác sĩ dùng kim chọc vào vị trí hạch dây V rồi tiêm cồn tuyệt đối hoặc đốt nhiệt bằng sóng cao tần.

Đây là một thủ thuật ít xâm hại, có độ an toàn cao. Thời gian thực hiện ngắn, chỉ khoảng 30 phút, ngay sau khi thực hiện xong người bệnh có thể ngồi dậy, ăn uống bình thường và xuất viện vào ngày hôm sau.

Diệt hạch điều trị đau dây V số hóa xóa nền phù hợp cho những người có tuổi, mắc các bệnh nội khoa mãn tính mà sức khỏe không đảm bảo cho việc gây mê, những bệnh nhân đau lại sau phẫu thuật. Phương pháp có nhiều ưu điểm là có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng, có thể thực hiện thủ thuật được nhiều lần, tỷ lệ giảm đau sau can thiệp cao. Khoảng 80-90% bệnh nhân giảm đau sau khi thực hiện diệt hạch, hiệu quả sau ba năm còn 54-64%.

Nhược điểm của phương pháp là tuy chỉ thực hiện trong 30 phút nhưng để đảm bảo an toàn, hiệu quả, diệt hạch điều trị dây V cần phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn sâu, có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống máy chụp số hóa xóa nền hiện đại.

Diệt hạch điều trị đau dây V số hóa xóa nền là một quy trình phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm thực hiện để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chỉ định chụp DSA mạch não
Hình ảnh máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan