Eicosapentaenoic Acid là gì?

EPA hay Eicosapentaenoic Acid là một axit béo thiết yếu có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tim và chức năng não. Eicosapentaenoic Acid có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá mòi,.. Nếu cơ thể thiếu EPA có thể gây một số ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, trí não và sự phát triển của thai kỳ...

1. Eicosapentaenoic Acid là gì?

Eicosapentaenoic Acid là một axit béo Omega 3 hay còn được gọi là “chất có tính lọc máu” và gọi tắt là EPA. Eicosapentaenoic Acid giúp sản xuất prostaglandin trong máu. Prostaglandin được biết giúp ức chế tạo các tiểu cầu nhằm làm giảm và ngăn ngừa chứng huyết khối, làm giảm cholesteroltriglycerides có trong máu. Thêm nữa, Eicosapentaenoic Acid còn có thể làm giảm độ quánh của máu và rất có ích trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch.

Ngoài ra Eicosapentaenoic Acid là dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc phát triển bình thường, khỏe mạnh của thai kỳ, phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ.

Cơ thể con người không thể tự tổng hợp nên Eicosapentaenoic Acid mà chủ yếu phải nạp từ bên ngoài. Trong tự nhiên Eicosapentaenoic Acid được tìm thấy nhiều trong các loại sinh vật biển như cá hồi, cá trích, cá mòi, hàu,...Tuy nhiên các thực phẩm này có thể khó tìm thấy trong mỗi bữa ăn hằng ngày do đó, mọi người có thể lựa chọn các thực phẩm chức năng chứa Eicosapentaenoic Acid như dầu cá, dầu tảo để bổ sung qua đường uống.

2. Công dụng của Eicosapentaenoic Acid với cơ thể

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Eicosapentaenoic Acid có tác dụng ức chế sự đông vón tiểu cầu, phòng ngừa và làm giảm sự hình thành huyết khối. Đồng thời có thể giảm bớt lượng cholesterol, giữ cho tuần hoàn máu được thông thoáng, chống viêm mạnh. Ngoài ra, Eicosapentaenoic Acid còn tác dụng làm giảm tình trạng xơ vữa động mạch nên có tác dụng tốt trong phòng chống và điều trị các bệnh lý tim mạch do xơ vữa mạch.

2.1. Với người cao tuổi

Ở độ tuổi càng cao thì cơ thể sẽ tổng hợp ngày càng ít DHA và EPA (Eicosapentaenoic Acid), và từ đó sẽ giảm thiểu chức năng tập trung và nhận thức của não.

Vì vậy bổ sung Eicosapentaenoic Acid cũng có thể giúp cải thiện tình trạng của những người cao tuổi mắc các bệnh lý về trí tuệ (như bệnh mất trí, chứng hay quên, khó tập trung...)

2.2. Với phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú

EPA - Eicosapentaenoic Acid cùng với DHA theo tỷ lệ vàng 4:1 chính xác trong sữa mẹ, giúp tăng cường sức khỏe sinh sản, tăng khả năng thụ thai, tăng cường miễn dịch và chống các bệnh ở phụ nữ mang thai thường gặp phải.

Mẹ bầu bổ sung đúng loại acid béo omega 3 có chứa DHA và EPA sẽ giúp thai nhi phát triển tốt nhất về não bộ và thể chất ngay từ trong bụng mẹ.

Eicosapentaenoic Acid giúp hạn chế sinh non, cải thiện dòng máu tới thai nhi giúp tăng mức độ tăng trưởng của thai nhi và tăng cân nặng khi sinh của trẻ.

2.3. Với thai nhi và trẻ nhỏ

Trẻ được bổ sung đầy đủ EPA - Eicosapentaenoic Acid ngay từ trong bụng mẹ và sau sinh đều có khả năng phát triển về não bộ và tư duy hơn hẳn so với những trẻ không được bổ sung EPA trong giai đoạn tương tự.

Eicosapentaenoic Acid cũng được ghi nhận là có vai trò tích cực với sự phát triển thị giác và sự tăng cân ở trẻ.

3. Cách dùng Eicosapentaenoic Acid hiệu quả

Thông thường Eicosapentaenoic Acid được bổ sung qua thực phẩm hằng ngày và qua đường uống và tùy vào từng trường hợp người dùng. Liều dùng EPA dao động từ 200-400mg tùy vào nhu cầu của cơ thể, trẻ em dao động từ 50-100mg mỗi ngày. Khuyến cáo nên sử dụng Eicosapentaenoic Acid trong các bữa ăn sẽ giúp hấp thu được tốt nhất.

  • Người bệnh máu nhiễm mỡ: Sử dụng Eicosapentaenoic Acid nguyên chất, liều dùng 2 gam/ngày cùng với chế độ ăn kiêng.
  • Người bị mắc bệnh tim: Một loại thuốc theo toa cụ thể có chứa EPA - Eicosapentaenoic Acid nguyên chất 4 gam/ngày đã được sử dụng trong khoảng 4 - 9 năm.
  • Đối với cơn đau tim: 1,8 gam EPA- Eicosapentaenoic Acid mỗi ngày kết hợp với "statin" đã được thực hiện trong một tháng hoặc một năm sau một thủ tục được gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI). Dùng 1,8 gam Eicosapentaenoic Acid mỗi ngày kết hợp với "statin" trong một tháng trước khi PCI cũng đã được sử dụng.

Trên đây chỉ là liều lượng sử dụng Eicosapentaenoic Acid tham khảo, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng chứa hàm lượng lớn EPA khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.

4. Eicosapentaenoic Acid gây ra tác dụng phụ gì?

Khi dùng EPA bằng đường uống thường an toàn đối với hầu hết người lớn. Hầu hết các tác dụng phụ của EPA đều nhẹ và có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, khó chịu ở bụng, ợ hơi.

Khuyến cáo tiêu thụ lượng EPA và các acid béo omega 3 khác ở mức vượt quá 3 gam mỗi ngày có thể sẽ làm chậm quá trình đông máu và có thể làm tăng khả năng chảy máu.

5. Các thực phẩm chứa Eicosapentaenoic Acid

Eicosapentaenoic Acid có mặt trong một số loại cá biển và tảo. Bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu EPA như: Cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu, cá ngừ, sữa bột, , sữa chua, phô mai, hàu, sò điệp, dầu gan cá tuyết, sữa mẹ,...

Ngoài ra có thể bổ sung thêm các viên uống có chứa Eicosapentaenoic Acid như dầu cá hoặc dầu tảo.Tuy nhiên cần có sự đồng ý của bác sĩ để mang lại hiệu quả điều trị.

Mong rằng qua bài viết trên, mọi người có thể hiểu rõ hơn về Eicosapentaenoic Acid - EPA cũng như tầm quan trọng của việc bổ sung EPA hàng ngày. Tuy nhiên mọi người không nên tự ý sử dụng Eicosapentaenoic Acid ở hàm lượng cao để điều trị bệnh lý khi chưa được kê đơn từ y bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan