Hậu quả của hẹp ống sống

Hẹp ống sống là vấn đề có thể gặp ở bất cứ ai nhưng phổ biến nhất là ở nữ giới trên 50 tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe như tê bì, yếu tay chân, ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng. Một số trường hợp bệnh nghiêm trọng có thể làm mất kiểm soát bàng quang và ruột gây rối loạn tiểu tiện, tê liệt khiến người bệnh gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống.

1. Hẹp ống sống là tình trạng gì?

Trong cơ thể người, cột sống được cấu tạo từ nhiều đốt sống đan xen với đĩa đệm giảm sốc. Mỗi đốt sống lại có chứa một lỗ sống để tủy sống và các rễ thần kinh đi qua. Khi các đốt sống xếp chồng lên nhau, các lỗ sống sẽ khéo léo tạo thành một khoang trống xuyên suốt cột sống và được biết đến với cái tên phổ biến là ống sống.

Hẹp ống sống là tình trạng xảy ra khi khoang trống này bị thu hẹp dẫn đến hiện tượng chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh sẽ có cảm giác mỏi cổ, tê vai, đau lưng, cảm giác đau lan từ hông xuống 2 chân. Một số người có dấu hiệu bí tiểu, rối loạn cơ tròn, liệt (thậm chí có thể liệt nửa người, liệt hoàn toàn hay liệt tứ chi),... Tốc độ diễn tiến của bệnh thường diễn ra chậm, kéo dài trong nhiều năm hay thậm chí là hàng chục năm.

2. Nguyên nhân hẹp ống sống là gì?

Theo các bác sĩ, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này gồm có:

  • Người sinh ra đã có ống sống hẹp hơn so với bình thường.
  • Cơ thể thoái hóa làm dày dây chằng cột sống làm cho chúng chiếm nhiều khoảng trống trong lòng ống sống.
  • Gai xương phát triển ở phía bên trong ống sống.
  • Tình trạng viêm khiến các khớp cột sống phát triển to lên và chèn vào ống sống.
  • Thoát vị đĩa đệm, cột sống có khối u, chấn thương cột sống, mắc bệnh về xương...

3. Hậu quả của hẹp ống sống là gì?

Biến chứng của hẹp ống sống là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Trong một số trường hợp, hẹp ống sống thắt lưng có thể khiến người bệnh đau dai dẳng, thậm chí là liệt 2 chân. Cảm giác đau sẽ xuất hiện nhiều hơn, gia tăng về mức độ khi người bệnh đi bộ và giảm đau khi nghỉ ngơi.

Nếu bị hẹp ống sống cổ, tình trạng này có thể nguy hiểm hơn do sự chèn ép tủy sống có thể dẫn tới yếu 2 tay, thậm chí liệt tứ chi.

4. Giải pháp điều trị hiệu quả

Tùy tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị ống sống hẹp phù hợp nhất. Mục tiêu điều trị hướng đến việc cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh, cụ thể:

4.1. Phương pháp điều trị nội khoa

  • Bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc giảm đau và kháng viêm để kiểm soát các cơn đau và sưng.
  • Giảm đau bằng biện pháp tiêm ngoài màng cứng sử dụng thuốc cortisone. Phương pháp này không thể trị bệnh hẹp ống sống triệt để nhưng có thể giúp gia tăng hiệu quả giảm đau cho 50% các trường hợp.

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý đến việc vận động hàng ngày như:

  • Đi bộ cố gắng nghiêng người về phía trước, tỳ tay vào xe đẩy, sử dụng gậy thay vì đứng thẳng lưng khi đi bộ.
  • Ngồi đạp xe trong tư thế đổ lưng ra phía trước và tay chống vào tay lái.
  • Chú ý đến việc bảo vệ và ổn định cột sống bằng cách sử dụng ghế tựa cong lưng về phía trước.

3.2. Phương pháp phẫu thuật

Với những bệnh nhân đã áp dụng phương pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả, thậm chí các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Các phương pháp được lựa chọn áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật giải ép thần kinh để làm rộng ống sống.
  • Phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm kết hợp với tiến hành hàn xương.
  • Đặt thêm dụng cụ hỗ trợ hỗ trợ cột sống liên gai.
  • Phẫu thuật nội soi để tiến hành mở cửa sổ xương giải ép.

Trên đây là những chia sẻ liên quan đến tình trạng hẹp ống sống. Do vấn đề này có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bởi thế bạn cần lựa chọn giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần cải thiện triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

353 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan