Hình ảnh lao cột sống trên X quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Vi khuẩn này thường gây bệnh ở phổi (lao phổi), nhưng nó có thể lan sang các bộ phận khác, trong đó có lao cột sống.

1. Lao cột sống là gì?

Khi bệnh lao lan rộng ra ngoài phổi thì được gọi là bệnh lao ngoài phổi (EPTB). Một dạng của EPTB là bệnh lao xương và khớp với tỷ lệ chiếm khoảng 10% của tất cả các trường hợp EPTB tại Hoa Kỳ. Lao xương được hiểu là một dạng bệnh lao ảnh hưởng đến cột sống, các xương dài, khớp và loại lao xương phổ biến nhất là lao cột sống, bệnh lao xương có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào trong cơ thể.

Lao xương xảy ra khi người bệnh đã mắc bệnh lao phổi từ trước và nó lan ra ngoài phổi. Bệnh lao thường lây lan từ người sang người qua đường không khí. Sau khi mắc bệnh lao, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis có thể đi qua máu từ phổi hoặc các hạch bạch huyết đi vào xương, cột sống hoặc khớp. Lao xương thường hay xảy ở nơi có nguồn cung cấp máu phong phú như xương dài và đốt xương sống.

Bệnh lao xương tương đối hiếm, nhưng trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng lên ở các quốc gia đang phát triển do một phần sự lây lan đại dịch HIV/AIDS. Mặc dù hiếm gặp, tuy nhiên bệnh lao xương rất khó chẩn đoán và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác nếu không được điều trị.

Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân chính gây bệnh lao xương

2. Triệu chứng của lao cột sống

Để chẩn đoán bệnh lao cột sống không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra các triệu chứng cho đến khi bệnh đã tiến triển nặng hơn. Lao xương - đặc biệt là lao cột sống - rất khó chẩn đoán vì bệnh này không đau ở giai đoạn đầu và người bệnh có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi bệnh lao xương ở giai đoạn cuối cùng thì mới phát hiện, chẩn đoán, các dấu hiệu và triệu chứng thường đã tiến triển rất nặng.

Ngoài ra, đôi khi bệnh có thể nằm im trong phổi và di chuyển đến các bộ phận khác mà người bệnh không hề hay biết. Mặc dù vậy, một khi đã mắc bệnh lao cột sống sẽ có một số triệu chứng cần chú ý như sau:

  • Đau lưng dữ dội
  • Phù nề
  • Đơ cột sống và hạn chế vận động
  • Hình thành ổ áp xe

Khi bệnh lao cột sống tiến triển nặng hơn sẽ gây ra một số triệu chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Biến chứng thần kinh
  • Liệt
  • Ngắn chi dần dần ở trẻ em
  • Biến dạng xương

Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh lao cột sống có thể có hoặc không có các triệu chứng bệnh lao bình thường như:

  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Giảm cân
giảm cân
Người bệnh lao cột sống có thể gặp tình trạng giảm câm kèm theo mệt mỏi

3. Chẩn đoán viêm cột sống do lao

Có hai xét nghiệm phổ biến để chẩn đoán bệnh lao, điểm hạn chế là các xét nghiệm này không cho biết người bệnh đang bị lao tiềm ẩn hay đang hoạt động:

  • Kiểm tra da: Đây còn được gọi là xét nghiệm da tuberculin (còn gọi là xét nghiệm Mantoux). Điều dưỡng sẽ tiêm một lượng nhỏ chất lỏng vào da cánh tay dưới của người bệnh. Sau 2 hoặc 3 ngày, họ sẽ kiểm tra dấu hiệu sưng ở cánh tay để xác định kết quả. Nếu kết quả dương tính, có thể người bệnh này đã bị nhiễm vi khuẩn lao.
  • Xét nghiệm phóng thích Interferon-Gamma (Interferon-Gamma Release Assays, IGRAs) dùng để đo lường phản ứng khi protein TB được trộn với máu của người bệnh.

Nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm da hoặc máu dương tính, bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh chụp X-quang hoặc chụp CT để tìm kiếm những thay đổi trong phổi hoặc xương để phát hiện lao cột sống trên X quang. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra vi khuẩn lao trong đờm hay chất nhầy tiết ra khi người bệnh ho để phát hiện đây là bệnh lao tiềm ẩn hoặc hoạt động.

Chụp X quang lao cột sống

X-quang cột sống ở giai đoạn sớm của bệnh có thể bình thường vì 50% khối lượng xương bị mất thì mới dẫn đến thay đổi có thể nhìn thấy trên X-quang. X-quang quy ước có thể cho thấy tình trạng phá hủy đốt sống và khe liên đốt bị hẹp. Hình ảnh X-quang lao cột sống có thể được chia thành 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn sớm: Khi chụp x-quang cột sống ở nhiều tư thế khác nhau như thẳng hoặc nghiêng thì sẽ thấy các khe đĩa đệm bị hẹp, tuy nhiên, dấu hiệu này cũng rất khó phát hiện và dễ nhầm lẫn sang bệnh khác.
  • Giai đoạn toàn phát: Ở giai đoạn này vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis xâm nhập vào cột sống và gây tổn thương khiến các bờ sát với đĩa đệm bị nham nhở và xẹp thân đốt khiến cột sống mất đường cong sinh lý (biến dạng cột sống).
X quang lao cột sống
Hình ảnh lao cột sống trên phim chụp Xquang

  • Giai đoạn hồi phục: Khi đến giai đoạn này, các đốt sống có nhiễm lao dính liền lại với nhau dẫn đến mất khoảng giữa đốt sống.

Các kỹ thuật chẩn đoán khác

  • Chụp MRI có thể cho thấy mức độ hẹp của cột sống và cho thấy những thay đổi ở giai đoạn đầu của bệnh lao cột sống. Các dấu hiệu có thể nhìn thấy khi bị phù nề hoặc áp xe là gợi ý mạnh của bệnh lao cột sống hơn là bệnh lý ác tính.
  • Chụp CT và xạ hình xương cũng có thể được sử dụng nhưng chụp MRI là phương pháp tốt nhất để đánh giá nguy cơ đối với tủy sống.
  • Sinh thiết xương hoặc mô hoạt dịch cũng thường thường được sử dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan