Gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn siêu âm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đám rối thần kinh cánh tay là một bộ phận phức tạp, vì thế quá trình gây tê phần này cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Khi gây tê đám rối thần kinh cánh tay hay gây tê toàn bộ các nhánh thần kinh, bác sĩ sẽ cần sử dụng một thể tích thuốc tê lớn vì thể tích khoang này khá rộng.

1. Đám rối thần kinh cánh tay là gì?

Đám rối thần kinh cánh tay là bộ phận bắt nguồn từ các rễ thần kinh cổ C5, C6, C7, C8 và đôi khi có thêm nhánh nối từ C4 hoặc D1, D2.

Các rễ thần kinh này hợp lại thành 3 thân nhất. Trước khi vào tới hõm nách, các dây thần kinh cơ bì và dây thần kinh mũ sẽ tách ra khỏi đám rối. Với cấu trúc phức tạp như vậy, công việc gây tê các dây thần kinh này thường rất khó khăn và đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng tốt.

2. Nguyên lý gây tê đám rối thần kinh cánh tay

Đám rối thần kinh cánh tay
Tiêm thuốc gây tê càng trên xương đòn và gần cột sống thì khả năng gây tê các nhánh thần kinh càng dễ

Khi gây tê đám rối thần kinh cánh tay hay gây tê toàn bộ các nhánh thần kinh, bác sĩ sẽ cần sử dụng một thể tích thuốc tê lớn vì thể tích khoang này khá rộng. Do vậy, khi tiêm thuốc gây tê càng trên xương đòn và gần cột sống thì khả năng gây tê các nhánh thần kinh càng dễ.

Các trường hợp thất bại khi gây tê đám rối thần kinh cánh tay thường là do thể tích thuốc tê sử dụng không đủ lớn hoặc người thực hiện tiêm ra ngoài bao cân thần kinh và mạch máu.

Những chú ý khi tiến hành gây tê đám rối thần kinh cánh tay:

  • Phần trên và phía trong đám rối thần kinh cánh tay là các lỗ chia sát với tuỷ sống. Khi gây tê theo đường giữa các cơ bậc thang có thể chọc vào tủy sống và gây biến chứng gây tê tuỷ sống toàn bộ.
  • Ở bên dưới đám rối thần kinh cánh tay có đỉnh màng phổi. Khi tiến hành kỹ thuật theo đường trên xương đòn rất dễ chọc phải màng phổi và có thể gây trần khí màng phổi.

3. Chỉ định gây tê đám rối thần kinh cánh tay

Gãy xương đòn
Gây tê đường trên xương đòn/dưới xương đòn

3.1 Chỉ định chọn lựa kỹ thuật theo vị trí mổ

  • Gây tê theo đường nách: áp dụng cho các ca phẫu thuật từ khuỷu tay đến bàn tay và có gây tê thêm dây thần kinh cơ bì, dây thần kinh bì cánh tay trong.
  • Gây tê đường trên xương đòn/dưới xương đòn: áp dụng cho các ca phẫu thuật ở 1/3 dưới cánh tay trở xuống bàn tay.
  • Gây tê đường giữa các cơ bậc thang: áp dụng cho các ca phẫu thuật ở vùng vai trở xuống bàn tay.

3.2 Các chỉ định ngoại khoa

  • Sử dụng cho các ca phẫu thuật từ khuỷu tay xuống tới bàn tay hoặc phẫu thuật nằm ở chi trên nói chung.
  • Đặc biệt sử dụng cho các bệnh nhân có chống chỉ định gây mê toàn thân.

3.3 Các chỉ định nội khoa

  • Đau ở tay khi luyện tập.
  • Điều trị đau giữa các mỏm cụt hoặc đau do bị viêm thần kinh (zona).
  • Gây tê giảm đau trước khi tập vận động phục hồi chức năng các khớp của chi trên: khớp vai, khuỷu tay, cổ tay...

Các trường hợp thiếu máu của chi gây đau ưu tiên sử dụng kỹ thuật gây tê đám rối thần kinh cánh tay liên tục.

4. Chống chỉ định của gây tê đám rối thần kinh cánh tay

Vì gây tê đám rối thần kinh cánh tay là một thao tác phức tạp nên người thực hiện cần phải chú ý để tránh những trường hợp chống chỉ định sau đây:

  • Rối loạn đông máu, đang sử dụng các thuốc chống đông và có tình trạng nhiễm trùng tại chỗ chọc kim.
  • Bệnh nhân suy gan nên tránh dùng các thuốc tê nhóm ester.
  • Có tổn thương thần kinh ngoại vi hoặc trung ương của chi trên từ trước.
  • Chống chỉ định tương đối với bệnh nhân có rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, loạn nhịp tim.
  • Với các bệnh nhân có tiền sử hay đang bị tràn khí màng phổi, bị cắt phổi bên đối diện hoặc suy hô hấp nặng thì nên tránh gây tê trên đòn.
  • Bệnh nhân có tiền sử đái porphyric, sốt cao ác tính tránh dùng thuốc tê nhóm amid.
  • Bệnh nhân không hợp tác với thầy thuốc cũng không nên tiến hành gây tê đám rối thần kinh cánh tay.

5. Các biến chứng do gây tê đám rối thần kinh cánh tay và cách xử lý

5.1 Các tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh có thể do chọc kim, ngộ độc do thuốc tê hoặc adrenalin hoặc do người bệnh thiếu máu. Việc điều trị các biến chứng thuộc dạng này thường kéo dài và phức tạp. Vì vậy để tránh biến chứng người thực hiện cần áp dụng các biện pháp sau:

  • Không cố gắng tìm nhiều lần cảm giác dị cảm.
  • Không cố bơm thuốc tê khi bệnh nhân kêu đau chói dọc dây thần kinh
  • Không sử dụng các dung dịch thuốc tê quá đậm đặc.
  • Nếu chọc phải động mạch, cần phải ép vào chỗ chọc kim trong khoảng 5 phút nhằm tránh gây tụ máu và chèn ép các dây thần kinh.

5.2 Tác dụng gây tê lan tỏa

Những tác dụng gây tê lan tỏa có thể xảy ra khi tiến hành gây tê đám rối thần kinh cánh tay:

  • Gây tê hạch sao hoặc gây tê theo đường trên đòn có thể gây ra hội chứng Claude - Bernard - Horner.
  • Gây tê dây thần kinh hoành, đặc biệt là khi gây tê theo đường giữa các cơ bậc thang và đường trên đòn có thể gây suy thở do liệt cơ hoành.
  • Để tránh tình trạng này, các bác sĩ thường chỉ gây tê đám rối thần kinh một bên cánh tay và phải chuẩn bị sẵn phương tiện để cấp cứu suy hô hấp để xử lý những tình huống bất ngờ có thế xảy ra.

5.3 Tổn thương các cơ quan lân cận

  • Khi sử dụng đường chọc trên đòn có thể gây tràn khí màng phổi. Để tránh biến chứng này cần tôn trọng các mốc chọc, hướng chọc kim và chiều dài của kim không quá 30mm.
  • Khi áp dụng kỹ thuật chọc giữa các cơ bậc thang có thể chọc vào khoang ngoài màng cứng hoặc khoang dưới nhện. Để tránh tình trạng này người thực hiện không được hướng kim nằm ngang, dùng kim ngắn không quá 30mm.
  • Chọc và bơm thuốc tê vào mạch máu có thể tránh bằng cách luôn hút kiểm tra trước khi bơm thuốc tê.

Gây tê đám rối thần kinh cánh tay và phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao bởi đây là một bộ phận phức tạp và rất dễ gây biến chứng, bạn cần phải thận trọng khi lựa chọn và tiến hành ở các cơ sở y tế uy tín. Hiện tại trong hệ thống bệnh viện Vinmec, tất cả các bệnh nhân có chỉ định gây tê vùng nói chung hoặc gây tê đám rối thần kinh cánh tay nói riêng đều được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm kết hợp với máy kích thích thần kinh để tăng tỷ lệ thành công của kỹ thuật và giảm tối đa các tai biến và biến chứng của phương pháp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Thạc sĩ. Bác sĩ Tạ Quang Hùng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Hiện tại, đang là bác sĩ Gây mê hồi sức, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan