Hình ảnh tổn thương sợi trục lan tỏa trên cộng hưởng từ

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Nguyễn Thục Vỹ, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tổn thương sợi trục lan tỏa là bệnh lý nặng của chấn thương sọ não gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh tối ưu nhất trong trường hợp này là chụp cộng hưởng từ MRI.

1. Giới thiệu

Tổn thương sợi trục lan tỏa (DAI) là một thể tổn thương não do chấn thương sọ não. Tổn thương não do chấn thương có thể được phân làm thể nhẹ, vừa, nặng dựa vào thang điểm Glasgow (Glasgow coma scale). Tổn thương não do chấn thương với điểm Glasgow từ 13-15 điểm được xếp mức độ nhẹ, từ 9-12 điểm được xếp độ vừa và dưới 8 điểm được phân loại mức độ nặng.

Tổn thương sợi trục lan tỏa nguyên phát ảnh hưởng đến đường đi của chất trắng trong não. Về mặt lâm sàng, bệnh nhân với DAI có biểu hiện trong một loạt rối loạn thần kinh có thể từ không đáng kể về mặt lâm sàng đến trạng thái hôn mê. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân DAI được xác định là nặng và thường có điểm Glasgow dưới 8.

2. Nguyên nhân

Căn nguyên phổ biến nhất của chấn thương trục lan tỏa liên quan đến tai nạn xe cơ giới tốc độ cao. Cơ chế phổ biến nhất liên quan đến chuyển động tăng tốc và giảm tốc dẫn đến lực cắt các vùng chất trắng của não. Điều này dẫn đến tổn thương vi thể và đại thể đối với các sợi trục trong não tại ranh giới của chất xám và chất trắng. Tổn thương trục lan tỏa thường ảnh hưởng đến các vùng chất trắng ở ranh giới chất trắng-chất xám, liên quan đến thể chai và thân não. Điều thú vị là không có mối liên hệ nào giữa tổn thương sợi trục lan tỏa và gãy xương sọ.

tai nạn xe cơ giới tốc độ cao
Tai nạn xe cơ giới tốc độ cao là nguyên nhân thường gặp nhất của chấn thương trục lan tỏa

3. Dịch tễ học

Tỷ lệ mắc bệnh DAI thực sự vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, người ta ước tính rằng khoảng 10% tổng số trường hợp chấn thương sọ não nhập viện sẽ có một tỷ lệ nhất định của DAI. Trong số những bệnh nhân bị DAI, ước tính khoảng 25% sẽ dẫn đến tử vong. Các nghiên cứu tử thi đã chỉ ra rằng bệnh nhân chấn thương sọ não nặng có tỷ lệ đáng kể có tổn thương sợi trục lan tỏa.

4. Bệnh học

Tổn thương sợi trục lan tỏa (DAI) thường là do lực gia tốc quay hoặc do sự giảm tốc đột ngột. Vị trọng lượng riêng khác nhau của chất trắng và chất xám, khi có sự thay đổi vận tốc đột ngột dẫn đến sự cắt xét/bứt giật các sợi trục tại phần tiếp giáp chất trắng xám.Trong phần lớn các trường hợp, các lực này dẫn đến tổn thương các tế bào và dẫn đến phù nề, sự đứt hoàn toàn của sợi trục chỉ gặp trong những trường hợp nặng. Một số tế bào thần kinh có thể bị thoái hóa trong vài tuần hoặc vài tháng sau chấn thương, nó được gọi là axonotmesis thứ phát.

Thông thường, những bệnh nhân bị tổn thương trục lan tỏa có biểu hiện khiếm khuyết thần kinh hai bên, thường ảnh hưởng đến chất trắng vùng trán và thái dương, thể chai và thân não.

Phân loại của Adams về tổn thương sợi trục lan tỏa sử dụng các tổn thương sinh lý bệnh của chất trắng và biểu hiện lâm sàng:

  • Độ 1: Tổn thương sợi trục lan tỏa nhẹ với những thay đổi vi thể về chất trắng ở vỏ não, thể chai và thân não.
  • Độ 2: Tổn thương sợi trục lan tỏa mức độ vừa với tổn thương khu trú đại thể ở thể chai.
  • Độ 3: Tổn thương sợi trục lan tỏa nghiêm trọng với những phát hiện ở độ 2 và các tổn thương khu trú ở thân não.
chất trắng và chất xám trong não
Hình ảnh minh họa chất trắng và chất xám trong não

5. Lịch sử

DAI là một chẩn đoán lâm sàng. Thông thường, DAI được xem xét ở những bệnh nhân có điểm Glasgow dưới 8 trong hơn sáu giờ. Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân bị tổn thương trục lan tỏa liên quan đến mức độ nghiêm trọng của tổn thương sợi trục lan tỏa. Ví dụ, bệnh nhân bị tổn thương sợi trục nhẹ có các dấu hiệu và triệu chứng phản ánh chấn động não. Các triệu chứng này thường bao gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và mệt mỏi. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị tổn thương sợi trục lan tỏa nghiêm trọng cũng có thể có biểu hiện mất ý thức và ở trạng thái thực vật dai dẳng. Một số rất nhỏ những bệnh nhân bị chấn thương trục lan tỏa nặng sẽ tỉnh lại trong năm đầu tiên sau chấn thương.

6. Chẩn đoán

Hình ảnh minh họa mô học của DAI (nguồn Radiopaedia)
Hình ảnh minh họa mô học của DAI (nguồn Radiopaedia)

Nhìn chung, tổn thương sợi trục lan tỏa là một dạng nặng của chấn thương sọ não. Những bệnh nhân bị chấn thương đầu do lực quay hoặc giảm tốc nên được nghi ngờ là mắc chứng DAI. Nói chung, DAI được chẩn đoán sau một chấn thương sọ não với GCS dưới 8 trong hơn sáu giờ liên tục.

Chẩn đoán hình ảnh của DAI:

  • CT não không cản quang được thực hiện thường quy ở những bệnh nhân có chấn thương đầu. Tuy nhiên CT không đủ nhạy với tổn thương trục lan tỏa tinh tế, một số bệnh nhân chụp CT sẽ có kết quả tương đối bình thường trong khi về mặt lâm sàng bệnh nhân có các khiếm khuyết thần kinh nặng không thể giải thích được. CT chỉ có thể phát hiện các tổn thương DAI có biểu hiện xuất huyết. Độ nhạy phụ thuộc vào việc các tổn thương có xuất huyết nhiều hay không. Các tổn thương xuất huyết có thể có đường kính từ vài mm đến vài cm nằm ở chất trắng vị trí ranh giới giữa chất trắng và chất xám, ở thể chai và thân não.

Các tổn thương không xuất huyết là những vùng giảm đậm độ, có thể trở nên rõ ràng hơn trong vài ngày đầu tiên khi phù nề phát triển xung quanh. CT đặc biệt không nhạy cảm đối với các tổn thương DAI không xuất huyết (không tăng đậm độ trên CT), chỉ có thể phát hiện 19% các tổn thương như vậy, so với 92% sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ. Khi các tổn thương xuất huyết và đặc biệt là khi tổn thương lớn thì CT là khá nhạy. Do đó thường nếu một vài tổn thương xuất huyết nhỏ có thể nhìn thấy trên CT, mức độ tổn thương DAI lớn hơn nhiều.

Nhìn chung CT sọ não có giá trị thấp trong đánh giá tổn thương sợi trục lan tỏa.

  • MRI sọ não: MRI là phương thức được lựa chọn để đánh giá các trường hợp nghi ngờ DAI, ngay cả ở những bệnh nhân có CT não hoàn toàn bình thường. MRI với chuỗi xung SWI hoặc GRE, có độ nhạy cao với các tổn thương vi xuất huyết. Một số tổn thương có thể hoàn toàn không xuất huyết (thậm chí sử dụng xung SWI với từ trường cao). Tuy nhiên, những vùng này sẽ hiển thị dưới dạng các vùng có tín hiệu FLAIR cao.

Điều quan trọng, cần lưu ý, rằng ngay cả với các máy cộng hưởng từ hiện đại cường độ trường cao, việc không phát hiện cũng không loại trừ sự hiện diện của tổn thương sợi trục.

MRI phổ (MRI spectroscopy): có thể thấy tăng đỉnh Cholin và giảm NAA

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh (tractography) hay chụp cộng hưởng từ khuếch tán sức căng (DTI - Diffusion Tensor Imaging) có giá trị trong việc phát hiện các tổn thương chất trắng trong những bệnh nhân tổn thương sợi trục lan tỏa.

Về mặt hình ảnh cần chẩn đoán phân biệt DAI với các bệnh lý khác như: dập não, tổn thương mạch máu lan tỏa, các bệnh lý có biểu hiện có các ổ tổn thương tín hiệu thấp đen trên trên xung T2* như bệnh mạch máu não dạng bột, bệnh não tăng huyết áp mạn tính, u mạch dạng hang type IV.

Xung T2* ở bệnh nhân DAI (nguồn Radiopaedia)
Xung T2* ở bệnh nhân DAI (nguồn Radiopaedia)

Tóm lại DAI là bệnh lý nặng của chấn thương sọ não, chẩn đoán DAI là một chẩn đoán thuộc về lâm sàng, CT có giá trị thấp trong chẩn đoán DAI và MRI là phương tiện chẩn đoán được lựa chọn trong các trường hợp lâm sàng nghi ngờ.

Thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả MRI, vì vậy bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện các chẩn đoán tổn thương sợi trục lan tỏa. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent. Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla với công nghệ Silent của hãng GE Healthcare (Hoa Kỳ).

  • Công nghệ Silent đặc biệt có lợi cho các trường hợp người bệnh là trẻ em, người già, người bệnh sức khỏe yếu và người bệnh đang phẫu thuật
  • Hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.
  • Công nghệ chụp cộng hưởng từ là công nghệ được áp dụng trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: radiopaedia.org, ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan