Hướng dẫn cách dùng nạng an toàn

Sử dụng nạng hỗ trợ để tạo thuận tiện cho quá trình đi lại của bệnh nhân gãy xương chân hoặc bàn chân. Dụng cụ này giúp giảm sức nặng của cơ thể tác động lên đôi chân đang bị thương, đồng thời tạo cho bạn khả năng giữ thăng bằng tốt hơn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng nạng cũng cần thực hiện đúng nguyên tắc và tư thế thì mới mang lại hiệu quả cao.

1. Sắp xếp nơi ở và môi trường xung quanh trở nên an toàn hơn

Để bắt đầu sử dụng nạng thì đầu tiên bạn cần phải thực hiện một số thay đổi nhỏ trong ngôi nhà của mình để tránh trượt hoặc ngã khi sử dụng với nạng.

  • Bạn nên dọn dẹp bỏ tất cả những đồ dùng như thảm, dây điện hay bất kỳ thứ gì có thể làm bạn dễ bị trượt hoặc ngã nhất.
  • Sắp xếp lại đồ đạc trong nhà một cách gọn gàng đồng thời phải tạo ra các lối đi thông thoáng để có thể đi lại thuận lợi hơn với nạng
  • Tránh để đồ đạc bừa bãi ở khu vực cầu thang lên xuống, rất dễ làm cho bàn bị té ngã.
  • Chỉ nên đi lại trong phòng khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về ánh sáng. Vì vậy, bạn cần lắp đắp thêm các đèn ở dọc lối đi, hành lang, nhà vệ sinh...
  • Trong phòng tắm nên sử dụng thảm chống trượt đồng thời lắp thêm các thanh để có thể vịn tay. Và đặc biệt bạn nên sử dụng loại bồn cầu cao.
  • Chuẩn bị một chiếc balo để có thể mang theo những đồ dùng cần thiết khi đi với nạng, vì bạn không thể cầm đồ trên tay và đi bằng nạng được.
cách dùng nạng
Bạn cần biết cách dùng nạng để tạo thuận tiện cho quá trình đi lại khi bị gãy xương chân

2. Cách sử dụng nạng và dụng cụ hỗ trợ đi lại

2.1. Nạng

Bạn có thể sử dụng nạng trong trường hợp bị chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng chân mà chưa được phép đứng do sợ sức nặng của cơ thể có thể đè nặng lên đôi chân đang tổn thương. Vì vậy, bạn cần được nhân viên y tế hướng dẫn đi nạng để bạn có thể di chuyển được thuận lợi hơn.

Để sử dụng nạng thì bạn cần phải thực hiện đúng các tư thế đứng:

  • Ở tư thế đứng thẳng thì phần trên cùng của nạng phải được cách hõm nách của bạn khoảng 3 đến 4 cm.
  • Khi đó, tay nắm của nạng phải ở ngang mức khớp háng khi bạn cầm nạng và lúc này khuỷu tay của bạn phải được gấp nhẹ ở một tư thế.
  • Cách dùng nạng để tránh gây tổn thương cho hệ thần kinh hay cũng như những mạch máu ở dưới vùng nách, thì bạn cần sử dụng tay nâng đỡ trọng lượng cơ thể và hạn chế tì nạng vào nách.

Thực hiện đi với nạng: Để có thể thực hiện cách sử dụng nạng chống hiệu quả thì bạn cần nghiêng người về phía trước một chút. Đồng thời đặt hai nạng lên phía trước với chiều dài khoảng một bàn chân. Bạn sẽ bắt đầu bước chân đau lên trước nhưng không để trọng lực cơ thể dồn vào chân này mà sẽ dồn trọng lực vào chân nạng và chân đau bạn bước giống như đi bằng chân này thật.

Tiếp đến, bạn di chuyển toàn bộ cơ thể về phía trước giữa hai nạng và tiếp tục bước tiếp chân lành ra phía trước. Khi chân lành chạm đất, người bệnh có thể đưa hai nạng về phía trước và tiếp tục lặp lại động tác vừa rồi. Trong quá trình đi với nạng bạn luôn luôn phải nhìn về phía trước và không được nhìn xuống chân.

Mức độ chịu được trọng lực cơ thể của chân sẽ tùy thuộc vào quá trình phục hồi của bạn và cần được bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng. Lúc đầu khi sử dụng nạng không chịu sức nặng của chân bị đau và khi cơ thể đã phục hồi đặc biệt vị trí chân thì bạn có thể sẽ được sử dụng nạng có chịu sức nặng chân đau tăng dần cho đến kho có thể bỏ nạng và đi lại bình thường.

Thực hiện ngồi với nạng: Khi muốn ngồi xuống mà đang sử dụng nạng, bạn cần đứng quay lưng về phía ghế ngồi và phải đảm bảo rằng ghế ngồi được để chắc chắn ở vị trị vững chãi tránh bị trượt ra sau lưng.

Tiếp đến bạn đưa chân ra trước và một tay giữ cả hai nạng, một tay vịn vào ghế. Tuy nhiên cần kiểm tra độ vững chắc trước khi vịn vào. Sau đó, bạn có thể từ từ ngồi xuống ghế. Khi muốn đứng lên trở lại, bạn lại quay lại lấy nạng rồi nhích người hướng ra phía trước một chút và sử dụng tay phía bên chân lành để cầm hai nạng. Tiếp đến sử dụng nạng hỗ trợ để nhất toàn bộ cơ thể lên rồi dồn sức nặng của cơ thể lên bàn chân lành để đứng lên bằng chân lành. Cuối cùng, chuyển nạng sang phía chân đau và giữ thăng bằng bằng các tay nắm của cả hai nạng.

Thực hiện sử dụng nạng để lên xuống cầu thang: Đối với người khoẻ mạnh bình thường việc leo cầu thang sẽ rất đơn giản. Tuy nhiên với bệnh nhân gãy xương chân thì điều này cũng gặp khó khăn.

Khi thực hiện lên cầu thang thì thứ tự di chuyển chân sẽ là chân lành, chân đau và nạng. Cầu thang có tay vịn thì bạn có thể đứng đối diện cầu thang, tay phía chân lành thực hiện giữ tay vịn cầu thang, tay còn lại là tay phía bên chân đau sẽ kẹp hai nạng vào nách. Tiếp đến bạn bước chân lành lên trước và chân đau lên sau và đưa nạng lên trên. Trường hợp cầu thang không có tay vịn thì bạn cần sử dụng cả hai nạng. Mỗi nách một nạng và cũng bắt đầu thứ tự bước đi: chân lành, chân đau và hai nạng.

Khi đi xuống cầu thang thì thứ tự di chuyển là nạng, chân đau, chân khoẻ. Đối với loại cầu thang có tay vịn, bạn thường chuẩn bị vị trí đứng theo hướng từ trên xuống dưới cầu thang, tay phải chân khoẻ giữ tay vịn cầu thang và tay phía chân đau kẹp hai nạng dưới nách. Sau khi đưa hai nạng xuống trước, rồi bước chân đau xuống trước, và cuối cùng chân khoẻ sẽ bước xuống sau. Đối với cầu thang không có tay vịn thì bạn có thể sử dụng nạng và mỗi nách một nạng tiếp theo đó bắt đầu đưa hai nạng xuống trước, sau đó đưa chân đau xuống và cuối cùng là chân khoẻ.

cách dùng nạng
Để có thể thực hiện cách sử dụng nạng chống hiệu quả thì bạn cần nghiêng người về phía trước một chút

2.2. Gậy

Sử dụng gậy sẽ giúp hỗ trợ những trường hợp bệnh nhân có vấn đề về mất cân bằng cơ thể, đi đứng không vững vàng, hoặc chất thương gây chân yếu...Đặc biệt đối với những người cao tuổi thì sử dụng một cây gậy để hỗ trợ đi lại có thể khiến họ đi lại thoải mái và thuận tiện hơn.

Tư thế đứng đúng khi sử dụng gậy hỗ trợ: Khi người bệnh đứng ở tư thế đứng thẳng thì đầu trên của gậy phải ở vị trí ngang với nếp gấp cổ tay sao cho khuỷu tay của bạn có thể gấp được khi cần vào đầu trên của gậy. Tiếp đến bạn sẽ cầm gậy ở theo hướng ở bên chân khỏe đối diện với bên chân cần hỗ trợ.

Thực hiện đi với gậy: Bạn cầm gậy và đưa ra trước khoảng 1 bước chân rồi bước lên bằng chân đau và tiếp tục bước với chân khỏe lên phía trước. Sử dụng gây đi lên xuống cầu thang ban đầu bạn phải cầm gậy trong tay phía chân khỏe, tay phía chân đau có thể vị vào tay vịn cầu thang để bước chân lành lên trước, tiếp đến là chân đau và cuối cùng mới đến gậy xuống trước, rồi đến chân đau xuống tiếp và cuối cùng chân khoẻ.

Thời gian sử dụng nạng: Tùy theo mức độ thương tích của bạn và quá trình phục hồi để bác sĩ có thể ra chỉ định nên sử dụng hay bỏ nạng ra. Điều quan trọng là trong quá trình điều trị trị liệu bạn cần tuân thủ hướng dẫn của chuyên viên y tế và thường xuyên kiểm tra định kỳ tình trạng sức khoẻ hiện tại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan