Điều trị dị ứng mắt thế nào?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Bác sĩ Mắt, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Dị ứng mắt là bệnh lý khá phổ biến trong đời sống hằng ngày. Các trường hợp dị ứng mắt chủ yếu gây ra bởi những chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, bụi, lông thú vật, nấm mốc...

1. Dị ứng mắt là gì?

Dị ứng mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra khi mắt gặp phải một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định. Dị nguyên là chất gây dị ứng, thường gặp như phấn hoa, khói bụi, lông động vật,... Để chống lại các dị nguyên, một số tế bào bên trong mắt (gọi là các tế bào mast) phóng thích histamin và các chất khác để chống lại các chất gây dị ứng. Phản ứng này khiến mắt bạn bị đỏ, ngứa và chảy nước. Khác với viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus, viêm kết mạc dị ứng không lây lan từ người này sang người khác.

Dị ứng mắt cũng có thể là tác dụng phụ của một số mỹ phẩm, thuốc nhỏ mắt, dị ứng thức ăn,... Dị ứng mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm, đặc biệt vào mùa xuân, hè và thu khi cây, cỏ và hoa lá nở rộ.

2. Triệu chứng của dị ứng mắt

Những triệu chứng phổ biến của dị ứng mắt như như mắt ngứa, rát, chảy nước mắt, mắt đỏ, gỉ xung quanh mắt, mí mắt sưng tấy...Tình trạng này có thể xảy ra ở cả một hoặc hai mắt. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này có thể kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi.

Đau mắt đỏ
Dị ứng khiến mắt bị ngứa rát, đỏ ở một hoặc cả hai mắt

3. Điều trị dị ứng mắt

Cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng mắt là tránh các tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được, nhất là với những trường hợp dị ứng theo mùa. Bạn nên tìm hiểu xem nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng mắt của mình để hạn chế tiếp xúc với dị nguyên, nếu cần thiết, bạn có thể gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để thực hiện kiểm tra trên da hoặc xét nghiệm máu, giúp xác định các chất dị nguyên. thường xuyên đeo kính bảo vệ mắt, vệ sinh cá nhân tốt, hạn chế day dụi mắt, thận trọng khi dùng hoá chất, mỹ phẩm.

Khi có những triệu chứng của dị ứng mắt, bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ chỉ định dùng thuốc phù hợp, lưu ý không tự ý mua và sử dụng thuốc chữa dị ứng mắt. Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị khác nhau để giảm các triệu chứng dị ứng mắt.

  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin làm giảm các triệu chứng gây ra bởi các chất gây dị ứng trong không khí, chẳng hạn như ngứa, chảy nước mắt, sổ mũi và hắt hơi.
  • Thuốc co mạch: Có tác dụng làm mạch máu nhỏ lại, giảm tình trạng sưng nề của niêm mạc mắt hoặc mũi. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ giảm bớt các triệu chứng như bớt đỏ mắt, ngạt mũi, chứ không trị tận gốc được nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc co mạch
Thuốc co mạch giúp giảm tình trạng sưng nề của niêm mạc mắt
  • NSAIDs: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) được kê để giảm viêm hoặc sưng tấy, hoặc làm giảm bớt một số triệu chứng khác liên quan đến viêm kết mạc dị ứng theo mùa.
  • Nước mắt nhân tạo: Nhỏ nước mắt nhân tạo có thể giúp làm giảm cộm xốn mắt tạm thời bằng cách rửa chất gây dị ứng từ mắt. Đồng thời thuốc cũng giúp tăng độ ẩm cho mắt, giảm khô mắt, kích thích mắt.
  • Liệu pháp miễn dịch: đây là phương pháp tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách chích chứa một lượng nhỏ các chất gây dị ứng với liều tăng dần theo thời gian, để giúp cơ thể bạn trở nên miễn dịch với các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp hiệu quả hoàn toàn bởi mỗi lần cơ thể bạn có thể dị ứng với các chất khác nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan